Sách Cương mục y học Trung Quốc thời Lý có ghi: Cá chép là dương tính trong âm tính, lợi tiểu tiện, có thể phát tán phong hàn, bình phổi thông sữa, làm sạch đường tiêu hoá, bài tiết và trừ khử được tả độc sưng tấy.
Theo Tuệ Tĩnh Toàn tập: Cá chép vị ngọt, tính bình không độc, có công hiệu hạ khí, trừ hoàng đản (vàng da), chữa ho có đờm, máu cục trong bụng, an thai tiêu thũng...
1. Nguyên nhân gây phù thũng khi có thai
Phù thũng thường xuất hiện ở hiện ở mặt và chân tay trong thời gian mang thai. Nếu trường hợp này xảy ra sau tháng thứ 7 (chỉ thấy phù thũng nhẹ chân) thì đó là hiện tượng bình thường, không cần chữa trị, sau khi sinh, hiện tượng này sẽ hết.
Nếu phù thũng ở mức độ nhẹ thì không cần chữa trị, nhưng nếu ở mức độ nặng mà không chữa trị kịp thời thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Theo Đông y, hiện tượng phù thũng khi có thai là do tỳ thận dương hư gây nên (tỳ hư sinh thủy thũng, thận dương hư sinh phù thũng, thủy thấp khí trệ gây phù thũng).
Hiện tượng do tỳ hư gây nên có biểu hiện thời kỳ đầu mang thai, mặt và chân tay phù thũng sắc mặt vàng, mệt mỏi, mạch hư hoạt ngực tức không muốn ăn, miệng nhạt, đại tiện lỏng rêu lưỡi mỏng nhuận...
Hiện tượng do thận gây nên có biểu hiện sau khi mang thai vài tháng, mặt và chân tay phù thũng, sắc mặt xám, tim hồi hộp, sợ lạnh, tay chân lạnh, đầy bụng, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng trơn, hơi thở ngắn, mạch trì.
Cá chép bổ dưỡng an thai, tiêu thũng.
2. Món ăn bài thuốc từ cá chép điều trị phù thũng khi mang thai
2.1 Canh cá chép bạch truật
Thành phần: Cá chép 1 con (khoảng 500g), bạch truật 10g, gừng tươi 10g, trần bì 10g, bạch thược 10g, phục linh 15g, đương quy 6g, một lượng nước, muối, dầu ăn, mì chính vừa đủ.
Cách dùng: Cá chép làm sạch, xắt khúc cho vào nồi với 500ml nước đun sôi, đun nhỏ lửa trong 30 phút.
Các vị thuốc cho vào túi vải, sắc nhỏ lửa khoảng 30 phút bỏ túi thuốc ra, gỡ bỏ xương cá rồi nêm gia vị. Ăn làm ba lần trong ngày, ăn nóng, cách 1 ngày làm một thang, ăn liền 5 thang là 1 liệu trình.
Công dụng: Kiện tỳ ích khí, lợi tiểu, an thai. Chữa phù thũng khi có thai do tỳ hư thủy thấp.
Giá trị dược lý:
- Cá chép: Vị ngọt, tính bình, lợi niệu, tiêu thũng, hạ khí thông sữa, khai vị kiện tỳ, thanh nhiệt, giải độc, giảm ho; dùng trong trường hợp phù thũng, ho, tắc tia sữa, vàng da.
- Bạch truật: Vị ngọt, đắng, tính ôn. Kiện tỳ ích khí, lợi tiểu, ngăn ra mồ hôi, an thai; có thể chữa tỳ hư khí nhược, kém ăn, mệt mỏi, ho nhiều đờm, chân tay phù thũng, đi tiểu ít, động thai.
- Bạch thược: Vị đắng, chua, hơi lạnh có tác dụng dưỡng huyết, liễm âm, giảm đau; có thể chữa chứng đau đầu, chóng mặt, tức ngực, kinh nguyệt không đều, đau bụng khi hành kinh, rong huyết, khí hư, mồ hôi trộm.
- Trần bì: Vị đắng, cay, tính ôn có tác dụng ôn vị táo thấp, lí khí tiêu đờm; có thể chữa chứng kém ăn, nôn mửa, ho có đờm, đầy chướng.
- Gừng tươi: Vị cay, ấm có tác dụng giải cảm, trừ ho, chống nôn, giải độc; có thể chữa cảm lạnh, nhức đầu, ngạt mũi, nôn mửa, ho có đờm, trúng độc cua.
- Phục linh: Vị ngọt, tính bình có tác dụng kiện tỳ lợi thấp, tĩnh tâm an thần; c thể chữa kém ăn, nôn, tiêu tỳ hư, ho có đờm, mất ngủ hay quên…
- Đương quy: Vị ngọt, cay, ấm có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, lưu thông khí huyết, giảm đau; dùng trong các trường hợp huyết hư, đau bụng, da vàng, chân tay tê mỏi, táo bón, mụn nhọt, tắc kinh, kinh nguyệt không đều, đau bụng, rong huyết.
Vị thuốc bạch truật dùng cho chân tay phù thũng, đi tiểu ít, động thai.
2.2 Canh cá chép hoàng kỳ
Thành phần: Cá chép 1 con (khoảng 500g), hoàng kỳ 30g, vỏ bí đao 30g, vỏ gừng 30g, vỏ phục linh 30g, nước vừa đủ.
Cách dùng: Hoàng kỳ, vỏ bí đao, vỏ gừng, vỏ phục linh vào túi vải, sắc nhỏ lửa trong 30 phút, chắt lấy nước, bỏ bã. Cá chép làm sạch, xắt khúc, đun chín, cho cá vào nước thuốc, đun thêm 10 phút.
Ăn cá, uống thang. Mỗi ngày 1 thang, liên tục trong 7 ngày.
Công dụng: Kiện tỳ, lợi tiểu, tiêu thũng, an thai.
Giá trị dược lý:
- Hoàng kỳ: Vị ngọt, hơi ấm, có tác dụng bổ trung ích khí, lợi tiểu, giải cảm, chống phù thũng; có thể chữa khí hư, tinh thần mệt mỏi, kém ăn, kiết lị, sa tử cung, rong huyết, mồ hôi trộm...
- Vỏ bí đao: Vị ngọt, tính mát có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, tiêu thũng; có thể chữa chứng tiểu tiện khó, phù thũng.
- Vỏ gừng: Vị cay, ấm, có tác dụng chống nôn, giải độc, giải cảm; có thể chữa cảm lạnh, nhức đầu, ngạt mũi, ho có đờm, nôn...
- Vỏ phục linh: Vị ngọt, tính bình có tác dụng kiện tỳ lợi thủy tĩnh tâm an thần, có thể chữa kém ăn, phù nề, đầy bụng, mất ngủ, khí hư.
2.3 Canh cá chép phục linh
Thành phần: Cá chép 1 con (0,5 kg), phục linh 30g một lượng nước, muối, gừng vừa đủ.
Cách dùng: Cá chép làm sạch, cắt thành hai khúc. Tra đủ nước vào nồi rồi cho phục linh, gừng tươi, muối, cá chép vào đun cho đến khi cá chín nhừ là được.
Uống nước canh, ăn thịt cá. Hai ngày 1 thang, ăn liền 5 thang.
Công dụng: Bổ khí, kiện tỳ, lợi tiểu, tiêu thũng. Chữa phù thũng khi mang thai do tỳ hư.
Giá trị dược lý:
- Cá chép: Vị ngọt, tính bình, có tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng khai vị kiện tỳ, thông tuyến sữa, giải nhiệt, giải độc, trị ho; có thể hỗ trợ điều trị các chứng phù thũng, đầy hơi, tiểu tiện khó, ho, vàng da, tắc tuyến sữa.
- Phục linh: Vị ngọt, tính bình có tác dụng kiện tỳ lợi phổi, tĩnh tâm an thần; có thể chữa các bệnh kém ăn, nôn mửa, phù thũng, tiêu chảy, mất ngủ, khí hư, hay quên.
Mời bạn xem thêm video:
Sau sinh, bao lâu được quan hệ tình dục trở lại? | SKĐS