Cá chép giàu chất dinh dưỡng. Các nhà khoa học đã chứng minh trong cá có nhiều vitamin D tạo điều kiện cho việc hấp thu canxi của cơ thể, ngoài ra trong cá còn có nhiều kẽm, là một vi chất có ích và khuyên rằng không nên ăn cá dưới dạng chiên rán không có lợi cho sức khỏe.
Trong Đông y, nhiều loại cá được đề cập không phải là món ăn mà là để chữa bệnh (Nam dược thần hiệu). Cá chép gọi là lý ngư, vị ngọt, tính bình, không độc nhập tỳ thận vị kinh có tác dụng lợi thủy tiêu thũng, kiện tỳ khai vị, hạ thủy thông sữa, thai động bất an rất tốt cho phụ nữ mang thai.
Chữa nôn mửa: cá chép 1 con, đánh vẩy, mổ bỏ ruột, rửa sạch, sa sâm 6g giã dập, gừng tươi 10g thái mỏng, nước 2 bát. Sa sâm và gừng cho vào bụng cá hầm chín, ăn trong ngày.
Tác dụng an thai, chữa động thai: cá chép to 1 con để cả vẩy, mổ bỏ ruột; gạo nếp vừa đủ, cho thêm ít vỏ quýt, gừng sống, gia vị, nấu thành cháo ăn hàng ngày rất tốt.
Chủ trị phụ nữ có thai bị phù: cá chép to 1 con, đậu đỏ 100g, cho thêm gừng, hành trắng, nấu chín, ăn nhạt. Ăn cái, uống nước, ăn hết 1 lần để thải độc.
Tăng tiết sữa: cá chép 1 con, chân giò lợn 1 phần, thông thảo 3g. Tất cả hầm mềm, chia ăn nhiều lần trong ngày.
Trị ứ huyết, đau bụng dưới sau sinh: vẩy cá chép sấy khô, nghiền nhỏ uống với ít rượu nếp.
Kiện tỳ vị, trị bệnh hư hàn: cá chép 1 con đem luộc lấy nước, thêm hành tươi cắt khúc, gừng, gia vị vừa đủ, ăn cá, uống canh.