Ca bệnh hiếm gặp, cụ ông mắc cùng lúc 2 loại ung thư

20-09-2023 14:03 | Ung thư

SKĐS - Trong vòng 1 tuần, cụ ông 72 tuổi đã được phẫu thuật nội soi 2 lần để lấy khối u đại tràng và khối u dạ dày. Đây là ca bệnh hiếm gặp bởi tỷ lệ đồng mắc ung thư dạ dày chỉ chiếm 4% trên thế giới.

Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa – Gan Mật Tụy (Bệnh viện Bạch Mai) vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân mắc cùng lúc ung thư dạ dày và ung thư đại tràng. Bệnh nhân nam Nguyễn Văn M. 72 tuổi (Nam Định) có một số biểu hiện lâm sàng như rối loạn đại tiện, lúc đi ngoài phân lỏng, lúc đi ngoài phân táo có lúc phân xuất hiện nhầy máu. Tuy nhiên bệnh nhân chỉ nghĩ là rối loạn tiêu hóa. Tình trạng này kéo dài nhiều ngày khiến bệnh nhân khó chịu và được người nhà đưa đi khám.

Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ phát hiện có khối u đại tràng Sigma (Xích-ma). Khi thực hiện các cận lâm sàng khác để kiểm tra toàn diện, các bác sĩ phát hiện thêm một khối u ở dạ dày bệnh nhân.

Kiểm tra toàn diện cho thấy u phát triển tại chỗ và chưa có dấu hiệu lan ra xung quanh. Do vậy các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi triệt căn. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi 2 lần để điều trị ung thư cho bệnh nhân. Đầu tiên là xử lý ung thư ở đại tràng trước. Sau mổ 5 ngày, tình trạng bệnh nhân ổn định hoàn toàn, bác sĩ tiếp tục nội soi phẫu thuật lần 2 để xử lý khối u ở dạ dày. Sau khi mổ lần 2 được 6 ngày, sức khỏe bệnh nhân ổn định. Dự kiến bệnh nhân sẽ ra viện vào ngày thứ 7.

Đây là một trường hợp khá hiếm, gọi là u đồng mắc – có 2 u trên cùng một cơ thể. Theo một số nghiên cứu ở trên thế giới, tỷ lệ có u đồng mắc của dạ dày khoảng 4%. Trong đó có trường hợp u dạ dày và đồng mắc với u đại tràng có thể gặp từ 20-37%.

Phẫu thuật nội soi điều trị ung thư dạ dày

Điều trị ung thư dạ dày bằng cách nào? Hiện nay, tại Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa – Gan Mật Tụy áp dụng phương pháp nội soi hoàn toàn trong điều trị ung thư dạ dày và ung thư đại tràng. Khi cắt nối, miệng nối cũng được thực hiện bằng nội soi và thực hiện bên trong ổ bụng. 

Trước đây, việc nội soi chỉ dùng để hỗ trợ bóc tách các đoạn dạ dày, đại tràng cần cắt. Sau đó, tiến hành mổ mở một đoạn để lấy bệnh phẩm và nối lại bằng tay. Những vết mổ có thể lên tới 20cm và khiến bệnh nhân đau đớn, lâu hồi phục.

Ca bệnh hiếm gặp, cụ ông mắc cùng lúc 2 loại ung thư - Ảnh 2.

Bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật nội soi 2 lần để điều trị ung thư dạ dày và ung thư đại tràng.

Hiện nay nội soi là phương pháp mổ tối ưu trong phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa. Với phẫu thuật nội soi chỉ cần mổ các lỗ từ 5mm-1cm để đưa dụng cụ vào. Sau đó lấy bệnh phẩm bằng cách mở nhỏ một đoạn phù hợp với kích thước của u. Đây là đường thẩm mỹ ngang ở trên xương mu chỉ từ 3-4cm. Phương pháp này giúp bệnh nhân đỡ đau hơn nhiều, đảm bảo tính thẩm mỹ. Hơn nữa bệnh nhân có thể vận động sớm, phục hồi tốt hơn. Ngay ngày đầu tiên, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, vận động. Bên cạnh đó, nội soi giảm nguy cơ biến chứng như nhiễm trùng, thoát vị, tai biến miệng nối…

Ngoài ra, mổ nội soi có thể áp dụng được với ung thư ở nhiều vị trí trong ổ bụng. Trong trường hợp bệnh nhân có 2 ung thư, nếu áp dụng mổ mở vết mổ dài khiến bệnh nhân đau đớn phục hồi lâu.

Ca bệnh hiếm gặp, cụ ông mắc cùng lúc 2 loại ung thư - Ảnh 3.

Bệnh nhân M. thực hiện chương trình ERAS (Phục hồi sớm sau mổ) giúp phục hồi nhanh và rút ngắn thời gian nằm viện.

Dấu hiệu nhận biết sớm ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày và ung thư đại tràng hiện nay chiếm tỷ lệ cao trong ung thư đường tiêu hóa. Và cũng là 2 loại ung thư thường gặp ở Việt Nam. Một số dấu hiệu sớm hay gặp khi mắc ung thư dạ dày là:

- Cảm giác đau tức âm ỉ ở vùng thượng vị

- Ợ hơi, ợ chua

Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm những triệu chứng này rất mơ hồ. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể gặp các tình trạng như: Thiếu máu, sút cân.

Vì những triệu chứng này mơ hồ nên bệnh nhân thường không phát hiện sớm. Khi tới bệnh viện thăm khám thường trong tình trạng đã muộn. Do vậy để phát hiện sớm ung thư dạ dày, những người trên 50 tuổi nên tầm soát ung thư dạ dày bằng cách nội soi. Đây là cách cận lâm sàng để giúp chẩn đoán sớm nhất để phát hiện những tổn thương tại dạ dày.

Những ai có nguy cơ mắc ung thư dạ dày?

Nếu trong gia đình có các yếu tố di truyền như đa polyp, gia đình có người mắc ung thư dạ dày, ung thư đường tiêu hóa… thi khi đủ tuổi vị thành niên nên đi tầm soát. Trong năm đầu tiên nên đi kiểm tra nếu không có vấn đề gì, năm tiếp theo đi kiểm tra một lần nữa. Sau đó duy trì kiểm tra định kỳ 5 năm/lần.

Hiện nay lối sống thiếu khoa học ngày càng phổ biến cũng hình thành nguy cơ ung thư về sau.

Xem thêm video được quan tâm:

Ung thư dạ dày: 1 trong 5 dấu hiệu cảnh báo nhất định phải chú ý |SKĐS


ThS.BS Nguyễn Huy Du
Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa – Gan Mật Tụy, Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn