Theo ghi nhận của Phóng viên Báo Sức khoẻ và Đời sống, sáng 16/10, tại khu vực Hồ Tây (đoạn đường Nguyễn Đình Thi), xuất hiện tình trạng cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Số lượng cá chết chủ yếu là cá mè. Nhiều xác cá đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối gây cảm giác khó chịu cho người dân.
Tại đây, không chỉ xác cá chết bị sóng đánh dạt vào góc Hồ Tây, mà xung quanh hồ rác thải sinh hoạt nổi lềnh bềnh, gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, mất cảnh quan, văn minh đô thị.
Ông Kỷ (92 tuổi, trú tại Thuỵ Khuê, Tây Hồ) thường xuyên đi tập thể dục tại hồ cho biết, tình trạng cá chết đã xảy ra lâu ngày, chủ yếu là cá mè, thi thoảng cá chết mà không rõ lý do.
"Cá chết ảnh hưởng đến môi trường nước Hồ Tây, cũng như ô nhiễm môi trường. Sáng sớm người dân đi tập thể dục, mùi hôi thối bốc lên từ xác cá rất khó chịu", ông Kỷ nói.
Vừa ngồi câu cá, vừa chia sẻ với phóng viên, anh Lê Văn Hùng (45 tuổi, trú tại Tây Hồ) cho biết, cá chết mấy ngày nay khiến khu vực này luôn nặng mùi hôi tanh.
Theo anh Hùng, cá chết chủ yếu là do nguồn nước bị ô nhiễm. Lượng cá chết không quá nhiều, nhưng bị phân huỷ bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường nước cũng như môi trường xung quanh.
"Vào các buổi sáng, người dân thường đến Hồ Tây để đi bộ, đạp xe, tập thể dục rất đông. Tuy nhiên, họ phải hít mùi hôi thối bốc lên từ hồ, phần lớn là mùi của xác cá chết", anh Hùng cho hay.
Trao đổi với báo chí, bà Hoàng Thuý Anh - Phó Trưởng Ban Quản lý Hồ Tây (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Ban đã có văn bản chỉ đạo Xí nghiệp thoát nước môi trường, khi có hiện tượng cá chết, công ty đã tăng cường việc thu gom cá chết để tránh có ý kiến của người dân, vì khi cá chết nổi lên, có mùi khó chịu".
Video cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước Hồ Tây.