Mang thai ở tháng thứ 9, chị Vũ Thị Hằng ở thị trấn Sa Pa vào Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Sa Pa để sinh con, tuy nhiên trong quá trình sinh chị Hằng bị mất rất nhiều máu, nguy cơ tử vong rất lớn. Trước tình cảnh đó, các bác sĩ BVĐK Sa Pa, Lào Cai đã bình tĩnh xử trí kịp thời, đồng thời nhờ sự trợ giúp kịp thời của đội cấp cứu ngoại viện BVĐK tỉnh Lào Cai, hai mẹ con chị Hằng đã thoát khỏi lưới hái tử thần.
Sản phụ Vũ Thị Hằng, sinh năm 1975, thường trú tại tổ 3B - thị trấn Sa Pa nhập viện với chẩn đoán thai 9 tháng chuyển dạ rau tiền đạo trung tâm chảy máu, tuy nhiên lại không thể chuyển viện vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Trước tình hình đó, các bác sĩ BVĐK Sa Pa đã thực hiện những kỹ thuật cấp cứu cần thiết và xin hỗ trợ từ BVĐK tỉnh. Ngay sau khi nhận được điện thoại trợ giúp của BVĐK Sa Pa, đội cấp cứu ngoại viện của BVĐK tỉnh Lào Cai gồm BSCKI. Nguyễn Quốc Huy và điều dưỡng Nguyễn Tuấn Anh - Khoa Cấp cứu đã có mặt tại BVĐK Sa Pa... Rất nhanh chóng, kíp cấp cứu ngoại viện đã cùng đồng nghiệp của BVĐK Sa Pa đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm (catheter), thở máy, truyền máu và dịch cao phân tử... để cấp cứu bệnh nhân. Sau 3 giờ cấp cứu tích cực, các chỉ số sống của bệnh nhân đã ổn định, bệnh nhân hồi tỉnh. Theo các bác sĩ BVĐK Sa Pa, sau khi thấy tình trạng của bệnh nhân nguy kịch, ngoài việc nhờ trợ giúp từ tuyến trên, BV đã thông báo tình hình của bệnh nhân với người nhà và huy động người nhà chuẩn bị xét nghiệm máu để có máu truyền khi cần thiết. Nhờ đó, trong quá trình cấp cứu, bệnh nhân đã được truyền máu kịp thời. Hiện tại, đến ngày 29/6, sức khỏe của chị Hằng và con đã hoàn toàn ổn định. Theo BS. Huy, đây là trường hợp mất máu cấp rất nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Thành công của ca cấp cứu này cho thấy sự phối hợp và hỗ trợ kỹ thuật của các thầy thuốc tuyến trên với tuyến dưới bằng tinh thần tất cả vì sự sống và sức khỏe người bệnh.
Theo PGS.TS. Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, rau tiền đạo là một biến chứng không thể ngừa trước, nó gắn liền cùng quá trình phát triển tự nhiên của bào thai. Bánh rau thuộc phần phụ của thai có nhiệm vụ trao đổi ôxy, khí carbonic và các chất dinh dưỡng cho thai, bình thường bánh rau bám vào đáy tử cung, có thể ở mặt trước hoặc sau. Tuy nhiên, trong quá trình thai nhi phát triển, vì một số lý do nào đó mà bánh rau bám vào đoạn dưới của tử cung hoặc vào cổ tử cung thì gọi là rau tiền đạo. Chính hiện tượng này là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trong thời kỳ có thai, khi chuyển dạ và thậm chí sau sinh.
Hiện nay, nhờ có sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên công tác quản lý thai nghén tốt hơn, do đó rau tiền đạo đã cũng không phải là ác mộng với nhiều thai phụ được quản lý thai nghén tốt. Tuy nhiên, với những thai phụ không được quản lý thai nghén tốt nếu bị rau tiền đạo vẫn sẽ mang đến những biến chứng khó lường. Trong thời gian mang thai, nhiều thai phụ chủ quan khi thấy ra một ít máu tươi rồi tự cầm và không đến bệnh viện để kiểm tra theo dõi, đến lần sau lượng máu ra với số lượng nhiều hơn, ồ ạt hơn mới đến viện, tình trạng mất máu quá nhiều không cầm được sẽ nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con... PGS.TS. Hồng cũng lưu ý sản phụ nên thăm khám thai thường xuyên trong thai kỳ tại các cơ sở y tế uy tín, các BV phụ sản để được phát hiện và tư vấn kịp thời về rau tiền đạo qua hình ảnh siêu âm...
Hồng - Trung