Ngày 28/7, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh, thành phố, các bệnh viện, cơ sở kinh doanh thuốc yêu cầu bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc; xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các thuốc kháng virus điều trị cúm.
Tuy nhiên, khảo sát tại một số hiệu thuốc trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy có tình trạng khan hiếm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là loại thuốc Tamiflu, nhiều cửa hàng không còn thuốc để bán, thuốc bán mỗi nơi một giá .
Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, chủ nhà thuốc tại đường Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mỗi ngày hiệu thuốc của chị bán hàng trăm đơn thuốc điều trị cúm A.
Tuy nhiên, mấy ngày gần nhu cầu mua thuốc tăng cao khiến nhiều loại thuốc khan hiếm, giá cả các loại thuốc cũng biến động
Trước đây, một hộp Tamiflu chỉ có giá 500.000 đồng, tuy nhiên hiện nay đã lên hơn 600.000 đồng, thậm chí giá bán lẻ ngày 29/ là 750.000 đồng. "Giá đắt nhưng cũng không có thuốc để bán", chủ nhà thuốc nói.
Còn chị Hương, chủ quầy thuốc tại đường Nguyễn Đổng Chi (Cầu Diễn), cúm A thường bùng phát vào mùa Đông Xuân nên vào mùa mới nhập loại thuốc này, năm nay cúm A tăng bất thường vào mùa hè, nhiều nhà thuốc cũng bị động, không nhập nhiều.
Đầu tháng trước, mới nghe phong phanh trên báo đài thông tin ca bệnh cúm A có dấu hiệu tăng, nghĩ giống mọi năm số ca bệnh cũng không tăng nhiều, với lại giá thành loại thuốc này cũng cao hiếm người mua, do vậy chị chỉ lấy một vài thùng.
Khoảng 2 tuần gần đây, người dân đến hỏi mua loại thuốc này nhiều, có ngày cửa hàng bán vài chục hộp, nhưng 3 ngày nay đã hết hàng, liên hệ với công ty để lấy thuốc được thông báo không còn.
Chị Hương cho biết, mặc dù đã tư vấn với khách hàng loại thuốc này dùng hiệu quả nhất là trong ngày đầu khởi phát bệnh và được chỉ định với người có các bệnh nền mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh nhân bình thường có thể dùng thuốc khác điều trị. Tuy nhiên rất nhiều trường hợp vẫn có nhu cầu mua uống hoặc dự trữ loại thuốc này.
Tại cửa hàng thuốc trên đường Hàm Nghi (Cầu Diễn), nhà thuốc vẫn niêm yết mức giá 520.000/ hộp thuốc Tamiflu.
Tuy nhiên cửa hàng đã hết thuốc nhiều ngày nay. "Mỗi ngày khoảng 45-50 người hỏi mua loại thuốc này nhưng không có thuốc để bán, không chỉ tại cửa hàng này mà tất cả nhà thuốc của hệ thống đều không còn", một nhân viên nhà thuốc nói
Không chỉ Tamiflu, mà các loại thuốc khác cũng tăng giá ít nhiều. Chị Ngà Anh (Cầu Giấy) chia sẻ, 3 ngày trước chị sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt không đỡ. Đi xét nghiệm tại một BV tư cho kết quả dương tính với cúm A.
Nghe nói là thuốc Tamiflu điều trị khỏi cúm A nên chị đến hiệu thuốc gần nhà hỏi mua loại thuốc này, nhưng được thông báo đã hết thuốc cả tuần nay, nhờ đồng nghiệp cùng công ty mua cũng không có. Chị được nhân viên nhà thuốc tư vấn không nhất thiết phải dùng loại thuốc này, và kê loại thuốc hạ sốt khác cùng một vài loại thuốc bổ kèm theo với giá 470.000.
"Tôi khá ngỡ ngàng, vì giá thuốc cũng khá cao, tuy nhiên chủ cửa hàng nói, đang dịch bệnh thuốc nào chả lên giá. Thông thườn bị cúm chỉ một vỉ thuốc hạ sốt 10.000 là khỏi, tuy nhiên lần cúm này tôi mất gần 1.500.000 triệu đồng cho chí phí xét nghiệm và 2 lần mua thuốc" chị Ngà Anh chia sẻ.
Không chỉ các hiệu thuốc truyền thống, mà trên mạng xã hội thuốc Tamiflu cũng được rao bán tràn lan với giá từ 600.000 - 750.000 đồng/hộp 10 viên, thậm chí có tài khoản rao bán với giá 900.000/hộp, gần gấp đôi so với giá được niêm yết trên trang của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế.
Với thuốc Tamiflu, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công khai giá trên website: Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.
Mặc dù, Bộ Y tế khuyến cáo thuốc Tamiflu chỉ bán theo đơn, không được sử dụng tùy tiện, tuy nhiên theo khảo sát của phóng viên, chỉ cần người mua có nhu cầu và hiệu thuốc còn thuốc thì loại thuốc này sẽ được đưa đến tay người mua mà không cần bất cứ loại giấy tờ nào.
Người dân nên thận trọng, khi bị bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ, không nên tùy tiện sử dụng thuốc dẫn đến vừa tốn kém, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nếu sử dụng không đúng liều lượng.
Các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp để bình ổn lại giá thuốc, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh vi phạm, đem lại quyền lợi cho người bệnh.