Hà Nội

Ca bệnh hiếm gặp trong Y văn thế giới: Cứu bệnh nhân vỡ phế quản, người căng phồng như quả bóng

02-05-2018 13:10 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS: Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa phẫu thuật tim mạch lồng ngực, BV Việt Đức đánh giá: Đây là ca bệnh được cứu sống hy hữu hiếm gặp trong cả Y văn thế giới.

Video: PGS. Nguyễn Hữu Ước – Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực – BV Hữu nghị Việt Đức nói về chấn thương hy hữu trong lịch sử Y văn Thế giới của bệnh nhân Hà Xuân Hạnh.

Sau tai nạn lao động kinh hoàng vỡ nát khí quản, đa chấn thương, người nở phồng như một quả bóng bay do sập đường ống trong khi đang xây dựng đường cống, tưởng rằng không thể sống sót vậy mà giờ đây, anh Hà Xuân Hạnh (Phú Thọ) đã nhoẻn miệng cười mỗi khi có y, bác sĩ tới chăm sóc. Để giành giật lại mạng sống cho anh một đội ngũ y bác sĩ cùng các chuyên gia đầu ngành về tim mạch của hai bệnh viện: BVĐK Tỉnh Phú Thọ, BV Hữu nghị Việt Đức đã cùng phối hợp cấp cứu và phẫu thuật kịp thời.

Ngày 2/5, tiếp xúc với Bệnh nhân Hà Xuân Hạnh 42 tuổi (Phú Thọ), sức khỏe của anh đang bình phục và sắp được xuất viện. Anh Hạnh là công nhân xây dựng đi làm cốt pha đổ cống. Khoảng 8h sáng ngày 5/3, trong khi đang đang đứng dưới hầm đào cống cùng 2 người nữa, đất tự nhiên từ trên cao sập xuống lấp kín cả người, chỉ còn hở ra phần đầu anh Hạnh. Hai người công nhân còn lại chỉ bị xây xước còn anh Hạnh thì bị nặng.

Kể lại tai nạn, người thân anh Hạnh chưa hết bàng hoàng: anh Hạnh bị ngã sấp mặt xuống đất, ngực bị đập vào vật cứng. Vật cứng ép lưng anh Hạnh xuống vì vậy toàn bộ phần ngực và lưng bị đập rất mạnh, toàn bộ khí quản ngực bị dập vỡ, xương sườn 2 bên bị gãy toàn bộ, xương ức của cột sống  bị dập vào nhau như một chiếc panh kẹp vào khí quản. Vết thương bị ngang ngực trên cao, ở vị trí đối diện 2 vai kèm theo một số bộ phận dập nát. Anh Hạnh được đưa vào bệnh viện BVĐK Phú Thọ và được các bác sĩ chẩn đoán có thương tổn trong lồng ngực, khí quản. Tuy nhiên, các bác sĩ chưa khẳng định chính xác được tổn thương đó ở mức độ nào.


Anh Hà Xuân Hạnh (Phú Thọ) đã nhoẻn miệng cười mỗi khi có y, bác sĩ tới chăm sóc

Video: PGS. Nguyễn Hữu Ước nói về những thương tổn hy hữu về ca bệnh vỡ phế quản gốc trong lịch sử y văn thế giới của bệnh nhân Hà Xuân Hạnh

BVĐK Phú Thọ đã hội chẩn toàn viện, đánh giá được mức độ trầm trọng của thương tổn và đưa ra quyết định mời các chuyên gia BV Hữu nghị Việt Đức về Phú Thọ chẩn đoán và điều trị cho ca bệnh khó. Khi tiếp nhận thông tin qua điện thoại từ BVĐK Phú Thọ, PGS. Nguyễn Hữu Ước – Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực – BV Hữu nghị Việt Đức đánh giá đây là một thương tổn rất lạ và khó, không giống như các tổn thương khí phế quản thường gặp. Vì vậy, PGS. Ước đã ngay lập tức về Phú Thọ để cùng phối hợp với các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân.

PGS.TS Ước đánh giá: Điều đáng ghi nhận và đánh giá cao đối với các bác sĩ BVĐK Phú Thọ ở đây là cách xử lý cấp cứu ban đầu vừa đủ tới, cũng không quá mức sẽ khiến bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong. Ranh giới vừa đủ tới này rất mong manh, chỉ như một sợi chỉ mà thôi. “Thông thường nếu khí quản bị dập như vậy, bệnh nhân sẽ suy hô hấp và tử vong rất nhanh chóng sau tai nạn, nhưng trường hợp này rất đặc biệt và may mắn, bệnh nhân vẫn sống cho tới khi đưa tới viện” – PGS Ước chia sẻ.

Bệnh nhân căng phồng như một quả bóng và nhát kim châm chuẩn xác cứu mạng…

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Cách xử lý của các bác sĩ BVĐK Phú Thọ trong khâu cấp cứu quan trọng ở ca bệnh này rất thông minh, nhanh chóng và kịp thời, tất cả “vừa đủ tới”.

Khi tiếp nhận bệnh nhân Hạnh, qua các xét nghiệm, các bác sĩ vào tới BVĐK Phú Thọ chẩn đoán: Bệnh nhân bị dập vỡ khí quản, tràn khí nên đã ngay lập tức cho bệnh nhân thở máy, dẫn lưu màng phổi 2 bên. Trước khi tiến hành điều trị hồi sức, bệnh viện đã kịp thời làm động tác chụp cắt lớp ngực qua đó thấy được hình ảnh rất phức tạp, nát toàn bộ quanh khí quản ngực và nửa ngực trên.

Khi thấy tình trạng suy hô hấp ít biến chuyển sau hồi sức, trong lúc hội chẩn, BVĐK Phú Thọ đã chỉ định soi phế quản cấp cứu. Kết quả soi xác định thương tổn: Có vỡ, chấn thương khí quản ngực, ngay trên chỗ chia thành 2 phế quản gốc. Tuy nhiên, do thương tổn vô cùng hiếm gặp, nên cơ chế chấn thương như thế nào, mức độ thương tổn ra sao, cách xử trí thế nào, các thầy thuốc còn chưa thực sự hiểu rõ và rất bối rối.

Diễn biến bệnh cho thấy, dù được thở máy nhưng bệnh nhân vẫn bị suy hô hấp rất nặng. Sau khi dẫn lưu khí màng phổi, máy thở càng hoạt động, không khí bóp bóng càng đưa vào cơ thể thì người bệnh nhân bắt đầu căng phồng như một quả bong bay càng lúc càng căng. Điều này không giống như một chấn thương ngực bình thường. Trước tình thế bất ngờ này, cách xử lý của các bác sĩ rất nhanh chóng là đã chọc một chiếc kim dưới da của bệnh nhân để khí xì ra.

PGS. Ước phân tích: Nếu xử lý bằng cách dẫn lưu ở dưới da thì bệnh nhân sẽ tử vong ngay lập tức do khí trong cơ thể bị thoát hết ra ngoài. Tuy nhiên, nếu không làm động tác chọc kim như vậy thì áp lực sẽ tăng lên và ép vào các cơ quan, tổ chức thì cũng dẫn tới tử vong nhanh chóng. “Cũng may mắn là động tác chọc kim dưới da của bệnh nhân là một động tác vừa tới để cơ thể bệnh nhân không bị tràn nhiều khí để căng phồng như một quả bóng, không khí vẫn đi được vào phổi nhưng cũng không bị thoát hết ra ngoài, khiến bệnh nhân không tử vong ngay lập tức” - PGS. Ước chia sẻ.

Nếu làm quá như mở tháo tràn khí dưới da, do khí quản của bệnh nhân đã vỡ nát, thì khí sẽ thoát hết ra ngoài mà không đi vào phổi, bệnh nhân sẽ tử vong.

Một điều khó khăn nữa là mặc dù bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy nhưng lại bị suy hô hấp rất nặng và không thể vận chuyển bệnh nhân đi đâu được. Chỉ cần nhấc bệnh nhân dịch chuyển 1 chút thì nồng độ oxy trong cơ thể bệnh nhân lại bị hạ thấp và có nguy cơ ngừng tim. Chính vì thế mà phải để bệnh nhân nằm yên một chỗ “án binh bất động”.

2h đồng hồ đấu trí để vận chuyển bệnh nhân từ phòng cấp cứu lên phòng mổ cách nhau vài chục mét…

PGS. Nguyễn Hữu Ước cho biết, khi về tới BVĐK Phú Thọ, bệnh nhân vẫn được giữ nằm nguyên “án binh bất động”. Sau khi phân tích các kết quả và diễn tiến bệnh, PGS Nguyễn Hữu Ước chẩn đoán đây là một chấn thương vỡ khí quản ngực rất nặng và vô cùng hiếm gặp.

Video: PGS. Nguyễn Hữu Ước kể lại 2h đồng hồ đấu trí để vận chuyển bệnh nhân từ phòng cấp cứu lên phòng mổ

PGS. Ước chia sẻ: Cũng may mắn cho bệnh nhân là bệnh viện ĐK Phú Thọ được trang bị máy móc rất hiện đại, chuyên môn các bác sĩ tốt nên đã thực hiện được kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể tức là: dừng toàn bộ hô hấp - tuần hoàn cơ thể, và thay bằng các máy móc) trong quá trình phẫu thuật. Khi máy móc lắp vào người bệnh nhân thì toàn bộ quá trình trao đổi oxy, tuần hoàn nuôi sống cơ thể như quả tim, phổi hoạt động là do máy móc hỗ trợ và khi đó có thể ngừng được hoặc tim, phổi hoặc cả tim và phổi để mở vào vùng khí quản tổn thương. Đây là một kỹ thuật khó không phải bệnh viện tuyến Tỉnh nào cũng có thể làm được.

Thương tổn của bệnh nhân rất khó xử lý. Ca mổ diễn ra hết sức phức tạp. Riêng việc vận chuyển bệnh nhân từ phòng hồi sức sang phòng mổ mà mất tới 2h đồng hồ chuẩn bị. Vì cứ dịch chuyển là bệnh nhân có thể tử vong ngay. Vì vậy, phải tính toán xem xét kỹ càng.

Video: PGS. Nguyễn Hữu Ước nói về Kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể trong khi phẫu thuật

Ca phẫu thuật nhiều kịch tính, hiếm có trong lịch sử y văn Thế giới

Nói về ca phẫu thuật, PGS. Ước cho biết: “Khi sang phòng mổ, đặt bệnh nhân lên bàn mổ thì ngay lập tức các kíp mổ phải triển khai ngay để có thể đặt được tuần hoàn cơ thể cho bệnh nhân. Chỉ chậm một tích tắc, bệnh nhân sẽ chết. Tất cả mọi khâu, cả ê kíp bác sĩ hai bệnh viện đã làm rất chính xác. Do đã xác định được chi tiết thương tổn của bệnh nhân, nên các bác sĩ chọn được đường vào hợp lý qua đường xương ức phía trước, vào đúng được thương tổn ngay. Nếu mổ các bệnh lý khí quản ngực, thông thường đi qua đường ngực bên phải, thì không thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra” – PGS. Ước cho hay.

Ca mổ cam go (hình ảnh do kíp mổ BV Hữu nghị Việt Đức và BVĐK Phú Thọ cung cấp)

PGS. Nguyễn Hữu Ước chia sẻ những lo lắng trong khi tiến hành ca phẫu thuật.

Điểm vỡ đầu tiên là ngay chỗ trên chia đôi phế quản gần 1 cm cho tới tận vùng khí quản cổ. Toàn bộ vùng khí quản cổ vỡ gần 4 cm nát theo hình sao. Các bác sĩ đã rất khó khăn để bảo tồn và khâu lại xử lý tối đa phần nát. Ngoài thương tổn khí quản, còn có thương tổn chấn thương động mạch cánh tay đầu, như nhờ có tuần hoàn ngoài cơ thể, nên việc xử lý không quá khó khăn.

PGS Ước bày tỏ những lo lắng trong suốt ca phẫu thuật này: Lo lắng thứ nhất là: Với đa chấn thương như vậy, bệnh nhân có bị nhiễm trùng trong trung thất hay không? Ngoài khí quản ra có các thương tổn khác hay không? Rất may cho bệnh nhân là ở vị trí va đập đó, chỉ cần thấp xuống một chút là sẽ vỡ vào quai động mạch chủ hoặc dịch lên một chút sẽ vào thực quản và các thành phần khác thì bệnh nhân không thể sống được.

Điều lo lắng nữa là toàn bộ máu chảy ra và dị vật từ lúc bị thương tới khi phẫu thuật đã bị hút hết vào 2 phế quản, gây tắc đường phổi. Vì vậy, quá trình hồi sức sau mổ vô cùng vất vả. Và quả thực, bệnh nhân phải thở máy 1 tháng sau mổ.

PGS. Nguyễn Hữu Ước và bệnh nhân Hạnh trước khi xuất viện

Trở lại với câu truyện cùng anh Hạnh và người nhà tại phòng hồi sức, hiện tại, đã hơn 1 tháng sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân Hạnh tiến triển tốt, dự kiến sẽ được xuất viện trong thời gian ngắn nữa. Cho tới bây giờ, bản thân anh Hạnh và người nhà anh cũng vẫn không thể tin nổi, anh Hạnh vẫn còn sống sót.

PGS. Ước nở nụ cười thật tươi: Đây là một ca bệnh rất khó, hiếm gặp, ngay cả những trung tâm hàng đầu cũng không bao giờ gặp. Người bệnh được cứu sống bởi công tác sơ cứu, cấp cứu làm rất tốt của phía BVĐK Phú Thọ và một phần có sự may mắn đối với bệnh nhân.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn