Ca ghép gan đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy

16-10-2012 11:46 | Tin nóng y tế
google news

Sáng ngày 15/10, PGS.TS.BS. Nguyễn Tấn Cường – Trưởng khoa Ngoại gan – mật – tụy, Bệnh viện Chợ Rẫy – Trưởng êkip phẫu thuật ca ghép gan cho biết, sau 3 ngày ca ghép gan đầu tiên ở Bệnh viện Chợ Rẫy được tiến hành, sức khỏe của người cho gan (con trai) và người được ghép gan (mẹ) đã tiến triển rất tốt.

Sáng ngày 15/10, PGS.TS.BS. Nguyễn Tấn Cường – Trưởng khoa Ngoại gan – mật – tụy, Bệnh viện Chợ Rẫy – Trưởng êkip phẫu thuật ca ghép gan cho biết, sau 3 ngày ca ghép gan đầu tiên ở Bệnh viện Chợ Rẫy được tiến hành, sức khỏe của người cho gan (con trai) và người được ghép gan (mẹ) đã tiến triển rất tốt. Cả 2 người đã được bác sĩ cho tập vận động đi lại quanh giường, người mẹ đã đi qua phòng để thăm con trai. Riêng người con đã được cho ăn súp, sữa.
 Ca ghép gan đầu tiên tại BVCR đã đặc biệt thu hút sự quan tâm của báo chí – truyền thông
Nhu cầu bức thiết

Theo PGS.Nguyễn Tấn Cường, chỉ tiêu của Bộ Y tế đề ra đến năm 2020, Việt Nam phải ghép được 1000 ca thận, 20 – 30 ca tim, 10 – 15 ca phổi, 2000 ca giác mạc. Riêng gan mục tiêu cần đạt tới là 80 – 100 ca. Kể từ ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện tại Học viện Quân Y – Hà Nội ngày 31/1/2004, tới nay, trong cả nước đã có 16 ca ghép gan ở trẻ em và 7 ca ghép gan ở người lớn. Riêng ghép gan từ người cho sống ở người lớn thì đây là ca thứ 3 trong cả nước và là ca đầu tiên tại khu vực phía Nam. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, từ 1999 – 2004 nhóm ghép gan được thành lập, tham gia vào đề tài quốc gia ghép gan thực nghiệm do Học viện Quân Y – Hà Nội chủ trì. Bệnh viện đã thực hiện 32 lần ghép gan ở heo với mô hình khác nhau: ghép gan từ người chết não, ghép gan từ người sống.

PGS. Cường chia sẻ, trong thực tế, thời gian qua, nhu cầu ghép tạng nói chung và ghép gan, thận nói riêng thực sự tăng lên ở khu vực TP.HCM và miền Nam. Nhiều bệnh nhân đã ra nước ngoài để ghép với chi phí cao. Nhưng rồi cũng trở lại TP.HCM để tiếp tục theo dõi và điều trị miễn dịch sau ghép. Với trình độ chuyên môn và trang thiết bị hiện đại cùng với kinh nghiệm hơn 250 ca ghép thận thành công (ca đầu tiên được thực hiện năm 1992), việc triển khai ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy thật sự là nhu cầu bức thiết đển giúp cho các bệnh nhân kéo dài cuộc sống với chất lượng sống tốt hơn. Đồng thời cũng giúp bệnh nhân không phải ra nước ngoài điều trị với chi phí rất cao.
 Sau mổ 2 giờ, người cho gan đã tỉnh táo và cười nói được
Với nhu cầu bức thiết đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đăng ký và được Bộ Y tế cho phép tiến hành đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu ứng dụng ghép gan theo mô hình người sống cho tạng và mô hình người chết não hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy” do TS.BS.Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy làm chủ nhiệm đề tài. Để triển khai đề tài này, từ đầu năm 2010, bệnh viện đã tiến hành thành lập đơn vị ghép gan với các ban tư vấn, chỉ đạo và các ban chuyên môn. Phối hợp hoạt động với nhiều khoa phòng để chuẩn bị cho ca ghép gan; hoàn chỉnh cơ sở, mua sắm đầy đủ trang thiết bị cần thiết, hiện đại cho phẫu thuật, gây mê hồi sức, miễn dịch, huyết học, truyền máu, sinh hóa; Liên kết Bệnh viện Asan đào tạo nguyên nhóm ghép gan bao gồm phẫu thuật viên, gây mê hồi sức, giải phẫu bệnh, X quang, dụng cụ phòng mổ; chọn lựa bệnh nhân và người cho tạng thân thuộc; Huấn luyện, tổng dượt toàn nhóm ghép gan ở mô hình thực nghiệm ở heo…
 
Tuy nhiên, theo PGS. Nguyễn Tấn Cường, quá trình chọn lựa bệnh nhân là quá trình khó khăn nhất. Qua việc tiến hành tư vấn về chương trình ghép gan tại BVCR cho các bệnh nhân đang điều trị tại các khoa phòng, qua buổi tư vấn rộng rãi ở chương trình chăm sóc sức khỏe, đã có nhiều bệnh nhân muốn được ghép gan. Nhưng bệnh viện cũng chỉ lựa chọn được 7 trường hợp bệnh nhân có chỉ định ghép gan. Mặt khác, trở ngại lớn là ở chỗ người cho gan không sẵn sàng vì nhiều lí do. Đã có trường hợp rút lui vào giờ phút cuối cùng vì người thân lo ngại cho sức khỏe của người cho gan.
 Giây phút thiêng liêng nhất khi người mẹ vừa tỉnh dậy sau ca ghép gan đã nhìn thấy con trai hồi phục
Thiêng liêng tình mẫu tử

Tình mẫu tử thiêng liêng nên anh D.H.L đã hiến gan để ghép cho mẹ mình với suy nghĩ: “Công sinh thành và dưỡng dục của mẹ cha là bao la. Nếu làm được một điều gì đó để giúp mẹ sống khỏe thì đó là điều đáng làm nhất trong cuộc đời này”. Bà C.T.K.Đ mẹ của L. được phẫu thuật cắt túi mật vào năm 1999. Năm 2004, bà bị hẹp đường mật, sau đó bị giãn tĩnh mạch thực quản (biến chứng của xơ gan), diễn tiến tới suy gan. Từ năm 2008, vợ chồng bà bền bỉ tuân thủ quá trình điều trị tại bệnh gan tại BVCR. Nhưng đến năm 2010, bác sĩ khuyên gia đình nếu có điều kiện nên sang nước ngoài để ghép gan vì gan đã bị suy đến giai đoạn cuối. Vợ chồng bà Đ. Cùng làm nghề giáo, có vay mượn tất cả người thân cũng không thể đủ tiền sang nước ngoài ghép gan. Và đành tiếp tục đến BVCR điều trị với suy nghĩ kéo dài được sự sống chừng nào hay chừng đó.

May mắn đã đến với gia đình bà Đ. khi bà được bệnh viện lựa chọn để tiến hành ghép gan trong dịp này. Các bác sĩ đã thực hiện các xét nghiệm cần thiết, chụp cắt lớp gan (CT Scan) của người cho và người nhận để đánh giá nhiều chi tiết quan trọng như: giải phẫu mạch máu, đường mật của gan, đánh giá thể tích gan, ước lượng phần gan cho và phần gan còn lại của người cho… “Các thông tin được trao đổi, cập nhật liên tục với phía BV Asan nhằm đảm bảo cho việc thành công của ca ghép. Có ngày chúng tôi phải trao đổi với bệnh viện bạn từ 40 – 50 lá thư điện tử”, PGS. Cường nói. Chẩn đoán sau cùng ở bệnh nhân C.T.K.Đ là: xơ gan – lách to giai đoạn cuối kem theo cường lách (giảm 3 dòng máu ngoại vi: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu). Dự kiến sẽ lấy phần gan phải của người cho gan để ghép cho người bệnh sau khi cắt bỏ toàn bộ gan xơ; Dự kiến cắt lách ở người bệnh tùy theo đánh giá lúc mổ và diễn tiến xét nghiệm trong mổ. “Nhân đây, tôi cũng xin được nói rõ: Trước khi tiến hành mổ cho bệnh nhân, chúng tôi đã phát hiện bệnh nhân có 3 lách, lách to và cũng đã hội chẩn rất kỹ với chuyên gia đến từ bệnh viện bạn. Nên việc một số báo đăng tải lúc mổ các bác sĩ mới phát hiện bệnh nhân có 3 lách là hoàn toàn sai. Đây không phải là sự cố nằm ngoài dự tính mà đã được chúng tôi phát hiện và đưa ra những tính toán rất kỹ lưỡng trước khi cuộc mổ diễn ra”, PGS. Nguyễn Tấn Cường nói.
 PGS. Nguyễn Tấn Cường tặng quà chúc mừng và cảm ơn GS. Sung Gyu Lee – ĐH UIsan, giám đốc trung tâm ghép tạng Hàn Quốc, giám đốc trung tâm ghép gan – Trưởng khoa Gan mật BV Asan ngay sau ca ghép và trước khi GS. Sung Gyu Lee ra sân bay
Ngày 12/10/2012, ca ghép gan đầu tiên tại BVCR được thực hiện. Người cho gan được bắt đầu mổ từ 8 giờ 25, kết thúc lúc 16 giờ. Các bác sĩ đã lấy phần gan phải ới nguyên vẹn các cuống mạch nuôi như dự kiến trước mổ. Ca mổ ở người nhận bắt đầu lúc 8 giờ 50, kết thúc lúc 22 giờ 30. Bệnh nhân được cắt toàn bộ gan xơ và cắt lách kèm theo lách phụ. Ghép phần gan từ người cho vào lại vị trí của gan đã cắt bỏ với các miệng nối mạch máu tĩnh mạch gan, động mạch gan và nối đường mật vào quai ruột non: cắt toàn bộ gan xơ và cắt lách kèm theo lách phụ. Sau mổ 2 giờ, người cho gan đã tỉnh táo, cười nói chuyện với người thân. Bệnh nhân ghép gan đã tỉnh táo lúc 5 giờ ngày 13/10. Cụ thể, ngày thứ nhất sau mổ, cả người cho và người nhận gan đều tỉnh táo, các chỉ số sinh tồn (mạch, huyết áp, nhịp thở) đều ổn định. Người cho gan đã được rút ống thông dạ dày, cho uống nước. Người nhận gan, được hướng dẫn tập thở và được rút ống nội khí quản. Ngày thứ 2 sau mổ, điều dưỡng đã tập vận động cả cho người cho và người nhận. Đi lại quanh giường. Người mẹ đã tập đi và sang phòng bên thăm con trai. Ngày thứ 3 sau mổ, người cho gan đã được cho ăn súp, sữa. Các chỉ số xét nghiệm máu, chức năng gan, miễn dịch chống thải ghép, siêu âm mạch máu kiểm tra đều nằm trong dự kiến, diễn tiến thuận lợi.
 Các BS BV Chợ Rẫy và BV Asan trao đổi trước giờ phẫu thuật
PGS. Nguyễn Tấn Cường cho biết, với thành công này, VCR sẽ tiếp tục tiến hành tư vấn, chọn lựa bệnh nhân – người cho gan phù hợp để tiến hành những ca ghép gan tiếp theo. Mặt khác, bệnh viện cũng chuẩn bị sẵn sàng cho ca ghép gan từ người chết não hiến tạng nhằm cứu những bệnh nhân cần phải ghép gan. Cũng theo BS. Cường, hiện tại Việt Nam chưa có thống kê cụ thể có bao nhiêu trường hợp cần được ghép gan. Tuy nhiên, vấn đề viêm gan ở Việt Nam là rất lớn, chiếm khoảng 10% tổng dân số cả nước. Những người bị viên gan siêu vi B, C nếu không được phát hiện và điều trị thì 10 – 20 năm sẽ biến chứng xơ gan dẫn đến suy gan, ung thư gan. Và tất nhiên để kéo dài cuộc sống thì họ phải được ghép gan. Đó là nhu cầu bức thiết và với ca ghép thành công này rõ ràng, con đường phía trước đã sáng hơn.  
 Các BS BV Chợ Rẫy và BV Asan trao đổi sau ca ghép
Nói về sự thành công của ca ghép, PGS. Nguyễn Tấn Cường bộc bạch: “Sau ca phẫu thuật, các bác sĩ đến từ bệnh viện Asan đã đánh giá rất cao trình độ chuyên môn của bác sĩ Viêt Nam. Họ bảo, họ đã từng đi hỗ trợ nhiều nơi như Mông Cổ chẳng hạn, nhưng sự phối hợp của các bác sĩ Việt Nam rất nhịp nhàng. Điều này đã thể hiện rõ ở ca ghép như có đến 90% quá trình phẫu thuật gây mê do bác sĩ Việt Nam thực hiện. Qúa trình lấy gan từ người cho với thời gian tương đương hoặc thậm chí còn nhanh hơn ở Bệnh viện Asan Hàn Quốc.  Đặc biệt, trước khi mổ dự tính người ghép gan phải truyền hết 100 đơn vị máu nhưng khi ca mổ kết thúc thì chỉ hết 8 đơn vị. Riêng người cho gan không phải truyền đơn vị nào”. TS.BS.Phạm Hữu Thiện Chí – Phó khoa ngoại gan - mật – tụy nói thêm: thành công lớn nhất mà tập thể y bác sĩ chúng tôi cảm nhận được đó chính là lúc bác sĩ giúp người mẹ thực hiện được ước muốn trước lúc mổ của mình. “Trước khi mổ, người mẹ tha thiết nói với bác sĩ, điều bà đau đáu nhất là ngay lúc bà tỉnh lại là được nhìn thấy con trai. Khi nghe vậy, chúng tôi liên tưởng tới hình ảnh một người mẹ trước lúc lâm bồn chỉ khao khát được nhìn thấy con. Và chúng tôi đã giúp người mẹ có được niềm hạnh phúc vô bờ đó. Khi hai mẹ con tỉnh dậy, nhìn nhau và chào nhau đó là giây phút chúng tôi rơi những giọt nước mắt vui sướng. Và đó là thời điểm chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự cao quý của nghề Y”, BS. Chí xúc động chia sẻ.

NGUYỄN HUYỀN   


Ý kiến của bạn