Hà Nội

Bv Xanh Pôn tổ chức Hội thảo Điều trị đột quỵ não – đa kết nối, một mục tiêu

04-12-2017 14:59 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sáng 4/12, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã tổ chức Hội thảo Điều trị đột quỵ não – đa kết nối, một mục tiêu.

Đây là hội thảo khoa học chuyên ngành do Bệnh viện Xanh Pôn tổ chức với diễn giả là các bác sĩ trưởng khoa cấp cứu, hồi sức, phẫu thuật thần kinh của các bệnh viện lớn với sự tham dự của hơn 100  học viên là các y bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế của Hà Nội.

Tại hội thảo, các diễn giả sẽ cung cấp các cách thức điều trị cập nhật, tiên tiến nhất hiện nay trong  điều trị đột quỵ, từ cấp cứu ngoại viện, tiếp cận và đưa ra chẩn đoán tại khoa cấp cứu, điều trị tiêu sợi huyết và lấy huyết khối hay phẫu thuật điều trị túi phình mạch não và nhồi máu não cấp, cũng như những ứng dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại trong lĩnh vực này.

Ths Nguyễn Trung Kiên, Phó trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, với mục tiêu giúp nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân đột quỵ não, Bệnh viện Xanh Pôn đã tổ chức hội thảo này để giúp các bác sĩ cập nhật kiến thức, trao đổi chuyên môn trong cấp cứu, điều trị đột quỵ não.

Đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 toàn thế giới,  ảnh hưởng đến 17 triệu người và chịu trách nhiệm cho 6,7 triệu ca tử vong mỗi năm. Đây là căn bệnh chủ yếu ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam đột quỵ  là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, mỗi năm nước ta có hơn 200.000 ca đột quỵ, gây ra gánh nặng lớn cho nền y tế nước ta.

Ths. Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 cho biết, trong cấp cứu đột quỵ, thời gian là một trong những yếu tố quan trọng nhất  quyết định  đến hiệu quả điều trị, bên cạnh đó cần có sự phối hợp nhịp nhàng của từng khâu xử lý giúp cứu sống bệnh nhân.  Nếu bệnh nhân được đưa đến cơ sở điều trị có chuyên môn trong vòng 3 - 6 giờ thì khả năng cứu chữa cao, trong đó 3 giờ đầu là được coi là “thời gian vàng”, nếu sớm hơn càng tốt. Ths Thành cho biết, có những bệnh nhân khi người nhà phát hiện ra những biểu hiện bất thường như liệt, nói không rõ ràng… không đưa đến bệnh viện ngay, khi đưa đến viện đã quá 12 giờ kể từ lúc xuất hiện triệu chứng, như vậy rất đáng tiếc, bác sĩ khó có thể làm gì hơn.

Ths Nguyễn Thành - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115

Một trong những vấn đề được hội thảo nhắc tới là phần lớn người dân chưa có kiến thức về đột quỵ, để xử trí đúng trong trường hợp gặp một người bị đột quỵ. Hầu hết các trường hợp đột quỵ xảy ra ở ngoài cộng đồng, gia đình,  nhưng việc xử trí cần phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm nhất.

Đột quỵ có phòng ngừa được hay không?

Thoe BSCK I Nguyễn Đại Nam, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Xanh Pôn, đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao nhưng vẫn có thể phòng ngừa được. Các yếu tố nguy cơ là tăng khả năng bị đột quỵ bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, rối loạn chuyển hóa lipid, hút thuốc lá, nghiên rượu, người từng bị tai biến mạch máu não , người béo phì, hẹp động mạch cảnh… Trong các yếu tố nguy cơ này, có  yếu tố không thể kiểm soát nhưng cũng có yếu tố có thể kiểm soát, từ đó giúp phòng ngừa đột quỵ.

Theo Ths BS.Dương Trung Kiên Phó trưởng Khoa Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Hà Nội,  những căn bệnh có nguy cơ dẫn  tới đột quỵ nhiều nhất bao gồm  tăng huyết áp, mỡ máu và tiểu đường. Vậy để phòng đột quỵ, cần có lối sống lành mạnh, kiểm soát trọng lượng, với những người bị tăng huyết  áp, mỡ máu, đường huyết cần kiểm soát bệnh tật của mình.

 

 

 

 


Hải Yến
Ý kiến của bạn