Hà Nội

BV Trung ương Quân đội 108: 41 bệnh nhân được hồi sinh nhờ ghép gan

02-09-2020 09:47 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Ghép gan là biện pháp cuối cùng điều trị hiệu quả nhất cho các trường hợp suy gan cấp trên nền gan mạn tính. Tuy nhiên, để tránh suy gan nặng phải ghép gan, những BN viêm gan B phải uống thuốc đều đặn theo lời dặn của bác sĩ, tránh bỏ thuốc hoặc uống không thường xuyên để hạn chế tình trạng bùng phát của viêm gan B lên thành đợt cấp. Khi bị suy gan cấp khả năng tử vong của BN rất cao, lên tới 80% các trường hợp nếu không được ghép gan.

Mặc dù là đơn vị đi sau trong việc thực hiện kỹ thuật ghép gan, nhưng sau 3 năm thực hiện với 41 ca ghép gan thành công, Bệnh viện TWQĐ 108 vươn lên trở thành trung tâm có số lượng ca ghép gan từ người cho sống nhiều nhất ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Đặc biệt, các bác sĩ đã ghép gan cấp cứu điều trị suy gan cấp cứu sống được rất nhiều bệnh nhân (BN) xơ gan giai đoạn muộn, ung thư gan, suy gan cấp,…

Chạy đua với sự sống của người bệnh

Bắt đầu từ tháng 10/2017, Khoa Phẫu thuật gan - mật - tụy của BVTWQĐ 108 đã thực hiện thành công ca ghép gan cùng huyết thống từ người cho sống đầu tiên tại bệnh viện. Sau thành công của ca ghép trên, đến nay đã có thêm 40 BN khác được hồi sinh bằng kỹ thuật này tại bệnh viện.

Trong đó có 40 ca ghép gan từ người cho sống và 01 ca từ người hiến chết não, đặc biệt là 11 ca ghép gan cấp cứu cho BN suy gan mức độ rất nặng, đem lại sự sống cũng như kéo dài thời gian sống thêm hiệu quả nhất cho BN.

Các bac sĩ đang tiến hành  ghép gan

Tháng 11/2019, Khoa Phẫu thuật gan - mật - tụy đã thực hiện thành công ca ghép gan cấp cứu từ người cho sống đầu tiên cho BN N.T.H, 40 tuổi, ở Hà Nội. BN H. có tiền sử viêm gan B, nhưng uống thuốc điều trị không đều, dẫn đến tình trạng suy gan cấp trên nền viêm gan mạn tính, nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu. BN H. được chuyển sang Bệnh viện TWQĐ 108 trong trạng thái tiền hôn mê gan, suy gan, suy thận, viêm phổi và chỉ định ghép gan cấp cứu.

Ghép gan là một trong những kỹ thuật phức tạp nhất trong chuyên ngành tiêu hóa - gan mật. Nhưng ghép gan cấp cứu còn khó khăn hơn rất nhiều. Mọi công đoạn chuẩn bị tiến hành ghép đều phải nhanh chóng và phối hợp ăn ý nhịp nhàng, tuyệt đối giữa các khoa trong quá trình trước, trong và sau khi ghép gan cho BN.

TS.Lê Văn Thành - Chủ nhiệm Khoa phẫu thuật gan - mật - tụy, người trực tiếp tiến hành ca ghép gan cấp cứu, cho biết: “Tình trạng bệnh nhân H. rất nặng, nếu không ghép gan, có tiên lượng tử vong rất cao. Do vậy, chúng tôi đã khẩn trương phối hợp, tổ chức chuẩn bị, lên phương án và hội chẩn cấp cứu và tiến hành ghép cấp cứu xuyên đêm, chạy đua từng giờ từng phút để cứu sống bệnh nhân”.

Sau 14 giờ phẫu thuật căng thẳng, ca ghép can cấp cứu đã thành công. Hiện nay, anh H. đã tiếp tục đi làm, sinh hoạt bình thường. Anh H, nhớ lại quãng thời  gian nằm viện: “Khi tỉnh lại sau ca ghép gan, tôi cảm giác như mình vừa có một giấc ngủ dài. Tôi thấy  hạnh phúc vì mình còn sống. Cha mẹ sinh ra tôi nhưng các bác sĩ mới là người hồi sinh, cho tôi một cuộc sống mới. Tôi biết ơn các bác sĩ đã cứu sống tôi”.

BN H. sau  ghép gan

Trường hợp BN N.V.Đ 40 tuổi (Quảng Ninh), được ghép gan vào cuối tháng 12/2019 tại Bệnh viện TWQĐ 108. Khi nhập viện,  BN đã rơi vào tình trạng hôn mê, phải đặt ống nội khí quản thở máy. Rất may mắn BN chưa có tình trạng tổn thương phù não, kíp ghép gan đã có quyết định “cân não” là phải tiến hành ghép gan cấp cứu mới hi vọng cứu sống được BN. Trong khi mổ, có lúc tín hiệu điện não đã xuống gần như bằng 0, nhưng thật kỳ diệu, ngay sau khi kết thúc cuộc mổ, tín hiệu điện não đã dần tăng lên. Sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân Đ. đã hoàn toàn tỉnh lại.

Vợ chồng BN Đ.hạnh phúc gặp lại nhau sau ca ghép gan

Người hiến gan chính là vợ của BN - chị H, xúc động chia sẻ “Diễn biến bệnh của chồng tôi quá nhanh, tôi gần như không có thời gian suy nghĩ, chỉ mong làm sao cứu được chồng mình. Rất may là tôi là người phù hợp để hiến gan cho anh ấy.”

Mới đây, Khoa Phẫu thuật gan - mật - tụy đã thực hiện ca ghép gan cấp cứu được tiến hành trong thời điểm dịch COVID-19, các bác sĩ vừa thực hiện công tác phòng chống dịch vừa tiến hành ghép gan cứu sống người bệnh. Đây là thành quả và nỗ lực của các cán bộ trong khoa.



Lan Hương
Ý kiến của bạn