Hà Nội

Cả đời nguyện đi tìm ánh sáng cho người khiếm thị

25-05-2013 23:18 | Thời sự
google news

Cả xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP. Ðà Nẵng) có đến 150 người tình nguyện đăng ký hiến giác mạc thì riêng thôn Thạch Nham Tây đã có trên 30 người nằm trong danh sách này, trong đó, gia đình ông Trần Công Tương (67 tuổi), Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ thôn Thạch Nham Tây đã có đến 10 người.

Cả xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP. Ðà Nẵng) có đến 150 người tình nguyện đăng ký hiến giác mạc thì riêng thôn Thạch Nham Tây đã có trên 30 người nằm trong danh sách này, trong đó, gia đình ông Trần Công Tương (67 tuổi), Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ thôn Thạch Nham Tây đã có đến 10 người. Ban đầu, ông là người đi tiên phong trong việc đăng ký hiến giác mạc, sau đó là vợ, con, cháu rồi mới đến vận động người dân trong làng.

Mình làm gương, bà con mới theo...

Trong buổi chiều trời mưa rả rích, chúng tôi tìm về thôn Thạch Nham Tây, địa phương có phong trào hiến giác mạc mạnh nhất xã Hòa Nhơn. Con đường nhỏ dẫn vào trung tâm xã chỉ lưa thưa vài căn nhà thấp lè tè. Xã nghèo này tự bao đời nay, nghề nông là sinh kế nuôi bao thế hệ con trẻ khôn lớn, thành tài. Dường như, hình ảnh rất đỗi đời thường về những nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đã trở nên thường nhật. Rồi chúng tôi dò hỏi đường đến nhà ông Trần Công Tương để tìm hiểu về người nổi danh bằng nghĩa cử hiến giác mạc khi qua đời. Hôm chúng tôi tìm đến, ông Tương không có ở nhà. Theo lời bà Võ Thị Xí (65 tuổi, vợ ông Tương), ông Tương bận đi vận động bà con trong thôn đăng ký hiến giác mạc nên dặn chúng tôi, gần tối đến sẽ gặp được.

Kiên nhẫn ngồi chờ đợi, đến khi nhà nhà đã le lói ánh điện đường, ông Tương mới trở về trong niềm vui khôn xiết. Thấy chúng tôi, ông chu đáo nấu nước pha trà ngồi tiếp chuyện. Suốt cuộc trò chuyện, ông luôn khiến chúng tôi thán phục vì phong cách giản dị, lối ăn nói thực tâm. Nói về vấn đề vận động bà con đi hiến giác mạc giúp người khiếm thị, nét mặt ông rất phấn khởi. Ông chia sẻ: “Cuộc đời này còn nhiều người kém may mắn hơn ta. Nhiều khi ta sống chưa giúp gì đời nhưng khi chết có thể làm một công việc có ích và đem lại niềm vui, ánh sáng cho mọi người... Ai nói chết là hết chứ. Nhiều người dân làng này đã nguyện hiến giác mạc sau khi chết để đem lại ánh sáng cho người mù đấy. Nghĩ lại thấy những ngày cuối đời mình cũng có thể làm được một công việc ý nghĩa”.

Cả đời nguyện đi tìm ánh sáng cho người khiếm thị 1
 Để dân tin, ông Trần Công Tương đã tiên phong đăng ký, sau đó dùng giấy đăng ký hiến tặng giác mạc “tiên phong” của mìnhđể vận động người thân.

Để minh chứng về những nghĩa cử cao đẹp của dân làng, ông đã lôi từ trong tủ ra một tập giấy đăng ký hiến giác mạc của những thành viên trong gia đình. Ông cười tươi cho biết: “Gia đình tôi, hầu như tất cả đều đăng ký hiến giác mạc sau khi chết. Năm 2012 vừa qua qua, cả thôn có đến 30 người hiến giác mạc sau lời kêu gọi của Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng. Thấy được như vậy cũng vui lắm”.

Ông tâm sự tiếp: “Đó là tinh thần của người dân “một nắng hai sương”, gắn bó với ruộng đồng nơi đây. Lúc ban đầu, khi xã giao về thôn vận động cho được 10 người đăng ký tham gia phong trào hiến giác mạc, tôi phổ biến lại ai nghe cũng “rùng mình”. Mọi người ai cũng tưởng rằng, hiến giác mạc là móc đi con mắt, khi chết đi rồi không được trọn vẹn thân thể nên ai cũng sợ”.

“Tôi thường khuyên họ rằng, đó chỉ là lấy đi lớp màng trong suốt ngoài nhãn cầu, không tổn hại gì đến con mắt cả. Ông bà ta bảo chết là hết, nhưng nếu được hiến tặng giác mạc sớm, trước 8 giờ sau khi mất có thể giúp rất nhiều người bị mù, bị khiếm thị được nhìn thấy ánh sáng. Nói dân không tin, mình là cán bộ phải đi tiên phong, mình phải làm gương, bà con mới theo... Đó là một nghĩa cử đẹp để lại cho muôn đời sau” - ông thổ lộ.

Lời nói đi liền với hành động, để người dân tin theo, mình phải nêu gương trước. Ông Tương đăng ký hiến đầu tiên, sau đó là vợ ông, bà Xí. Nhờ những lời động viên tận tình, thấy vợ chồng ông Tương đã tiên phong đi đầu, nhiều người dân trong thôn đã gật đầu tham gia theo.

Ðời cần lắm những tấm lòng như thế...

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn cả nước hiện nay có trên 300.000 người bị mù lòa. Nhưng phương thức điều trị duy nhất chỉ có thể khôi phục một phần thị lực cho các bệnh nhân này là ghép giác mạc (nếu như có người tự nguyện hiến). Còn tại TP. Đà Nẵng, năm 2009, Hội Chữ thập đỏ thành phố đã phát động phong trào tình nguyện hiến giác mạc. Người dân làng Thạch Nham Tây đã đi đầu trong phong trào này với tấm gương của ông Tương. Đó chính là nghĩa cử cao cả của những người nông dân giàu lòng nhân ái, nguyện đem lại ánh sáng cho hàng trăm người mù lòa trong tương lai. Sẽ thiết thực và ý nghĩa hơn khi mỗi ngày có thêm một người khiếm thị được nhìn thấy ánh sáng cuộc đời.

Cả đời nguyện đi tìm ánh sáng cho người khiếm thị 2
 Hiện nay, hầu như tất cả người thân trong gia đình ông Tương đều đăng ký hiến giác mạc.

Người dân nơi ông Tương sinh sống cho biết, năm nay đã 67 tuổi, nhưng bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, ông Tương vẫn cặm cụi cùng chiếc xe đạp cũ kỹ đi khắp nơi vận động mọi người cùng tham gia hiến giác mạc khi qua đời. Thấy chồng tuổi đã cao mà ngày nào cũng bận bịu đi làm việc “xã hội” nhưng bà Xí vẫn ủng hộ. Bà bảo, đó là nghĩa cử, việc làm mang lại tương lai có cuộc sống tốt hơn cho người mù nên để ông tham gia cho thỏa mình.

Ông Tương cho biết, trong số 30 người tham gia hiến giác mạc, có gia đình cả nhà đều đăng ký như hộ ông Trần Văn Đức (60 tuổi) cùng vợ và hai con. Lúc đầu khi đến tuyên truyền, vợ chồng ông đã phớt lờ vì sợ.

“Tôi tưởng là lấy đi mất con mắt, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ là lần đầu tiên được tuyên truyền và nghe đến nên từ chối. Đến khi được ông Tương động viên, giải thích cặn kẽ, vợ chồng ông lại đi tiên phong, nghĩ là việc làm tốt này của mình mang lại ánh sáng đến cho những người kém may mắn trong xã hội nên hai vợ chồng tôi đăng ký luôn. Khi họp bàn cả gia đình để nói cho hai đứa con biết, cả hai đã nhất quyết phản đối. Hai vợ chồng lại nhỏ to từng lời với con về việc làm tốt, không mất mát gì, xuôi tai sao hai đứa đều ủng hộ và cũng đăng ký cùng vợ chồng tôi” - Ông Đức tâm sự.

Cụ Lê Thị Hanh (70 tuổi), người dân nơi đây cũng chia sẻ: “Vợ chồng tôi cũng có đứa con lúc sinh ra cháu bị mù do bệnh giác mạc, nhờ cộng đồng xã hội mà nó được hiến tặng giác mạc để có đôi mắt sáng, giờ có cuộc sống mới tốt đẹp. Như mọi người dân ở đây, sau khi nghe ông Tương phổ biến tôi cũng đã đăng ký hiến giác mạc”.

Chúng tôi ra về khi trời đã tối, nhìn những lá đơn đã đăng ký hiến giác mạc được ông Tương cất cẩn thận mà lòng đầy cảm phục. Đó là niềm hạnh phúc của ông Tương trong những chuyến đi vận động không mệt mỏi, để những hoàn cảnh kém may mắn bị mù có đôi mắt sáng mai này.

“Cuộc đời con người ngó vậy cứ hắt hiu như một ngọn nến. Có thể vụt tắt bất cứ lúc nào nếu chỉ vô tình gặp một cơn gió to thổi ngang qua. Nhưng trước khi ngọn nến ấy sắp lụi tàn, nó lại có thể thắp sáng thêm những ngọn nến khác. Đó là ý nghĩa nhân văn cao đẹp mà lão nông Trần Công Tương làm được để vận động người dân cả thôn hướng đến. Ai bảo dân nghèo không thể làm được việc thiện giúp đời. May nhờ có ông Tương mà chúng tôi dẫu còn nhiều khó khăn nhưng cũng đang cố làm việc thiện theo cách của người nghèo để thắp lên niềm hy vọng cho những con người đang đón chờ ánh sáng” - cụ Anh, hàng xóm với ông Tương tâm sự.            

Bài, ảnh: Hà Kiều


Ý kiến của bạn