Hà Nội

BVĐK Phú Thọ liên tiếp cấp cứu thành công bệnh nhân đột quỵ nguy hiểm

03-12-2023 14:38 | Y tế
google news

SKĐS - Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận hàng nghìn người bệnh không chỉ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mà còn đến từ các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Bắc.

Đột quỵ là căn bệnh đáng sợ bởi đây là căn bệnh cấp tính, đột ngột, rất nguy hiểm, có nguyên nhân gây tử vong cao và để lại nhiều biến chứng nếu không được xử lý kịp thời.

Theo các chuyên gia y tế, cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất để cứu sống người bệnh. Thời gian vàng cấp cứu đột quỵ thường được tính trong khoảng từ 3 – 4,5 giờ kể từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đột quỵ đầu tiên như nói đớ, nói ngọng, khó nói, yếu liệt chi, méo miệng, lệch một bên mặt, đau đầu, choáng váng,…

Trong một số trường hợp, thời gian vàng cấp cứu đột quỵ có thể kéo dài đến 6 hoặc 24 giờ tính từ khi xuất hiện dấu hiệu đột quỵ. Tuy nhiên, người bệnh nên được can thiệp càng sớm càng tốt.

BVĐK Phú Thọ liên tiếp cấp cứu thành công bệnh nhân đột quỵ nguy hiểm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhờ được cấp cứu trong thời gian vàng, thời gian qua, Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã cấp cứu thành công được nhiều bệnh nhân đột quỵ nguy hiểm:

Cứu chữa thành công bệnh nhân đột quỵ trên đường đi công tác

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, vừa qua bệnh viện đã cấp cứu thành công cho bệnh nhân Đ.N.V (61 tuổi, quê ở tỉnh Ninh Bình) bất ngờ bị đột quỵ trên đường đi công tác từ Ninh Bình đến tỉnh Hà Giang.

BVĐK Phú Thọ liên tiếp cấp cứu thành công bệnh nhân đột quỵ nguy hiểm- Ảnh 2.

Người bệnh hồi phục ý thức, cải thiện về mặt cơ lực chân tay

Thời điểm khởi phát đột quỵ, bệnh nhân đang ăn cơm trưa, đột ngột xuất hiện méo miệng, nói khó, tay làm rơi đũa, liệt nửa. Ngay lập tức, các đồng nghiệp đã đưa bệnh nhân tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để cấp cứu sau 30 phút di chuyển.

Tại Trung tâm Đột quỵ, các bác sĩ đã khám và nhận định các dấu hiệu điển hình của đột quỵ não cấp tính, từ đó đưa ra chỉ định chụp CT cắt lớp vi tính mạch máu não. Kết quả hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh trong trái. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định: Đột quỵ nhồi máu não giờ thứ 2 do tắc động mạch cảnh trong bên trái, tăng huyết áp.

Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định can thiệp lấy huyết khối mạch não và nhanh chóng được chuyển tới phòng can thiệp. Sau khoảng 40 phút, bệnh nhân đã được can thiệp tái thông thành công, với lượng huyết khối được lấy ra khỏi cơ thể và mạch máu não bị tắc đã tái thông hoàn toàn.

Sau can thiệp khoảng 12 tiếng, bệnh nhân đã hồi phục ý thức, cải thiện gần như hoàn toàn về mặt cơ lực chân tay và tiếp tục được theo dõi điều trị, phục hồi chức năng tại Trung tâm Đột quỵ.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân tiếp tục được làm các xét nghiệm và theo dõi. Các bác sĩ đã xác định được bệnh nhân có bệnh rung nhĩ, là yếu tố nguy cơ chính gây ra tình trạng tắc mạch não. Do đó, bệnh nhân đã được lên kế hoạch điều trị dự phòng thuốc chống đông để tránh nguy cơ tái phát.

Thạc sĩ Bác sĩ Phan Ngọc Nhu, Trưởng Khoa Điều trị Thần kinh – Đột quỵ bán cấp, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: “Đây là trường hợp rất may mắn khi người bệnh đột quỵ trên đường đi công tác. Nhờ sự hiểu biết của đồng nghiệp nên đã nhanh chóng được chuyển đến cơ sở y tế có chuyên môn, đầy đủ phương pháp, trang thiết bị, nhờ đó có thể cấp cứu kịp thời trong giờ vàng đột quỵ..."

Cụ ông 92 tuổi phục hồi sau đột quỵ

Trước đó, cũng tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ đã can thiệp lấy huyết khối thành công cho cụ ông 92 tuổi, trú tại xã Sông Lô, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một kết quả đáng mừng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại địa phương.

BVĐK Phú Thọ liên tiếp cấp cứu thành công bệnh nhân đột quỵ nguy hiểm- Ảnh 3.

Cụ ông tỉnh táo, tiếp xúc tốt sau khi được điều trị lấy huyết khối. Ảnh: Báo PT

Theo người nhà người bệnh, người bệnh có tiền sử khỏe mạnh, sáng sớm dậy có biểu hiện nói ngọng, phản ứng chậm; nghi ngờ bị đột quỵ, gia đình đưa người bệnh vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu.

Ngay lập tức, người bệnh được các bác sĩ thăm khám, chỉ định chụp cắt lớp mạch máu não. Kết quả cho thấy, người bệnh bị tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong bên trái; được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh trong trái giờ thứ 3 và được chỉ định can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ qua đường động mạch. 

Sau 60 phút kể từ khi vào viện, mạch máu của người bệnh được tái thông hoàn toàn. Người bệnh tiếp tục được điều trị, chăm sóc tích cực. Sau 3 ngày, người bệnh tỉnh táo, tiếp xúc tốt và tiếp tục được tập phục hồi chức năng.

Theo BSCKI. Nguyễn Anh Minh, đây là ca bệnh khó bởi người bệnh cao tuổi, thành mạch kém; với mong muốn người bệnh sớm phục hồi sức khỏe, giảm thiểu tối đa các biến chứng, ekip đã tập trung cao độ và ca can thiệp thành công trong sự vui mừng của cả ekip.

Người nhà người bệnh chia sẻ: "Nghi ngờ bố tôi bị đột quỵ, mặc dù khác tỉnh, nhưng biết Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã điều trị thành công rất nhiều trường hợp bị đột quỵ, nên chúng tôi đưa bố lên cấp cứu tại đây. Gia đình tôi rất cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng đã cấp cứu kịp thời, tận tình chăm sóc cho bố tôi qua cơn nguy kịch".

Được biết, Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ được thành lập từ tháng 9/2018, dưới sự cố vấn trực tiếp của các chuyên gia đầu ngành như: GS.TS. Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Minh Hiện – Chủ tịch Hội Đột quỵ miền Bắc. Trung tâm được xây dựng hiện đại, hoàn chỉnh với 3 khoa: Khoa Cấp cứu và Điều trị tích cực thần kinh – đột quỵ; Khoa Điều trị Thần kinh – Đột quỵ bán cấp; Khoa Phục hồi chức năng Thần kinh – Đột quỵ.

Với đội ngũ nòng cốt là những bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm, cùng sự hỗ trợ thường xuyên của các Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân y 103… Trung tâm Đột quỵ đã từng bước hoàn thiện và triển khai được hầu hết các biện pháp điều trị kỹ thuật cao như: Can thiệp mạch máu não (lấy huyết khối, nút mạch, nút coil, đặt stent); Tiêu sợi huyết; Dẫn lưu não thất và kiểm soát áp lực nội sọ; Hạ thân nhiệt; Điều trị hồi sức đột quỵ chuyên sâu; Điều trị co cứng bằng Botulium Toxin A dưới hướng dẫn của siêu âm…

Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, Trung tâm đã tiếp nhận hàng nghìn người bệnh không chỉ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mà còn đến từ các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Bắc, qua đó, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.


M.H
Ý kiến của bạn