BVĐK tỉnh Thanh Hóa cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch nặng, nguy hiểm!

02-12-2023 15:13 | Y tế

SKĐS - Một bệnh nhân 86 tuổi bị phình động mạch chủ ngực phức tạp đã được cứu chữa thành công nhờ sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa chuyên khoa Nội Tim mạch và Ngoại Tim mạch, lồng ngực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Bệnh tim mạch được ví như “kẻ giết người số 1 thế giới”. Theo thống kê từ Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200 ngàn người tử vong vì bệnh tim mạch. Còn tại Thanh Hóa, bệnh tim mạch cũng ngày càng phổ biến, số người mắc gia tăng. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa khám, chữa bệnh ngoại trú cho 200-250 người có các bệnh lý về tim mạch, trong đó, Khoa Tim mạch đang điều trị nội trú cho 130-150 bệnh nhân và can thiệp từ 8-10 ca bệnh mỗi ngày.

Bác sĩ Lê Thế Anh, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa) cho biết Khoa Tim mạch là khoa lâm sàng chuyên sâu, tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nặng, trong đó có những bệnh nhân nhồi máu cơ tim có nguy cơ tử vong hoặc để lại nhiều biến chứng nặng nề do không được tiếp cận những phương pháp điều trị hiện đại.

Theo bác sỹ Lê Thế Anh, hiện nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa hiện có đầy đủ các trang thiết bị can thiệp và đội ngũ các bác sĩ có trình độ chuyên môn vững, phản ứng nhanh, chẩn đoán chính xác cũng như phối hợp cấp cứu khẩn cấp giữa các chuyên khoa Nội tim mạch, can thiệp tim mạch và hồi sức tích cực một cách nhịp nhàng nên đã kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân.

Cứu sống bệnh nhân 86 tuổi mắc bệnh lý tim mạch phức tạp 

Vừa qua, các bác sĩ BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã phẫu thuật bắc cầu động mạch và đặt stent graft cho một nam bệnh nhân 86 tuổi bị phình động mạch chủ ngực phức tạp. Đây là một trong số nhiều ca bệnh mắc bệnh lý tim mạch phức tạp đã được cấp cứu thành công nhờ sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa chuyên khoa Nội Tim mạch và Ngoại Tim mạch, lồng ngực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

BVĐK tỉnh Thanh Hóa cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch nặng, nguy hiểm!- Ảnh 1.

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thế Anh, Trưởng khoa Tim mạch thăm khám cho bệnh nhân trước khi ra viện. Ảnh: BTH

Bệnh nhân là bác Tô Vĩnh D. (86 tuổi, xã Thiệu Vận, Thiệu Hóa) có tiền sử tăng huyết áp, nhưng điều trị không thường xuyên, nhập viện tại khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa với triệu chứng: đau ngực trái dữ dội lan ra sau lưng, khó thở, kèm khàn tiếng.

Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chụp MSCT, bệnh nhân được chẩn đoán phình lớn động mạch chủ ngực ngay dưới động mạch dưới đòn trái, kích thước 57 x 59mm, khối phình gây triệu chứng đau ngực và khàn tiếng do liệt dây thần kinh quặt ngược trái.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thế Anh, Trưởng khoa Nội Tim mạch, bác sĩ trực tiếp can thiệp và điều trị cho bệnh nhân D. cho biết: Trường hợp bệnh nhân D. là ca bệnh rất phức tạp, ngoài kích thước khối phình lớn có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh thì vị trí và đặc điểm của túi phình cũng đặc biệt, cổ túi phình rất ngắn (1cm) vì vậy không phù hợp với chỉ định đặt stent bằng phương pháp can thiệp thông thường do có thể làm bít tắc các mạch máu chính nuôi não và cánh tay. Bên cạnh đó, bệnh nhân tuổi cao, thể trạng yếu nên phương pháp phẫu thuật cũng không được chỉ định.

Để có phương án điều trị tối ưu cho bệnh nhân, ngay lập tức, các bác sĩ khoa Nội Tim mạch, khoa Phẫu thuật Thần kinh - Lồng ngực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và các chuyên gia đầu ngành bệnh viện tuyến Trung ương đã hội chẩn và quyết định kết hợp phương pháp phẫu thuật và can thiệp nội mạch. Trước tiên, các bác sĩ làm cầu nối giữa động mạch cảnh, dưới đòn bên trái vào động mạch cảnh bên phải, tạo ra vị trí an toàn, sau đó sẽ đặt stent graft động mạch chủ cho bệnh nhân.

Theo kế hoạch, ê kíp các bác sĩ khoa Phẫu thuật Thần kinh - Lồng ngực và Gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật bắc cầu nối động mạch cảnh, chuyển vị từ động mạch cảnh chung phải sang động mạch cảnh chung trái (bên lành) và động mạch dưới đòn trái, để đảm bảo máu được lưu thông và tiếp tục cung cấp cho não, cánh tay... Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hồi sức, tỉnh táo và bước tiếp vào phòng can thiệp đặt stent graft để kịp thời xử lý khối phình.

Sau can thiệp bệnh nhân ổn định, hết đau ngực, biểu hiện khàn tiếng giảm đáng kể. Bệnh nhân được xuất viện sau 5 ngày theo dõi và điều trị theo phác đồ.

Theo bác sĩ Thế Anh, đây là một trường hợp phẫu thuật mạch máu rất phức tạp, đặc biệt là khi phải chuyển vị hoàn toàn 2 nhánh mạch máu nuôi não. Trong suốt quá trình phẫu thuật chuyển vị phải duy trì huyết động tối ưu, đảm bảo độ mê và theo dõi tưới máu não liên tục bằng máy theo dõi độ bão hòa oxy não để đảm bảo cung cấp máu đầy đủ cho não bệnh nhân. Bên cạnh đó, vị trí túi phình là vị trí khó để đặt stent graft do liên quan đến giải phẫu vùng cổ, có thể gây tổn thương thần kinh đặc biệt vùng tuỷ ngực. Tuy nhiên, nhờ việc phối hợp nhịp nhàng liên chuyên khoa trong điều trị, bệnh nhân đã được điều trị thành công. Đây không chỉ là niềm vui cho bệnh nhân và gia đình mà còn là niềm vui của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Nghẹt thở cứu sống bệnh nhân 5 lần ngưng tim, ngưng thở

Một ca bệnh ấn tượng nhất được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cứu sống gần đây đó là bệnh nhân là N.V.K., 51 tuổi, phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa. 

Được biết, bệnh nhân là N.V.K, có tiền sử khỏe mạnh, chưa từng điều trị các bệnh lý về tim mạch hay huyết áp. Tối ngày 24-1-2023 (mùng 3 Tết Nguyên đán Quý Mão), bệnh nhân đột ngột khó thở, đau tức ngực dữ dội. Ngay sau đó bệnh nhân được người nhà chuyển đến Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Tiên lượng bệnh nhân có thể mắc các bệnh lý về tim mạch cần can thiệp khẩn cấp, các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ cấp cứu nội viện, khẩn cấp liên hệ các chuyên gia khoa Tim mạch chuẩn bị trang thiết bị dụng cụ cấp cứu cho bệnh nhân. 

BVĐK tỉnh Thanh Hóa cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch nặng, nguy hiểm!- Ảnh 2.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân N.V.K., sau 5 ngày can thiệp. Ảnh: Báo TH

Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển thẳng về Đơn vị Can thiệp mạch. Vừa vào đến cửa phòng Can thiệp tim mạch, bệnh nhân bất ngờ lên cơn đau tức ngực dữ dội, mất ý thức, mạch và huyết áp không đo được. Ngay lập tức, các bác sĩ đã phải thực hiện các quy trình phản ứng nhanh khẩn cấp: hồi sức cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện 3 lần, đặt ống nội khí quản, bóp bóng. Bệnh nhân bắt đầu có mạch huyết áp, nhịp thở lại sau 5 phút cấp cứu.

Sau đó, bệnh nhân được đưa vào phòng Can thiệp để tiến hành chụp động mạch vành và phát hiện có huyết khối gây tắc động mạch mũ, có chỉ định đặt stent. Tuy nhiên, trong quá trình can thiệp, bệnh nhân liên tiếp ngưng tim, ngưng thở thêm 4 lần nữa và rơi vào trạng thái hôn mê sâu.

Để cứu sống bệnh nhân, ê kíp bác sĩ vừa ép tim ngoài lồng ngực vừa sốc điện, vừa tiến hành can thiệp động mạch vành khẩn cấp cho bệnh nhân. Sau 10 phút nghẹt thở và căng thẳng, ê kíp các bác sĩ đã hồi sức cấp cứu và can thiệp thành công, lấy huyết khối, đặt stent tái thông động mạch vành cứu sống bệnh nhân.

Sau khi được can thiệp thành công, tình trạng bệnh nhân còn rất nguy kịch, huyết động vẫn phụ thuộc vào thuốc vận mạch liều cao, hô hấp vẫn phải hỗ trợ thở qua nội khí quản, bệnh nhân được chuyển về phòng hồi sức tích cực và chăm sóc đặc biệt vì nguy cơ cao ngừng tim do suy tim nặng, rối loạn nhịp tim nguy hiểm, biến chứng cơ học của nhồi máu cơ tim và các rối loạn chuyển hoá sau cấp cứu ngừng tuần hoàn.

5 ngày sau can thiệp, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tự thở, huyết động ổn định, hết đau ngực, khó thở, tình trạng sức khỏe tiến triển tốt và xuất viện sau khi được các bác sĩ chăm sóc y tế.

ThS.BS Lê Thế Anh cho biết: Đây là trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp rất hy hữu đã được cứu sống một cách ngoạn mục vì chỉ trong vòng chưa đầy 15 phút kể từ khi vào viện, bệnh nhân có đến 5 lần ngưng tim, ngưng thở ngay cả trong lúc can thiệp. Đây là biểu hiện rất nặng của bệnh nhồi máu cơ tim tối cấp.

Qua trường hợp trên, BS Lê Thế Anh đưa ra khuyến cáo: Nhồi máu cơ tim là căn bệnh có diễn biến cấp tính và nguy cơ tử vong cao nên cần được chẩn đoán điều trị kịp thời chính xác nhất. Không riêng nhồi máu cơ tim mà còn một số bệnh lý khác, người cũng tuyệt đối không chủ quan.

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần thường xuyên kiểm tra khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần để tầm soát phát hiện sớm và điều trị kịp thời những bệnh lý về tim mạch, giúp bảo vệ trái tim khỏe mạnh.

Được biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được thành lập từ năm 1899, đến nay đã trở thành bệnh viện hạng I, quy mô 1.200 giường bệnh, hơn 1.300 cán bộ, viên chức, người lao động làm việc tại 44 Khoa, Phòng, Trung tâm. Sau hơn một thế kỷ xây dựng và phát triển, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa từng bước vươn lên, khẳng định vai trò và vị thế của một Trung tâm y tế chuyên sâu và hiện đại hàng đầu của tỉnh.

Về lĩnh vực ngoại khoa, rất nhiều kỹ thuật tương đương với tuyến Trung ương đang được thực hiện thường quy tại Bệnh viện như: Phẫu thuật nội soi ổ bụng; phẫu thuật nội soi cắt u xơ tiền liệt tuyến, u bàng quang, cắt nang thận; phẫu thuật nội soi lồng ngực; phẫu thuật sọ não; phẫu thuật cột sống; phẫu thuật khối u trung thất, u phổi, u màng ngoài tim; phẫu thuật cắt thận, cắt thận bán phần nội soi, tạo hình bàng quang bằng quai ruột; tán sỏi thận, niệu quản nội soi qua da….

Những năm gần đây phẫu thuật nội soi khớp, thay khớp háng, khớp gối, khớp vai và các kỹ thuật đặc biệt khó như phẫu thuật nội soi thay van tim nhân tạo, phẫu thuật nội soi một số bệnh tim bẩm sinh, phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ bụng bằng động mạch nhân tạo, phẫu thuật bắc cầu nối chủ – vành… cũng đã trở thành những kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện.



M.H (th)
Ý kiến của bạn