Ca bệnh khó quên

30-10-2009 10:18 | Dược
google news

Trong chuyến công tác theo Đề án 1816 ở Lào Cai có 2 ca bệnh đã để lại nhiều kinh nghiệm quý giá trong đời làm công tác chuyên môn của tôi.

Trong chuyến công tác theo Đề án 1816 ở Lào Cai có 2 ca bệnh đã để lại nhiều kinh nghiệm quý giá trong đời làm công tác chuyên môn của tôi.

Chúng tôi đến Khoa tâm thần kinh Bệnh viện đa khoa số 1 Lào Cai được các bạn đồng nghiệp đón tiếp nồng hậu. Trong một lần sang khoa tôi thấy mọi người trầm ngâm dường như đang suy nghĩ một vấn đề gì đó rất lung mung. Tôi hỏi, anh Tý - Trưởng khoa nói ngay: "Hiện khoa đang có một ca bệnh là một cháu gái chỉ mới 15 tuổi bị rối loạn tâm thần, khoa nghĩ rằng cháu bị tâm thần phân liệt. Cháu đã điều trị nhiều ngày, dùng thuốc an thần kinh thế hệ cũ liều đã tương đối rồi mà bệnh không thuyên giảm, các triệu chứng cơ thể lại càng nặng thêm. Nhìn cháu bé cứ nằm thiêm thiếp, tôi lại không yên tâm và có cảm giác như có một cái gì đó không ổn phía sau các triệu chứng đó. Tôi đã trao đổi với anh em trong khoa và bây giờ trao đổi với ông". Tôi lập tức cùng các anh xem lại ca bệnh này và được biết thêm rằng trường hợp này bệnh nhân cũng đi khám và chữa chạy khắp nơi rồi mà cũng không đỡ, kinh tế gia đình đã kiệt quệ. Chúng tôi thấy cháu có những nét rối loạn tâm thần khá giống với một loại loạn thần nội sinh cộng thêm mẹ của cháu lại bị rối loạn tâm thần đang được điều trị quản lý tại cộng đồng. Vì lý do này mà các tuyến chuyên khoa tâm thần của nước bạn Trung Quốc và lần này cả khoa cũng đã nghĩ cháu bị tâm thần phân liệt. Điều này làm cho gia đình cháu càng buồn phiền, điều trị mãi mà vẫn không tiến triển, gia đình càng ngày càng mất lòng tin. Mấy anh em thấy rõ ràng cháu có triệu chứng suy nhược chỉ có ở các bệnh lý thực tổn: đau đầu khu trú, thời tiết ảnh hưởng rất rõ đến bệnh lý. Thuốc an thần kinh liều không cao mà làm cho cháu đã có biểu hiện ngấm thuốc, cứng người, khó ăn uống... Với kinh nghiệm đã gặp một vài ca giống thế, tôi hỏi lại gia đình mới vỡ lẽ cháu bị viêm màng não từ năm 3 tuổi. Vậy là chúng tôi đã chuyển hướng chẩn đoán và điều trị sang các rối loạn tâm thần liên quan đến các căn nguyên thực tổn. Kỳ diệu thay, chỉ sau 5 ngày thay thuốc cháu đã chuyển biến rõ rệt, tự ngồi dậy được, 2 tuần tiếp theo cháu đã nhanh nhẹn khi giao tiếp. Nhìn sắc mặt hồng hào, đôi mắt nhanh nhẹn như có hồn của cháu chúng tôi không thể giấu được niềm hạnh phúc. Thế là nhờ suy nghĩ trăn trở và tinh thần học hỏi của người thầy thuốc mà một bệnh nhân đã được chở về với cuộc sống bình thường.

Một trường hợp khác, bệnh nhân nữ đã ngoài 60 tuổi, luôn lo lắng than phiền ngủ kém do không thể nằm xuống được, cứ nằm xuống là chóng mặt, trời đất đảo lộn nên không dám nằm. Đêm đến bệnh nhân chỉ ngồi, ăn uống kém và cơ thể ngày một mệt mỏi và suy kiệt, sút cân. Gia đình đã đưa bệnh nhân đi khám và điều trị khắp nơi nhưng không tiến triển. Nghe nói bệnh nhân được chẩn đoán là trầm cảm, điều trị bằng các thuốc chống trầm cảm không có kết quả, bệnh nhân ngày càng sút cân, suy kiệt, chán sống đến mức đã bàn với chồng con về chuyện chia tài sản và lo ma chay... Lần này nghe có bác sĩ của trung ương lên công tác, lập tức họ xin vào điều trị. Nhận ca bệnh này mà mấy anh em vừa mừng về sự tin tưởng của bệnh nhân, vừa lo vì đây không phải là một ca bệnh đơn giản và không biết các bác sĩ ở đây có tự ái không. Trái với sự lo lắng của chúng tôi, các anh lập tức nhập cuộc với tinh thần hỗ trợ và học hỏi. Thăm khám cho chị, nhìn vẻ mặt gầy rộc xanh xao vì lo lắng bệnh tật trông già hơn cả chục tuổi, mà ông chồng đi chăm vợ ốm trông lại cứ phây phây, chúng tôi không khỏi cám cảnh. Bệnh nhân lập tức được khám, làm các xét nghiệm kiểm tra. Rõ ràng là bệnh nhân có đầy đủ các yếu tố để chẩn đoán là trầm cảm nhưng điều mà mấy anh em nhận thấy sự lo lắng, buồn chán của bệnh nhân xuất phát từ thất vọng điều trị không có kết quả. Một số triệu chứng suy nhược gặp ở bệnh nhân có nét giống với ca loạn thần có tổn thương thực thể. Thế là sau một đêm suy nghĩ tính toán, chúng tôi bàn bạc thống nhất khả năng các triệu chứng trầm cảm có thể là do một số  rối loạn về cơ thể gây nên. Từ hướng đi này,  anh em đã phát hiện thêm các rối loạn về cơ thể của người bệnh ở các lần khám trước bị bỏ sót như: có tình trạng rối loạn dẫn truyền tại tim, tăng huyết áp, mỡ máu tăng cao, kèm theo thoái hóa 3 đốt sống cổ. Âu cũng là người cao tuổi, lắm bệnh tật, điều trị không được lại càng lo lắng làm bệnh càng thêm phức tạp. Chúng tôi đã điều trị cho bệnh nhân bằng cách giải quyết dần theo các nguyên nhân đã phát hiện. Kết quả sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã có biến chuyển tích cực. Khi ra viện, chị đã không cầm nổi nước mắt và nói rằng "các bác sĩ đã cho tôi lòng tin vào cuộc sống". Còn chúng tôi vui mừng không kém vì trút được gánh nặng tâm lý. Thế là, nhờ vào lòng yêu nghề, yêu thương người bệnh và tinh thần không chịu bó tay trước các ca bệnh khó, sự cầu tiến, ham học hỏi của các thầy thuốc ở Lào Cai  đã thúc giục chúng tôi cố gắng hết sức trước ca bệnh hóc búa này và khá nhiều các ca bệnh khó khác trong thời gian chúng tôi đi tăng cường ở đây. 

BS. Minh Anh


Ý kiến của bạn