Ca COVID-19 tăng liên tục, đã có 2 trường hợp tử vong
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 25/4 của Bộ Y tế cho biết, có 2.501 ca mắc. Đây là ngày có số mắc cao nhất trong hơn nửa năm qua. Cùng đó, bệnh nhân thở oxy cũng tăng lên 145 ca, cũng là ngày có số trường hợp thở oxy cao nhất trong vài tháng qua.
Cũng trong ngày 25/4 đã ghi nhận 1 bệnh nhân COVID-19 tại Nam Định tử vong. Đây là lần thứ 2 trong tháng 4 đến thời điểm này, nước ta ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Trước đó, đã hơn 3,5 tháng liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến COVID-19.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 7 ngày gần đây (18/4 – 24/4) Hà Nội ghi nhận 1.857 trường hợp mắc COVID-19, số mắc tăng so với 7 ngày trước đó (720 mắc). Ngày 24/4, ghi nhận số mắc cao nhất với 411 trường hợp.
Sở Y tế Hà Nội cho rằng, các biến chủng qua giải trình tự gen cho thấy cũng tương đồng như Việt Nam và thế giới (biến chủng XBB1.5 và XBB1.9.1), chưa có bằng chứng về sự gia tăng độc lực, nhưng khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng cũ, các triệu chứng biểu hiện đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng.
Tại TP HCM, theo Sở Y tế Thành phố, trên địa bàn đã xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1.
Theo Sở Y tế, miễn dịch cộng đồng bắt đầu giảm nhưng vẫn đang ở mức cao (94%). Tuy nhiên, với xu hướng số ca mắc mới tăng nhanh, không tránh khỏi tình trạng số ca nhập viện bắt đầu tăng cao trở lại, trong đó, hầu hết là người thuộc nhóm nguy cơ và những người chưa tiêm đủ vaccine COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19, tuân thủ 2 K+ trong phòng chống dịch
Về các biến thể mới của Omicron xuất hiện tại một số địa phương mới đây, TS.BS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Những biến thể phụ này đã được phát hiện trước đây và lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, không có gì là mới lạ. Đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều đưa các biến thể phụ này vào nhóm đáng theo dõi và quan tâm. Hiện nay, chưa có thông tin hay bằng chứng rõ ràng là biến thể phụ này làm tăng mức độ nặng của bệnh.
TS Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nêu rõ: Vaccine phòng COVID-19 có hiệu quả trong phòng bệnh và các biến chứng do COVID-19 gây ra, giảm tỉ lệ mắc bệnh nặng và tử vong.
Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo các nước triển khai tiêm vaccine COVID-19, ưu tiên hoàn thành liều cơ bản đối với các đối tượng từ 5 tuổi trở lên và bao phủ trên diện rộng để đạt miễn dịch cộng đồng, phòng bệnh cho cá nhân và những người xung quanh. Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo các quốc gia triển khai tiêm nhắc các liều tiếp theo dựa trên tình hình dịch bệnh.
Hiện nay Bộ Y tế khuyến cáo đối với nhóm nguy cơ cao bao gồm người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng lượng công an, quân đội, giáo viên, người cung cấp dịch vụ thiết yếu...), công nhân... cần tiêm mũi cơ bản và tiêm nhắc 2 mũi tiếp theo.
Liều cơ bản đối với vaccine AstraZeneca, Pfizer hoặc Moderna, Vero Cell gồm 2 liều. Liều nhắc lại lần 1 (không tính liều bổ sung) tiêm sau khi hoàn thành liều cơ bản ít nhất 3 tháng. Liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) tiêm sau mũi 3 ít nhất 4 tháng.
Đối với người mắc COVID-19 sau khi tiêm hoàn thành liều cơ bản có thể tiêm mũi 3 ngay sau khi hồi phục và hoàn thành cách ly y tế. Tiêm mũi thứ tư 3 tháng sau khi mắc COVID-19.
Bên cạnh việc tiêm vaccine, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tuân thủ nguyên tắc bảo vệ cho mình và người khác tại nơi công cộng bằng cách đeo khẩu trang và khử khuẩn thường xuyên.
Cũng về công tác phòng chống dịch, TS Nghĩa nhấn mạnh: việc thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 nên được thực hiện thường xuyên, liên tục đặc biệt trong dịp nghỉ lễ dài tới đây. Những người chưa tiêm đủ mũi vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế nên khẩn trương tiêm đủ mũi để phòng bệnh tốt nhất.
"Với biến thể Omicron thì vaccine COVID-19 vẫn có hiệu quả. Để phòng chống lây nhiễm COVID-19, ngoài việc tiêm đủ các mũi vaccine như khuyến cáo, người dân nên được thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như khẩu trang, khử khuẩn"- TS Ngũ Duy Nghĩa nói.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch bệnh của UBND TP Hà Nội diễn ra chiều 25/4, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lưu ý, virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại và khó dự báo, khó đoán định. Trong khi đó, Hà Nội là địa bàn giao lưu lớn, cũng là nơi tập trung các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến Trung ương nên lượng người từ các tỉnh, thành phố về rất lớn.
Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ 5 ngày, người lao động, học sinh, sinh viên sinh sống và học tập tại Hà Nội sẽ trở về quê. Do đó, sau kỳ nghỉ lễ, khi họ trở lại thành phố, công tác phòng, chống dịch cần phải được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ hơn để bảo đảm an toàn.