Ca can thiệp nội mạch bằng laser như tôi thấy

20-04-2015 09:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Suy giãn tĩnh mạch nông là tình trạng tĩnh mạch chạy ngoằn ngoèo chứ không chạy thẳng nữa và trường hợp bị tắc mạch máu thì máu đâm ra chảy ngược.

Suy giãn tĩnh mạch nông là tình trạng tĩnh mạch chạy ngoằn ngoèo chứ không chạy thẳng nữa và trường hợp bị tắc mạch máu thì máu đâm ra chảy ngược. Bệnh suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới thường là do bẩm sinh nguyên phát, còn thứ phát là do tắc tĩnh mạch sâu.

Triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch ở giai đoạn đầu thường không rầm rộ nên giai đoạn này người bệnh thường bỏ qua. Đến khi phát hiện phù chân, các tĩnh mạch nông giãn to, loét chân, biến đổi màu sắc da, thậm chí tắc mạch máu,... bệnh nhân mới cuống lên tìm đến bệnh viện để điều trị. Để bệnh nặng sẽ hỏng chân, ảnh hưởng rất lớn đến sức lao động.

Trước và sau khi làm laser 10 ngày.

Tôi hỏi BS. Nguyễn Thị Cẩm Vân - Phó Trưởng khoa Thăm dò chức năng - Bệnh viện Trung ương Huế:

- Nếu bị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới thì phải chữa như thế nào?

BS. Cẩm Vân trả lời:

- Nếu phát hiện sớm ở giai đoạn đầu, chỉ cần cho bệnh nhân mang tất tĩnh mạch là loại tất bó chặt vào chân cho tĩnh mạch dần dần trở về đường thẳng cũ của nó, đồng thời cho uống thuốc là sẽ khỏi. Còn nếu để bệnh ở giai đoạn 2 trở đi thì phải mổ hoặc can thiệp nội mạch. Bởi thành mạch gồm 3 lớp: lớp ngoài, lớp giữa, lớp trong. Bệnh gây xơ lớp trong, nhiều xơ sẽ tắc mạch máu. Tắc mạch máu thì vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, phẫu thuật có nhiều hạn chế do gây tê tủy sống hoặc gây mê toàn thân thời gian nằm viện sẽ kéo dài, thời gian phục hồi để lao động kéo dài, có thể nhiễm trùng vết mổ, đau và dị cảm sau mổ và tính thẩm mỹ không cao.

Dừng nghỉ giây lát, BS. Cẩm Vân nói tiếp:

- Ngoài ra cũng có nhiều cách chữa bệnh này, tùy thực tế trạng thái bệnh.

Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện trường hợp laser nội mạch đầu tiên vào năm 2005 tại Hội thảo quốc tế Việt - Pháp lần thứ 3 về bệnh lý tim mạch nội ngoại khoa. Cho đến cuối năm 2014, bệnh viện mới mua được máy và đưa vào thực hiện một cách thường quy với kết quả ban đầu rất tốt, chưa thấy tai biến. Phương pháp laser nội mạch là can thiệp nội mạch bằng cách dùng năng lượng ánh sáng laser phát ra từ sợi quang được đặt trong lòng mạch để hình thành lại tĩnh mạch suy giãn mất chức năng. Bệnh nhân có chỉ định điều trị phương pháp này khi có các tiêu chuẩn sau: có dấu hiệu nặng chân khi đứng lâu, ngồi lâu, tĩnh mạch nông vùng chân nổi rõ, có quai tĩnh mạch giãn ở giai đoạn 2. Siêu âm mạch máu sẽ cho hình cụ thể sự rắc rối của tĩnh mạch nông này có đường kính lớn hơn 5mm và có dòng máu trào ngược. Trên sự thể hiện của siêu âm, thầy thuốc sẽ vẽ đường đi của tĩnh mạch và đánh dấu vị trí chọc dò để làm thủ thuật.

Đúng lúc này, bệnh nhân Bùi Văn B. bước đi tập tễnh, tập tễnh trong tư thế sụp ngã được người nhà dìu tới. BS. Cẩm Vân bảo tôi:

- Xin lỗi anh, Cẩm Vân có bệnh nhân rồi. Anh đợi Cẩm Vân một chút nhé.

Lẽ ra tôi có thể về được nhưng vì tò mò đang dở chuyện hấp dẫn, lại có bệnh nhân tới minh chứng nên cứ để Cẩm Vân đi, tôi ngồi chơi. Chừng hơn một giờ đồng hồ sau thì Cẩm Vân quay lại, như nói tiếp chuyện với tôi:

- Bệnh nhân Bùi Văn B. bị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới ở giai đoạn 2, chân anh ấy đã bị phù nề, các tĩnh mạch nông giãn to, da biến đổi màu sắc. Tôi đã cho đi siêu âm và căn cứ vào siêu âm, tôi đã vẽ được hình dạng phức tạp tĩnh mạch nông của anh ấy lên mặt da ở bẹn. Ngày mai, chúng tôi sẽ dùng phương pháp laser chữa cho anh ấy. Anh sắp xếp thời gian đúng 8 giờ sáng ngày mai đến đây giám định cho một công trình của bệnh viện nhé.

- Cảm ơn bác sĩ.

Đúng 8 giờ sáng hôm sau, tôi tới phòng điều trị và được mặc áo, quần, đội mũ đã diệt khuẩn đàng hoàng, thấy BS. Cẩm Vân đang tư vấn cho bệnh nhân Bùi Văn B. về phương pháp laser sẽ được thực hiện cho anh và nói kỹ cho anh nghe ưu, khuyết của phương pháp này. Bệnh nhân Bùi Văn B. cười đầy tin tưởng. Tiếp đó, bệnh nhân được đi siêu âm lại để xác định đường đi của tĩnh mạch và đánh dấu vị trí chọc dò để làm thủ thuật.

Các thầy thuốc dùng laser sát trùng chân cho bệnh nhân và trải khăn vô khuẩn.

Ca điều trị suy giãn tĩnh mạch nông cho bệnh nhân Bùi Văn B. bắt đầu. BS. Cẩm Vân và nhóm bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Bùi Văn B. đâm kim vào nơi tĩnh mạch đã được đánh dấu và nhẹ nhàng thận trọng luồn dây dẫn, ống dẫn vào đúng vị trí. Sợi dây laser được luồn vào lòng tĩnh mạch theo sự hướng dẫn của siêu âm. Nơi đâm kim ở cổ chân và đích cuối cùng đầu dây laser đi tới là bẹn, dài tới 60cm. Đầu dây ló ra ngoài tĩnh mạch chừng 2cm, được cố định bằng khóa. Để giảm đau, tách tĩnh mạch ra khỏi mô xung quanh, các bác sĩ tiêm cho bệnh nhân thuốc tê đã được làm lạnh. Năng lượng điện được truyền vào dây laser là 10W. Phát nhiệt vào dây laser chừng 45 phút, dây laser được rút dần đều với tốc độ từ 1 đến 2mm trong một giây. Một chi tiết nhỏ nhưng cần thiết là BS. Cẩm Vân cho tiêm xơ để lấy bỏ đi những nhánh tuần hoàn bên ở vùng cẳng chân.

Coi như cuộc điều trị bằng laser cho anh Bùi Văn B. đã thành công.

Rời qua phòng bên, bác sĩ nói với tôi:

- Chúng tôi sẽ băng ép chân cho bệnh nhân 48 giờ đồng hồ, sau đó được tháo và mang tất tĩnh mạch áp lực II cho anh ấy khoảng 6 tuần. Trong thời gian 4 giờ đồng hồ tiếp theo, cứ 45 phút chúng tôi cho anh B. ngồi dậy đi bộ 15 phút và sau 7 ngày điều trị anh B. tập thể dục đi bộ hàng ngày. Ngay sau thủ thuật này chúng tôi sẽ tiêm thuốc chống đông cho anh ấy, tiêm dưới da. Từ ngày áp dụng laser, chúng tôi chưa hề phải dùng một viên thuốc giảm đau nào.

Tôi hỏi:

- Liệu mấy ngày sau thì anh Bùi Văn B. được ra viện?

BS. Cẩm Vân trả lời:

- Để giảm chi phí cho bệnh nhân, chúng tôi có thể cho bệnh nhân ra viện ngay hôm sau, nhưng người bệnh sẽ tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Còn tùy sức khỏe của từng bệnh nhân, nếu yếu quá thì phải nằm viện dài hơn. Tuy nhiên, một số trường hợp không được dùng phương pháp laser như: rò động tĩnh mạch, có bệnh lý động mạch đi kèm, có thai, đang cho con bú, bệnh nhân có thể trạng suy kiệt hoặc đang có bệnh về máu. Chúng tôi khám xét và sẽ tư vấn cho bệnh nhân đến nơi đến chốn.

Phải nói rằng từ khi có phương pháp laser, cho đến nay các ca điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới ở Bệnh viện Trung ương Huế rất an toàn, gọn gàng, không hề gây khó khăn cho bệnh nhân. Những ai có bệnh hãy luôn nhớ lời các bác sĩ dặn dò rằng: ai phát hiện ra bệnh phải điều trị ngay để tránh khi bệnh nặng dễ xảy ra các biến chứng đáng tiếc.

Nguyễn Quang Hà

 

 


Ý kiến của bạn