Ca chia gan từ người cho chết não: “Việt Nam có đủ nội lực ghép tạng”

18-03-2019 07:32 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đó là lời khẳng định của Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị (BV) Việt Đức, GS.TS. Trần Bình Giang trong buổi họp báo sáng ngày 15/3/2019 về thành công của ca chia gan để ghép đầu tiên tại Việt Nam.

Kỹ thuật chia gan để ghép là kỹ thuật vô cùng khó trên thế giới và với thành công của ca chia gan ghép đầu tiên, ngành ghép tạng nước ta đã tiến thêm một bước vô cùng quan trọng trên nhiều phương diện. Sau đây là cuộc trao đổi của Giám đốc BV Việt Đức được phóng viên báo Sức khỏe& Đời sống ghi lại.

GS.TS. Trần Bình Giang.

GS.TS. Trần Bình Giang.

PV: Thưa ông, sau 6 ngày hậu phẫu, cả hai bệnh nhân được ghép gan đều đã tỉnh táo, chức năng gan mới hoạt động tốt. Ông đánh giá thế nào về việc làm chủ kỹ thuật chia gan để ghép của các thầy thuốc Việt Nam?

GS.TS. Trần Bình Giang: Với thành công này, các thầy thuốc BV Việt Đức đã đánh dấu một bước tiến mới quan trọng trong lĩnh vực ghép tạng. Nó thể hiện một sự tiến bộ lớn cả về mặt ngoại khoa cũng như hồi sức của y tế Việt Nam. Nó chứng tỏ trình độ của Việt Nam trong lĩnh vực này đã tiệm cận với thế giới. Bởi vì phẫu thuật chia gan để ghép rất phức tạp, cho đến nay, trên thế giới vẫn chưa có nhiều trung tâm y khoa làm được. Kỹ thuật này rất khó thực hiện với các lý do: Không nắm được giải phẫu của gan người hiến trước khi chia; cùng lúc phải thực hiện kỹ thuật ghép gan cho 2 bệnh nhân, đòi hỏi mỗi trung tâm y tế phải có 3 kíp kỹ thuật có thể ghép được gan và thực hiện trong điều kiện cấp cứu (chuẩn bị người cho, 2 người nhận, kỹ thuật mổ, gây mê hồi sức...). Theo tổng kết, đến năm 2016, tại Hoa Kỳ là quốc gia ghép gan nhiều nhất thế giới thì số ca ghép loại này chỉ chiếm 1%; tại châu Âu, tỷ lệ này là 6%. Chương trình ghép gan tại BV Việt Đức được bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 21, ca ghép gan cho người lớn đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công tại bệnh viện vào ngày 28/11/2007; đến ngày 15/04/2010, BV đã thực hiện thành công ca ghép gan từ người cho chết não (đầu tiên tại Việt Nam). Hiện tại bệnh viện đã chủ động trong hầu hết các kỹ thuật ghép gan: ghép toàn bộ từ người cho chết não, ghép gan bán phần từ người cho sống, giảm thể tích gan từ người cho chết não để ghép. Số lượng ca ghép gan của BV Việt Đức là 62 trường hợp, chiếm trên 50% toàn bộ số ghép gan cả nước. Còn ca chia gan để ghép đầu tiên này có rất nhiều yếu tố khó: Bệnh nhi trong tình trạng rất nặng, người cho chết não cũng ở tình trạng rối loạn huyết động nặng không thể phẫu thuật chia gan trong cơ thể như thông thường (ảnh hưởng tới yếu tố thời gian của ca ghép) nhưng với sự quyết tâm của đội ngũ thầy thuốc BV Việt Đức, ca ghép đã thành công.

Thưa ông, có yếu tố “ngoại” nào trong ca chia gan để ghép này không? Ý tôi muốn nói là chúng ta có phải cần tới chuyên gia nước ngoài trong lần đầu tiên này?

Không có! Với tư cách là người lãnh đạo BV, tôi hoàn toàn tin tưởng ở đội ngũ thầy thuốc của chúng tôi. Xin nói thêm là đã có những trung tâm y tế trong nước thuê chuyên gia nước ngoài rất tốn kém nhưng cũng không thành công. Vì thế, không hề chủ quan khi nói rằng đội ngũ thầy thuốc của Trung tâm ghép tạng BV Việt Đức hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu cao nhất trong lĩnh vực ghép tạng, kể cả ghép đa tạng. Trên thế giới cũng không có nhiều trung tâm y tế có thể cùng lúc ghép đa tạng. Trong lần này, từ một ca chết não, chúng ta cùng lúc lấy đa tạng để ghép cho 5 bệnh nhân (BN): 1 BN ghép tim, 2 BN ghép gan và 2 BN ghép thận, ngoài ra còn lấy các đoạn mạch máu để gửi vào Ngân hàng mô bảo quản để ghép cho các BN khác. Ca mổ có sự kết hợp của các chuyên gia đầu ngành tại BV từ nhiều chuyên khoa: phẫu thuật ghép tạng; phẫu thuật tim mạch; phẫu thuật vi phẫu; gây mê hồi sức; chẩn đoán hình ảnh; các labo xét nghiệm... - Một đội ngũ rất hùng hậu!

Nguyên nhân vì sao BV Việt Đức quyết định thực hiện ca chia gan để ghép vào thời điểm này mà không phải là sớm hơn hoặc muộn hơn, thưa ông?

Để thực hiện thành công ca ghép chia gan là tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Phải là sự phối kết hợp giữa các đội ngũ một cách chặt chẽ, từ những người thầy thuốc ngoại khoa; nhóm bảo quản tạng gan; những người làm gây mê hồi sức; đội ngũ xét nghiệm... Ngoài ra còn có rất nhiều phương tiện, máy móc hiện đại khác... Tổng hòa tất cả các yếu tố đó mới làm nên thành công của ca phẫu thuật chia gan để ghép. Cách đây khoảng 3 tháng, tôi nhận thấy BV Việt Đức đã thực hiện hầu hết các kỹ thuật ghép gan như đã nói ở trên, chỉ còn kỹ thuật chia gan để ghép từ người cho chết não là chưa làm. Khó khăn lớn nhất của ghép gan là sự khan hiếm của nguồn tạng, do vậy, số lượng gan ghép chỉ thoả mãn khoảng 10-15% nhu cầu. Chính vì vậy, BV đã chủ trương tăng tối đa khả năng ghép gan cho BN, trong đó giao cho Trung tâm ghép tạng nghiên cứu triển khai kỹ thuật chia gan để ghép. Đúng vào thời điểm này, bên BV Nhi mời BV Việt Đức hội chẩn một ca cháu bé 8 tuổi bị suy gan - hôn mê gan do xơ gan mất bù/ BN bị rối loạn chuyển hoá đồng (Wilson) và teo đường mật bẩm sinh, một sự kết hợp giữa 2 bệnh lý hiếm và nặng, cần ghép gan cấp cứu. Ban đầu, BV Nhi dự định ghép gan cho bệnh nhi từ gan của người cho sống nhưng chưa đánh giá hết tình trạng của người cho gan. Vừa may, thời điểm này có người chết não hiến tạng và sự chuẩn bị tại BV Việt Đức cũng đã hết sức bài bản, đầy đủ rồi nên chúng tôi quyết định thực hiện ca chia gan để ghép cho 1 người lớn và 1 trẻ em cùng với các ca ghép tim, thận. Ca ghép bắt đầu lúc 7h30 ngày 9/3/2018, kết thúc lúc 23h30 cùng ngày và đã thành công.

PV: Trân trọng cảm ơn GS!


Lê Minh Thúy (thực hiện)
Ý kiến của bạn