Thành phần hóa học: Thịt cá chứa 17,7% protid; 1,8% lipid; 70 mg% calci; 152 mg% phospho; 0,8mg% sắt; vitamin B1, B6. Cá diếc vị ngọt, tính ấm, không độc, vào tỳ vị, đại tràng; tác dụng bổ tỳ vị, hành thủy, tiêu thũng, tiêu khát, sát khuẩn. Mật có vị đắng, tính lạnh.
Công năng chủ trị: Kiện tỳ, lợi thấp, khai vị, hạ khí thông nhũ, thanh nhiệt giải độc. Dùng cho các trường hợp suy nhược, mỏi mệt ăn kém, tiêu chảy, kiết lỵ, phù, đại tiểu tiện xuất huyết.
Liều dùng cách dùng: 200 - 250g, dưới dạng nấu, hầm, chiên, nướng.
Kiêng kỵ: Các chứng bệnh có urê huyết cao, hôn mê gan không nên ăn cá diếc.
Y học dân gian Việt Nam dùng cá diếc
trong y thực trị:
- Cá diếc nấu với rau má mơ (rau má họ), ăn hàng ngày chữa đau gan vàng da.
- Cá diếc nấu với rau rút làm canh, ăn hàng ngày chữa biếng ăn.
- Cá diếc nấu với đậu đỏ hoặc vỏ bí đao chữa phù thũng.
- Cá diếc nấu với nấm hương làm tăng tiết sữa cần cho phụ nữ sau sinh.
- Cá diếc bỏ ruột, cho ít phèn chua (cục nhỏ), đốt tồn tính, tán mịn. Ngày uống 10g chia 2 lần. Chữa trẻ em bị phù, kiết lỵ ra máu.
- Cá diếc làm sạch, cho lá chè non vào đầy bụng, nướng chín. Ăn cả cá và lá chè. Chữa bệnh đái tháo đường (thể uống nước nhiều).
- Bột cá diếc 5g, bột gừng 3g, bán hạ chế 3g chữa viêm phế quản mạn tính.
Một số thực đơn chữa bệnh có cá diếc trong y học phương Đông:
Canh cá diếc củ cải: Cá diếc 200g, cải củ 200g, cà rốt 200g, nước bột đậu 1500 - 2000ml. Cá diếc cắt khúc, cải củ, cà rốt thái lát. Nước bột đậu nấu sôi, thả cá khúc vào, thêm cải củ, cà rốt, gừng, hành tươi đập dập và gia vị hầm nhừ. Khi ăn thêm tương dấm hoặc vắt chanh (nếu có thể cho khế cùng hầm). Ăn khi đói. Dùng cho các trường hợp đầy bụng, lạnh bụng không tiêu, ăn kém, suy nhược cơ thể.
Cá diếc hầm sa nhân cam thảo: Cá diếc 1 con, sa nhân 8g, cam thảo 4g. Sa nhân, cam thảo giã vụn cho vào bụng cá (đã làm sạch bỏ ruột) khâu lại. Không cho ớt, muối mắm, cho các gia vị khác và nước hầm nhừ. Ăn liên tục đợt 3 tuần. Dùng cho bệnh nhân phù thũng toàn thân.
Cá diếc hầm chân giò: Cá diếc 200g, giò heo 1 cái, thông thảo 10g, thêm nước gia vị hầm nhừ, bỏ bã thông thảo. Dùng cho bệnh nhân ít sữa, tắc sữa.
Cá diếc hầm đậu đỏ: Cá diếc 200g, xích tiểu đậu 100g. Hầm nhừ, thêm gia vị nhưng hạn chế muối. Dùng cho các trường hợp phù nề tay chân (cước khí), phụ nữ có mang phù nề; còn có tác dụng an thai.
Canh cá diếc sa nhân: Cá diếc to 2 con, sa nhân 4g, trần bì 3g, lá lốt, ớt, cá diếc làm sạch bỏ ruột để cho róc nước khô; sa nhân tán bột, trần bì tán bột, lá lốt, ớt, gừng, hành, tỏi, bột tiêu lượng thích hợp, thêm muối trộn đều cho trong bụng cá. Dùng dầu lạc chiên rán cá trên chảo cho chín vàng, gắp ra để cho khô. Trên bếp chảo nóng có dầu rán, cho gừng hành cho thêm nước dùng gia vị thả cá vào, cho nước dùng sôi đều. Cho ăn vào các bữa ăn. Dùng cho các trường hợp tỳ vị hư nhược, đầy trướng bụng, ăn kém hoặc đau quặn bụng, tiêu chảy.
Cá diếc kho tương Cá làm sạch ruột ướp gia vị theo ý thích. Gia vị gồm có nghệ giã nát, sả băm nhỏ, đường, hạt tiêu, ớt băm (hoặc để cả quả), tùy theo lượng cá mà cho gia vị. Củ riềng thái lát lót kín đáy nồi. Sau khi uớp khoảng ba mươi phút cho vào nồi, một lớp cá kế đến một lớp tương. Khi nồi cá sôi thì giảm lửa tối thiểu, liu riu cho cá mềm cả thịt lẫn xương. Mùi vị rất thơm ngon. Cá diếc nấu rau răm Nguyên liệu: 3 con cá diếc (tùy lượng người ăn). Một ít rau sam, rau răm, ớt tươi (xanh). Cách chế biến như sau: Cá diếc rửa sạch, ướp tiêu, hành, muối, để 30 phút. Cho nước vào nồi đun sôi (tùy lượng cá và khẩu phần ăn), thả cá vào, khi cá chín cho rau sam. Tắt bếp cho rau răm, ớt xanh dập dập vào, thêm nước mắm ngon vừa. Ăn nóng. |
Tiến sĩ Đức Quang