Cá diếc - Món ngon, thuốc quý

16-07-2018 14:04 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Cá diếc là loại cá nước ngọt phổ biến ở Việt Nam, giàu dinh dưỡng, được mọi người ưa thích. Theo Đông y, cá diếc vị ngọt, tính bình, tác dụng kiện tỳ...

Cá diếc là loại cá nước ngọt phổ biến ở Việt Nam, giàu dinh dưỡng, được mọi người ưa thích. Theo Đông y, cá diếc vị ngọt, tính bình, tác dụng kiện tỳ, bổ vị điều khí, trừ thấp, giúp ăn ngon miệng, phòng chống lạnh bụng, ăn uống không tiêu, tiêu chảy, lợi tiểu, tiêu thũng, cầm máu (ho ra máu, nôn ra máu, đại tiểu tiện ra máu…). Sau đây là một số món ăn thuốc từ cá diếc.

Kiện tỳ hoá đàm, chỉ khái (tiêu đờm, khỏi ho):

Cá diếc hầm cà rốt: cà rốt 500g, cá diếc 250g (1 con), gia vị. Hầm chín, ăn lúc đói. Dùng cho cả trường hợp ho ra máu, ho lao.

Hoặc: cá diếc bé kho nhừ với củ cải (ăn được cả xương) cũng là món ăn bồi bổ canxi, chữa ho.

Kiện tỳ thẩm thấp lợi tiểu khỏi phù thũng:

Cá diếc hầm đậu: cá diếc 1 con 250 - 300g, thương lục thái nhỏ 10g, xích tiểu đậu (đậu đỏ nhỏ hạt) 30g. Cho thương lục và đậu vào bụng cá hầm chín. Ăn cái, uống nước vào lúc đói, ăn 2 ngày một lần. Ăn 3 lần. Lưu ý: phụ nữ có thai không nên dùng vì thương lục xổ nước mạnh. Muốn chữa phù nhẹ và được an toàn hơn thì bỏ vị thương lục thay vào 9g đường kính. Có thể dùng trong trường hợp phù do viêm thận mạn, phù dinh dưỡng.

Ích khí tiêu phù (viêm thận cấp và mạn): cá diếc 1 con 250 - 300g làm sạch, cùi bí đao 60g, ý dĩ 30g, nấu chung với lượng nước vừa đủ cho đến khi ý dĩ chín nhừ. Hoặc cá diếc nấu với 100 - 200g vỏ bí đao.

Đại tiện ra máu: cá diếc 1 - 2 con nấu canh lá hẹ.

Chữa sởi (thời kỳ xuất hiện nốt sởi): cá diếc 1 con làm sạch, đậu phụ 250g. Nấu thành canh cho trẻ ăn ngày 1 lần. Ăn liền 2-3 ngày. Để tránh gây hóc xương thì phải nấu cá trước, lọc lấy thịt rồi cho đậu vào nấu.

Lỵ amíp: cá diếc 500g, hành 2 củ, hầm chín cả 2 để ăn.

Quai bị: nấu canh cá diếc với rau câu kỷ (cả cành) ăn.

Trẻ biếng ăn, gầy còm, hay đi lỏng, sức yếu: cá diếc 1 con 250g, gừng tươi 30g, trần bì (vỏ quýt khô) 10g, hồ tiêu 1g. Gói 3 thứ sau cho vào bụng cá (đã làm sạch). Nấu chín, ăn cá, uống nước. Chia 2 lần ăn trong ngày. Ăn liền vài ngày.

Chữa ít ngủ, ngủ không ngon giấc: cá diếc 300g, lá vông nem bánh tẻ 50g, hoa thiên lý 50g, gia vị. Xương cá giã nhỏ lọc lấy nước khoảng 400ml, đun sôi rồi cho lá vông và hoa thiên lý cùng với phần cá nạc. Nấu sôi lại là được. Ăn nóng lúc đói vào buổi chiều. Ngày 1 lần trong một tuần lễ.

Chữa ho: cá diếc 2 con (300g), lá xương sông 100g, gừng tươi 2 lát mỏng, gia vị. Làm như cách chữa mất ngủ trên.

Dưỡng phế, giảm ho, cầm máu: cá diếc 1 con 250g, trái hồng khô 2 trái, bách hợp 30g, mỗi thứ đều được làm sạch cho vào nồi, thêm nước nấu chung ninh kỹ với gia vị. Dùng tốt cho người bị các bệnh phế quản, phổi mạn tính, thở dốc, đờm lẫn máu, miệng họng khô, hay đổ mồ hôi.

Chữa tăng huyết áp: cá diếc 1 con (250g) cho vào chậu nước muối nhả hết nhớt dãi. Không mổ, để nguyên con đem luộc gỡ lấy thịt nấu canh với lá dâu.

Chữa đái tháo đường: cá diếc 1 con để vảy không đánh, bỏ ruột lấy trà cho vào đầy bụng, bọc giấy, nướng hay lùi cho chín rồi gỡ ăn.


BS. Phó Thuần Hương
Ý kiến của bạn