Hội nghị có sự tham dự của đại diện Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Vụ Pháp chế, Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Cục Công nghệ thông tin, cùng 800 thạc sĩ, bác sĩ đến từ các bệnh viện, phòng khám trên cả nước,... và đại điện các đơn vị đồng hành cùng chương trình.
Giám đốc Nguyễn Thị Kim Len phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ThS.BS Nguyễn Thị Kim Len - Giám đốc BVĐK Medlatec chia sẻ: Sau 23 năm thành lập và trở thành một đơn vị y tế có thương hiệu, Medlatec có mạng lưới y tế lên đến hơn 53 cơ sở gồm bệnh viện, phòng khám và chuỗi văn phòng trên các tỉnh thành khắp cả nước. Trong kế hoạch phát triển trung hạn, bệnh viện tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, phát triển chuyên sâu các chuyên khoa, nhất là trong lĩnh vực xét nghiệm công nghệ cao, như công nghệ gien. Từ đó mở ra hy vọng mới cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, từ đó cải thiện chất lượng y tế trong tương lai và góp phần nâng cao chất lượng của cuộc sống.
Đồng thời, GĐ Len cũng bày tỏ sự tri ân tới lãnh đạo Bộ Y tế, Sở Y tế, Ban Giám đốc các bệnh viện, các giáo sư, bác sĩ và các đối tác trên cả nước đã hỗ trợ, đồng hành trong quá trình phát triển của BVĐK Medlatec. Và mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo sát sao từ các cấp lãnh đạo, chính quyền và sự hợp tác của quý vị.
GS.ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Medlatec, thành viên Ban Chủ tọa tại hội nghị.
Trong mô hình bệnh tật hiện nay thì ung thư là một căn bệnh rất nguy hiểm, là mối lo lắng, gánh nặng bệnh tật của toàn nhân loại, “tử thần” này không trừ một ai. Theo ước tính của Tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN năm 2018 cho biết: Có 18,1 triệu ca ung thư mới và 9,6 triệu ca tử vong do ung thư. Trong đó, tại châu Á số ca ca ung thư mắc mới chiếm 48.4% (8.751.000 ca) và số ca tử vong ở châu Á là 57,3% (5.477.000 ca).
Ung thư do nhiều nhóm nguyên nhân gây nên như nhóm tác nhân sinh học (virus, vi khuẩn HP, bệnh lý,…), hoá học (thuốc lá, rượu bia, ô nhiễm, thuốc bảo vệ thực vật,…), vật lý (phóng xạ, tia tử ngoại,…). Các tác nhân này gây đột biến gien và hệ quả là gây ung thư.
Với báo cáo “Ứng dụng của công nghệ Gien trong tầm soát và điều trị ung thư”, TS Phan Minh Liêm - Thành viên Hiệp hội Di truyền Y khoa Hoa Kỳ đã chia sẻ tới các quý vị về công nghệ giải mã gien giúp tìm kiếm các biện pháp theo dõi và can thiệp sớm cho từng ca bệnh.
TS Phan Minh Liêm chia sẻ những ứng dụng của công nghệ gien trong tầm soát và điều trị ung thư.
Hiện nay, công nghệ giải mã gien có thể tầm soát được 22.000 đột biến gien ung thư di truyền (germline) trên cơ thể người của các loại ung thư hay gặp hiện nay như ung thư vú, ung thư tử cung, buồng trứng, đại trực tràng, ung thư tuỵ, ung thư bạch cầu,...
Bên cạnh “vạch mặt” những gien tăng nguy cơ mắc ung thư như MYC, RAS, BRAF, HIF1A, AKT, HER2,...; Tại hội nghị, TS Liêm sẽ còn chỉ ra gien kháng ung thư như TP53, RB, PTEN, TSC1, TSC2, APC, VHL,... trong đó gien đột biến gien TP53 - gien kháng ung thư quan trọng nhất. Đây là loại đột biến di truyền trội, nếu người mang gien này trong cơ thể tăng cao nguy cơ mắc ung thư: 50% trước 40 tuổi và 90% trước 60 tuổi. Và nguy hiểm hơn khi cơ thể chứa gien kháng ung thư còn có khả năng kháng hóa trị và kháng xạ trị cao, cũng như làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư nguy hiểm.
Như vậy, để biết cơ thể có chứa các đột biến gien hay không thì cách làm hiện đại nhất và có cơ sở khoa học hiện nay là công nghệ giải mã gien.
Chia sẻ về công nghệ giải mã gien, bên cạnh cung cấp các thông tin cập nhật về các đột biến gien và liệu pháp phù hợp, TS Liêm dẫn chứng trường hợp một bệnh nhân ung thư phổi, 46 tuổi, dạng không tế bào nhỏ (Non-small cell lung cancer). Bệnh nhân này kháng tất cả các phác đồ thường quy, tiên lượng xấu. Tuy nhiên, giải mã gien phát hiện đột biến trên gien NTRK1và bệnh nhân có hiệu quả điều trị cải thiện nhanh chóng sau khi dùng thuốc Entrectinib.
Như vậy, có thể nói công nghệ giải mã gien đã tạo ra một cuộc cách mạng trong y học về kiểm soát dễ dàng gien ung thư trong tầm tay của các thầy thuốc. Từ việc xác định đột biến gien trong cơ thể ở giai đoạn sớm giúp người bệnh được tư vấn biện pháp theo dõi và can thiệp sớm, giảm phát sinh bệnh do đột biến gien ung thư di truyền, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và phòng tránh bệnh.
Toàn cảnh hội nghị.
Bên cạnh cập nhật thông tin, kiến thức về công nghệ gien trong chẩn đoán và điều trị, hội nghị còn chia sẻ tới các quý vị những thông tin thiết thực và ý nghĩa về các xét nghiệm chuyên sâu khác qua hai báo cáo khác. Đó là cáo báo “Cập nhật các xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị”, do ThS.BS Trịnh Thị Quế - Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC trình bày; bài “Cập nhật các xét nghiệm trong sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và hỗ trợ sinh”, do ThS.BSNT Nguyễn Bá Sơn - Trưởng nhóm Di truyền, Trung tâm Xét nghiệm, MEDLATEC báo cáo.
Cũng trong Hội nghị, Bác sĩ Lê Đức Nguyên, BVĐK Medlatec chia sẻ ứng dụng quản lý sức khỏe iCNM - ứng dụng công nghệ 4.0 iCNM hỗ trợ người bệnh, bác sĩ quản lý về đặt lịch khám, theo dõi sức khỏe thuận tiện và nhanh chóng. Từ đó, bác sĩ có thể tích cực đưa ứng dụng vào công tác khám chữa bệnh, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Với thành công của hội nghị, BVĐK Medlatec mong muốn các quý bác sĩ có cơ hội được cập nhật kiến thức mới nhất về những ứng dụng công nghệ giải mã gien trong tầm soát và điều trị ung thư, từ đó nâng cao khả năng điều trị, phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư cho người dân.
Đồng thời thành công của hội nghị sẽ tạo tiền đề cho BVĐK Medlatec triển khai kỹ thuật mới - công nghệ giải giải mã gien trong năm 2020, đưa bệnh viện trở thành một trong những cơ sở y tế tư nhân đầu tiên ỏ phía Bắc triển khai kỹ thuật chuyên sâu trong tầm soát ung thư. Qua đó mở ra cánh cửa hội nhập nền y học hiện đại của Medlatec với thế giới, giúp người dân nước ta có hội được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ở ngay trong nước nhưng chất lượng đạt chuẩn quốc tế.