Hà Nội

BVĐK Trung ương Cần Thơ: Triển khai kỹ thuật tim mạch mới

16-07-2019 13:00 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Chiều 15/7/2019, tin từ BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết, ê kip phẫu thuật tim của bệnh viện vừa thực hiện thành công phẫu thuật cầu nối chủ - vành không sử dụng máy tuần hoàn ngoài cơ thể cho 2 bệnh nhân hẹp nặng nhiều nhánh động mạch vành dưới sự hỗ trợ chuyên môn của Khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhân tên Võ Ngọc Son 65 tuổi, ở Thốt Nốt, Cần Thơ, được chẩn đoán: Nhồi máu cơ tim bán cấp, hẹp ba nhánh động mạch vành, tăng huyết áp, suy tim độ 3.

Bệnh nhân thứ hai tên Bùi Văn Nghiêm 68 tuổi, ở Phụng Hiệp, Hậu Giang được chẩn đoán: Hẹp ba nhánh động mạch vành, tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường type 2, tắc động mạch cảnh trong trái. Lúc vào viện, bệnh nhân trong tình trạng đau thắt ngực trái, được các bác sĩ chỉ định chụp động mạch vành phát hiện cả ba nhánh mạch vành đều bị hẹp nặng và không hiệu quả nếu thực hiện tái thông mạch vành bằng phương pháp đặt giá đỡ (stent) mạch vành.

Ông Bùi Văn Nghiêm đã hồi phục tốt sau ca phẫu thuật

Sau khi hội chẩn với hội đồng chuyên khoa tim mạch BV Chợ Rẫy, ngày 11/7/2019 ê kip phẫu thuật viên gồm: BS Lâm Việt Triều – BS Bùi Quốc Huy – BS Nguyễn Công Cửu (BVĐK Trung ương Cần Thơ); BS Trần Minh Hải( BV Chợ Rẫy). Ê kip gây mê: BS Trần Thị Kim Luyến, BS Nguyễn Văn Vĩnh; Ê kip hồi sức sau mổ tim BS Nguyễn Khắc Minh Trường, BS Liêu Trường Khánh, đã tiến hành phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ - động mạch vành (4 – 5 cầu) với vật liệu động mạch làm cầu nối và không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể cho cả hai bệnh nhân này.

Sau mổ hai bệnh nhân  hồi phục tốt và được rút nội khí quản sau 12 giờ. Hiện tại, cả hai bệnh nhân đều ổn định; tỉnh táo; ăn uống tốt; vận động bình thường.

Theo các chuyên gia y tế của BVĐK Trung ương Cần Thơ, trước đây, phẫu thuật cầu nối chủ - vành thường được thực hiện với sự hỗ trợ của tuần hoàn ngoài cơ thể (on pump CABG) và ngừng tim với nhiều biến chứng lên các cơ quan đích.

Kỹ thuật này đòi hỏi phải đưa máu ra hệ thống ống dẫn bằng nhựa đặc biệt, tiếp xúc với không khí và màng trao đổi khí nên ít nhiều sẽ dẫn đến các tác dụng có hại. Đồng thời, cũng cần cặp lại động mạch chủ và bảo vệ cơ tim bằng bơm dung dịch liệt tim để tim ngưng đập trong quá trình thực hiện các miệng nối xa.

Một số tác dụng phụ của máy tim phổi nhân tạo và liệt tim có thể xảy ra tùy theo thời gian chạy máy kéo dài hoặc liệt tim kéo dài.

Phẫu thuật cầu nối chủ - vành không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể(off pumpCABG), tim vẫn tiếp tục đập và đảm bảo huyết động của bệnh nhân.

Kỹ thuật tránh được các biến chứng không mong muốn như phản ứng viêm toàn thân do tiếp xúc giữa máu và hệ thống ống dẫn; màng trao đổi khí của máy tuần hoàn ngoài cơ thể; tránh được các biến chứng của việc kẹp ngang động mạch chủ và ngưng tim.

Giúp giảm đáng kể tỷ lệ các biến chứng thần kinh; viêm phổi; suy thận; suy tim; rối loạn đông máu sau mổ. Giúp rút ngắn thời gian nằm hồi sức, giảm tỉ lệ tử vong và giảm chi phí điều trị. Phẫu thuật cầu nối động mạch vành không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể hiện là xu hướng của các trung tâm mổ tim trên thế giới và tại Việt Nam.

Được biết, phương pháp này cần sự chuẩn bị tốt và phối hợp nhuần nhuyễn giữa các bộ phận trong ê kip phẫu thuật cũng như kỹ năng phẫu thuật của phẫu thuật viên.

Hiện nay, với sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy, các thầy thuốc của BVĐK Trung ương Cần Thơ đã thực hiện được phẫu thuật cầu nối động mạch vành không dùng máy tuần hoàn ngoài cơ thể. Điều này giúp bệnh nhân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không phải chuyển lên tuyến trên, giảm tải và giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân.


Anh Tuệ
Ý kiến của bạn