Tháng 08/2020, bệnh nhân Nguyễn Văn T. (15 tuổi, Hà Nội) đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội trong tình trạng cứng khớp gối trái, gãy nẹp đầu dưới xương đùi, chân sưng đau, không đi lại được.
Tiến bị ung thư xương, đã được điều trị hóa chất và cắt bỏ khối u sát khớp gối và ghép một đoạn xương đồng loại cách đây 2 năm. Nhưng sau phẫu thuật, phần xương nẹp không liền, gối không gập duỗi được khiến em đi lại rất khó khăn và đau đớn.
“Để triệt căn khối u, các bác sĩ đã cắt đến 15cm xương đùi, chỉ giữ lại 2 lồi cầu. Đoạn xương thiếu hụt quá lớn, xương tự thân không thể đảm bảo cho việc ghép xương nên phải sử dụng xương đồng loại. Tuy nhiên sau ca mổ, xương đồng loại không liền, gãy nẹp, phần lồi cầu còn lại quá ít, mất khả năng gấp duỗi gối, chiều dài hai chân chênh lệch đến 5cm, chân trái vẹo trong nên không đi lại được. Lực dồn lên nẹp mỗi khi bệnh nhân vận động khiến nẹp bị gãy gây biến dạng chân và rất đau đớn”, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Khớp - Y học thể thao, BVĐK Tâm Anh, chia sẻ về đợt phẫu thuật điều trị ung thư xương 2 năm trước của Tiến.
“Điều may mắn nhất sau ca mổ là cháu không có dấu hiệu ung thư tái phát, nhưng chân cao chân thấp, phải dùng nạng mới có thể đi lại được, đang tuổi thiếu niên nên cháu rất mặc cảm và buồn”, mẹ của Tiến nghẹn ngào.
Ở những bệnh nhân tuổi thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển xương như Tiến, thách thức lớn nhất là tạo sự cân bằng chiều dài hai chân sau khi ghép xương. Tuy nhiên, xương đồng loại rất khó liền, thậm chí không liền, do đó tỷ lệ phục hồi sau phẫu thuật khá thấp.
Phó giáo sư Trần Trung Dũng và ekip bác sĩ Trung tâm phẫu thuật Khớp - Y học Thể thao, BVĐK Tâm Anh phẫu thuật thay khớp gối và ghép xương đùi chất liệu Titan cho bệnh nhi Nguyễn Văn Tiến
“Với trường hợp này, chúng tôi xác định, để bệnh nhân có 2 chân đều nhau, đi lại bình thường và không phải chịu đau đớn do xương chèn ép, cần phẫu thuật tháo bỏ toàn bộ xương đồng loại cũ, 2 lồi cầu đã hỏng, đồng thời thay toàn bộ khớp gối và 1/3 xương đùi bằng xương làm từ kim loại Titan. Kỹ thuật này tạo được độ vững cho xương chân, phục hồi chức năng khớp gối, giảm chiều dài chênh lệch của hai chân xuống mức tối thiểu, giúp bệnh nhân có thể đi lại dễ dàng hơn”, Phó giáo sư Dũng chia sẻ.
Để có được sự phù hợp nhất với người bệnh, lần đầu tiên tại Việt Nam, Phó giáo sư Dũng cùng các đồng nghiệp tại BVĐK Tâm Anh áp dụng công nghệ in 3D chế tạo phần xương nhân tạo, tạo hình chính xác tuyệt đối với cấu trúc của đoạn xương bị khuyết, nhờ đó phần xương được cấy ghép liên kết chặt chẽ, đảm bảo kỹ thuật phẫu thuật, khả năng chịu lực. Bên cạnh đó, vật liệu mới có khả năng hồi phục vận động lên đến 90% so với trước nên bệnh nhân có thể nhanh chóng tự đi lại, sinh hoạt bình thường mà không cần dùng dụng cụ hỗ trợ.
Bảy ngày sau phẫu thuật, Tiến hồi phục sức khỏe, có thể đi lại nhẹ nhàng
Sau cuộc phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối và một phần xương đùi bằng kim loại Titan tại BVĐK Tâm Anh, biên độ cử động gối của Tiến có thể đạt đến 90 độ. Bệnh nhân có thể tập đi lại với dụng cụ hỗ trợ 1-2 ngày sau mổ và chân có thể tì được 1 phần cho đến hoàn toàn. Nhờ kết hợp tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ, Tiến đã có thể đi lại bình thường mà không cần nạng hỗ trợ. 7 ngày sau phẫu thuật, em khỏe mạnh xuất viện.
Trước đó, Phó giáo sư Trần Trung Dũng từng thực hiện ca phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi, khớp gối và khớp háng cho bệnh nhân ung thư xương Lê Thị Hòa (24 tuổi, Thanh Hóa). “Đây là ca bệnh chúng tôi chưa từng gặp. Bệnh nhân Hòa có dấu hiệu di căn lên chỏm xương đùi sau ca phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư đầu dưới xương đùi trước đó. Hòa đứng trước nguy cơ sẽ phải tháo khớp háng, bỏ hẳn 1 chi nếu không có giải pháp tối ưu; nếu chỉ thay khớp gối và một phần xương đùi như các ca phẫu thuật khớp gối và một phần xương đùi trước đây để giữ đôi chân lành lặn thì sẽ không thể triệt căn ung thư.
Được sự chia sẻ, động viên của đồng nghiệp quốc tế và mong mỏi thiết tha của gia đình bệnh nhân, chúng tôi mạo hiểm tiến hành cuộc phẫu thuật chưa từng thực hiện tại Việt Nam là tháo bỏ toàn bộ xương đùi, thay toàn bộ khớp gối, khớp háng và xương đùi kim loại cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi, bệnh nhân Hòa đã có thể đi lại sinh hoạt bình thường trên đôi chân của chính mình”, Phó giáo sư Trần Trung Dũng nhớ lại.
Xem thêm: Kỹ thuật mới “hồi sinh” chi thể cho người bệnh ung thư, bệnh xương khớp TẠI ĐÂY
Với một số thể ung thư xương tương đối lành tính, không phát hiện tính chất di căn xa, lại đáp ứng tốt với hóa chất và xạ trị, chỉ định cắt cụt chi rất đáng tiếc, ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động chi thể, thẩm mỹ cũng như tâm lý của bệnh nhân. Vì thế, kỹ thuật thay khớp và ghép xương bằng vật liệu hiện đại như kim loại Titan, Peek… giúp bệnh nhân không phải cắt cụt chi, vận động gần như bình thường. Tuy nhiên, để thực hiện thành công kỹ thuật này, bên cạnh sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị hiện đại, phẫu thuật viên cần am hiểu về giải phẫu và sinh lý, chức năng của khớp háng, khớp gối, vì khi tháo bỏ toàn bộ xương, việc phục hồi dây chằng bám, gân cơ là yếu tố quyết định khả năng phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân.
“Nếu tính toán không kỹ, sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể bị trật khớp háng, trật khớp gối, nhiễm trùng, chức năng vận động của khớp không hồi phục và vẫn phải dùng dụng cụ hỗ trợ mới đi lại được, thậm chí phải ngồi xe lăn”, Phó giáo sư Dũng nói.
Với việc ứng dụng kỹ thuật mới trong thay khớp, xương nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cũng đã giúp “hồi sinh” cánh tay “tàn phế” do di chứng tai nạn giao thông cho bệnh nhân Nguyễn Thị In (52 tuổi, Hải Dương).
Theo Phó giáo sư Trần Trung Dũng, với trường hợp dính cứng khớp khuỷu, trước đây phẫu thuật truyền thống chỉ có thể “đóng" cứng khớp khuỷu về tư thế khoảng 90 độ và bệnh nhân có thể thực hiện các động tác đơn giản hàng ngày nhờ cử động của khớp vai, còn khớp khuỷu không thể phục hồi. Tuy nhiên, kỹ thuật mới thay khớp toàn phần với khớp khuỷu nhân tạo bằng vật liệu sinh học thế hệ mới đã đem lại hiệu quả vượt trội, trả lại chức năng vận động gần như hoàn toàn cho bệnh nhân.
“Sau phẫu thuật, chúng tôi đã đạt được 2 mục tiêu đề ra: phục hồi cử động sấp ngửa cẳng tay - đây là vận động rất quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày; đồng thời khôi phục đến 90% chức năng gấp duỗi khuỷu tay cho bệnh nhân”, Phó giáo sư Trần Trung Dũng chia sẻ.
Ba ngày sau phẫu thuật, chị In có thể vận động gấp - duỗi, sấp - ngửa bàn tay, khôi phục đến 90% chức năng gấp duỗi khuỷu tay
Chỉ 3 ngày sau mổ thay khớp khuỷu, chị In có thể vận động gập - duỗi, cũng như sấp - ngửa bàn tay, điều mà hơn một năm qua chị chưa làm được. Chị có thể làm được mọi việc bình thường chứ không còn mang tên “khèo" như trước đây.
“Thật may mắn khi gặp được các bác sĩ của Bệnh viện Tâm Anh, cánh tay tưởng như tàn phế sau tai nạn của tôi đã hồi sinh. Tôi được chăm sóc, thay băng, tiêm và uống thuốc, hướng dẫn tập vận động chu đáo nên bình phục rất nhanh”, chị In xúc động chia sẻ.
Trên thế giới, phẫu thuật thay xương nhân tạo được thực hiện rộng rãi từ những năm 80-90 nhưng vì phương pháp này rất phức tạp, dễ biến chứng gây mất máu, lỏng khớp, nhiễm trùng, lệch chiều dài chi, hỏng bộ khớp, trật khớp háng và gối... nên được chỉ định rất hạn chế, chỉ những đơn vị đảm bảo điều kiện phòng mổ và trang thiết bị cao cấp mới có thể tiến hành. Việc các bác sĩ Việt Nam có thể thực hiện thành công các phẫu thuật thay thế xương, khớp bằng vật liệu nhân tạo thế hệ mới và công nghệ in 3D sẽ “cứu” hàng triệu người khỏi nguy cơ tàn phế vì ung thư xương, chấn thương thể thao, tai nạn…, mở ra triển vọng mới cho ngành cơ xương khớp - chấn thương chỉnh hình Việt Nam.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia Trung tâm Phẫu thuật Khớp - Y học thể thao, BVĐK Tâm Anh, quý khách vui lòng liên hệ:
Hotline: 1800 685
Website: https://tamanhhospital.vn/
Fanpage: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Hoặc liên hệ trực tiếp 108 phố Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội