Chiều ngày 10/8/2017 tại khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên bái có tiếp nhận bệnh nhân nữ Nguyễn Phương T 18T, địa chỉ ở Trấn Yên, Yên Bái, trong tình trạng đau bụng, nôn ra chất dịch màu xanh, đau rát miệng họng, người nhà có khai do mâu thuẫn trong gia đình đã tự uống khoảng 1 cốc thuốc diệt cỏ. BN được chẩn đoán ngộ độc cấp thuốc diệt cỏ loại Paraquat. Nhanh chóng dây chuyền chẩn đoán và xử trí cấp cứu ngộ độc cấp được khởi động, rửa dạ dày, bơm than hoạt vào dạ dày để hấp thụ chất độc, truyền dịch …theo phác đồ của hội Hội hồi sức cấp cứu và Chống độc, đồng thời liên hệ ngay lập tức với Bs Vũ Văn Tuấn – Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc hội chẩn và chỉ trong vòng 30 phút tiến hành lọc máu hấp phụ trên thiết bị hiện đại của khoa. Sau 14 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân ổn định và ra viện trong niềm vui đầy xúc động của bệnh nhân và những người thân trong gia đình.
Đây là ca đầu tiên được áp dụng thành công kĩ thuật lọc máu hấp phụ trong điều trị ngộ độc cấp Paraquat tại BVĐK tỉnh Yên Bái
Theo Bác sỹ Nguyễn Song Hào- Phó giám đốc- Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc; Paraquat (1,1-dimethyl-4,4'-bipyridylium dichloride) là hóa chất quan trọng nhất trong những chất diệt cỏ bipyridyl (paraquat, diquat, chlormequat, difenzoquat, morfamquat), thuộc nhóm hóa chất bảo vệ thực vật.
Paraquat lần đầu tiên được tổng hợp vào năm 1882, nhưng mãi đến năm 1955, người ta mới phát hiện ra đặc tính diệt cỏ, do có khả năng làm gián đoạn chu trình quang hợp tạo diệp lục tố. Năm 1962, Paraquat lần đầu tiên được sản xuất và đưa ra thị trường bởi Imperial Chemical Industries và nhanh chóng sử dụng rộng rãi trên 100 nước trên toàn thế giới do tác dụng diệt cỏ của nó. Ngộ độc cấp Paraquat nặng đặc trưng bởi suy đa phủ tạng, đặc biệt là phổi và thận. Phổi là cơ quan đích trong ngộ độc Paraquat, suy hô hấp cấp thường là nguyên nhân chính gây tử vong. Thận là cơ quan tập trung thải trừ độc chất Paraquat nên tổn thương hoại tử ống thận xuất hiện sớm ngay trong 24 giờ đầu, dẫn đến giảm sự đào thải Paraquat nên càng làm tăng độc tính của Paraquat trong cơ thể. Chính vì vậy, chẩn đoán và áp dụng những biện pháp điều trị thích hợp sớm nhằm hạn chế tối đa hấp phụ chất độc vào máu (rửa dạ dày, uống than hoạt hoặc đất sét), gia tăng bài tiết Paraquat ra khỏi cơ thể (bài niệu cưỡng bức, lọc máu), giảm thiểu tác động gây tổn thương các cơ quan (dùng ức chế miễn dịch và các chất chống oxy hóa) là vô cùng quan trọng và cấp thiết để cứu sống bệnh nhân.
Theo nhiều nghiên cứu, biện pháp lọc máu hấp phụ kết hợp với thẩm tách máu ngắt quãng vừa có tác dụng làm gia tăng loại bỏ Paraquat, vừa có thể điều trị suy thận cấp thường xảy ra sớm ở BN ngộ độc paraquat. Theo các chuyên gia đầu ngành Chống độc Việt Nam, lọc máu hấp phụ đã làm thay đổi tiên lượng ở BN ngộ độc cấp Paraquat, nếu như trước đây chưa triển khai lọc máu thì tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân này rất cao thậm chí gần 100%, nhờ kỹ thuật này mà cơ hội sống sót trên 50% nếu được lọc máu trước 12 giờ và tốt nhất là trước 4 giờ thì cơ hội sống sót còn cao hơn.
Trước tình trạng ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat trên địa bàn tỉnh còn nhiều, khi đến viện thì thường muộn và dù có chuyển tuyến trên điều trị nhưng tỷ lệ tử vong cũng rất cao do mất cơ hội vàng. Đội ngũ cán bộ nhân viên Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc rất trăn trở, băn khoăn cần phải làm gì đó giúp cho người bệnh và đã trình phương án triển khai đã được Ban lãnh đạo bệnh viện rất ủng hộ.
Bác sỹ Chuyên khoa II Trần Lan Anh, Phó Giám đốc sở kiêm Giám đốc bệnh viện chia sẻ; Đây là ca đầu tiên được áp dụng thành công kĩ thuật lọc máu hấp phụ trong điều trị ngộ độc cấp Paraquat – là nỗ lực rất lớn của cán bộ khoa Hồi sức tích cực và chống độc đồng thời có sự phối hợp tốt của các khoa liên quan. Đây là kĩ thuật mới do Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao vào đầu năm 2017, mở ra một cơ hội mới cho những BN không may bị ngộ độc thuốc này.