Hà Nội

Cà chua thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát

SKĐS - Cà chua là loại quả rất quen thuộc với mỗi gia đình. Cà chua được ví như là một nhà máy dinh dưỡng vì nó cung cấp rất nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật.

Cà chua chứa 4% glucid; 0,3-0,6% protid; 0,3% lipid; các acid hữu cơ (acid maleic, acid citric, acid oxalic...). Quả chín có narcotin, các glucoalcaloid (tomatine); giàu trữ lượng sinh tố: 12 - 40mg% vitamin C; 0,31mg%; 0,03mg% B1; 0,02mg% B2; 0,6mg% PP và các khoáng chất Ca, P, Fe.

Cà chua cung cấp rất nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật.

Cà chua cung cấp rất nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật.

Cà chua là quả của cây cà chua (Lycopersicum esculentum Mill.), họ cà (Solanaceae). Cà chua còn có tên khác là phan cà, tây hồng thị, hương dà, hương thị, cà dầm, tomate. Cà chua có nhiệt lượng thấp, tác dụng dinh dưỡng cao do hàm lượng nước cao, chiếm 94%, tương đương như dưa hấu; Hàm lượng sinh tố C và sinh tố A cao, lại được những acid hữu cơ bảo vệ trong quá trình bảo quản lưu giữ cho đến khi được ăn uống, nên cơ thể tận dụng được tối đa; Thành phần đường chủ yếu là glucose và fructose, nhưng lượng đường lại rất thấp, nên không phải kiêng cữ cho bệnh nhân tiểu đường, béo phì; Có lượng chất khoáng và các yếu tố hiếm phong phú là Ca, P, Fe, Zn, Bo, Mn, Cu, I. Gần đây phát hiện trong cà chua có các yếu tố chống ung thư và chống lão suy (glutathione...); hạ cholesterol, hạ huyết áp, giảm hưng phấn cơ trơn. Tomatin có tác dụng kháng trực khuẩn.

Cà chua ướp đường làm món ăn giải khát, giải nhiệt mùa hè.

Cà chua ướp đường làm món ăn giải khát, giải nhiệt mùa hè.

Theo Đông y, cà chua vị ngọt chua, tính lương; vào vị, can. Tác dụng thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát, kiện vị, tiêu thực. Thường dùng cho các trường hợp thử nhiệt phiền khát (trúng nắng, trúng nóng, sốt, mất nước, khát nước), thiếu máu, phù thận, tăng huyết áp, suy nhược cơ thể sau các bệnh viêm nhiễm dài ngày. Hằng ngày có thể dùng 200 - 250g bằng cách ăn tươi, ép nước, nấu, xào.

Một số món ăn thuốc có cà chua

Canh bí đao cà chua: Bí đao 250g, cà chua 200g, hành 10g, thêm gia vị nấu canh ăn. Dùng tốt cho người tỳ vị hư, ăn kém, đầy bụng trướng hơi, phù thận, tiểu ít, tiểu dắt.

Canh gan lợn cà chua: Cà chua 250g, gan lợn 100g, thêm gia vị nấu canh. Thích hợp cho người thiếu máu, quáng gà giảm thị lực.

Canh trứng gà cà chua: Cà chua 250g, trứng gà 2 quả, nấu canh hoặc xào nước. Dùng tốt cho người suy nhược cơ thể sau bệnh dài ngày, ăn uống kém.

Cà chua ướp đường: Cà chua chín 250g, rửa sạch thái lát, rắc đường trắng để khoảng 30 phút, hoặc để tủ lạnh càng tốt. Dùng làm món ăn giải khát giải nhiệt mùa hè.

Nước ép dưa hấu cà chua: Cà chua, dưa hấu, liều lượng tùy ý, ép riêng từng thứ lấy nước, trộn đều uống. Dùng làm nước giải khát mùa hè, giúp ăn ngon miệng.

Dùng ngoài, trị mụn trứng cá, vết côn trùng đốt cắn

Chữa trứng cá: Cắt lát cà chua chấm vào chỗ trứng cá; ngày hôm sau chấm lại bằng lá chút chít. Mỗi lần chấm giữ lâu khoảng nửa giờ, sau đó rửa bằng nước sạch và mát.

Côn trùng đốt, cắn: Vò lá cà chua xát vào chỗ côn trùng cắn.

Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy không ăn cà chua sống. Cà chua xanh có hàm lượng tomatin cao, có độc tính không dùng.


BS. Phương Thảo
Ý kiến của bạn