BV Trung ương Huế cơ sở 2: Nối ngón tay đứt lìa bằng kỹ thuật vi phẫu

24-11-2018 15:30 | Tin nóng y tế

SKĐS - Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 ngày 23/11/2018, tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn S. bị máy cưa chém vào tay vào lúc 11h10 phút cùng ngày. Gia đình ngay lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy anh S. gãy đứt lìa đốt gần ngón IV, đứt gần lìa đốt gần ngón V và vết thương phần mềm đốt giữa và đốt xa ngón II và ngón III bàn tay trái.

Ngón IV và ngón V tay trái, vết thương đứt lìa ngón IV và gần lìa ngón V  ngang mức đốt gần chỉ còn dính bởi một cầu da rộng khoảng 0,8cm. Đầu ngón trắng bệch, lạnh và xẹp do thiếu máu. Không chảy máu tại vị trí châm kim. Mép vết thương dập nát. Bó mạch thần kinh gian ngón 2 bên và bó mạch mu ngón đều bị thương tổn. Xương vỡ nhiều mảnh nhỏ tại vị trí gãy. Hệ thống gân gấp và duỗi đều bị đứt lìa. Ngón II và ngón III tay trái có vết thương phần mềm ở mặt gan, đốt giữa và đốt xa gây đút gân gấp nông và sâu.

Sau khi hội chẩn tại khoa cấp cứu, ngay lập tức bệnh nhân được làm các xét nghiệm cần thiết và tiến hành phẫu thuật cấp cứu để nối ngón tay vi phẫu với kíp phẫu thuật gồm BS Hồ Mẫn Trường Phú, BS Lê Khánh Linh, BS Nguyễn Thanh Sang, BS Đinh Thị Phương Hoài và kíp gây mê vào lúc 12h30.

Sau khi xúc rửa, cắt lọc làm sạch vết thương, lấy bỏ phần xương vỡ vụn và tiến hành kết hợp xương bằng xuyên đinh Kirschner dọc trục ngón IV, V, nối lại gân gấp nông và sâu ngón IV và V theo phương pháp Adelaide bằng chỉ prolene 4.0, Nối lại bó mạch thần kinh gian ngón 2 bên bằng kỹ thuật vi phẫu với sự hỗ trợ của kính hiển vi.

Ngón tay IV và V bàn tay trái vẫn hồng, ấm và hồi lưu vi tuần hoàn tốt.

Sau nối, kiểm tra thấy miệng nối thông tốt, đầu ngón tay hồng, căng phồng trở lại, thời gian vi tuần hoàn bình thường và chảy máu tốt tại các vị trí châm kim. Các gân gấp ngón II, III cũng được khâu nối sau đó. Cuộc mổ kết thúc lúc 19h30 cùng ngày.

Bệnh nhân được tiếp tục điều trị sau mổ bằng kháng sinh đường tĩnh mạch, chống đông, giảm đau, kháng viêm, kê cao tay với nẹp bột cẳng bàn tay và sưởi ấm bằng đèn.

Sau phẫu thuật, ngón tay IV và V bàn tay trái vẫn hồng, ấm và hồi lưu vi tuần hoàn tốt. Theo ThS.BS Hồ Mẫn Trường Phú – Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình-phẫu thuật bàn tay, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 1 và cơ sở 2: Phẫu thuật vi phẫu nối lại chi thể là một kỹ thuật khá phức tạp đòi hỏi hệ thống trang thiết bị đầy đủ cùng với đội ngũ phẫu thuật viên và gây mê có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm

Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ngành y không ngừng phát triển, việc triển khai những kỹ thuật cao tại các tuyến y tế cơ sở là tương đối khó khăn, đặt biệt là kỹ thuật khâu nối lại ngón tay cần nhiều về kỹ thuật, trang thiết bị thích hợp để có thể khâu nối những mạch máu có kích thước từ 0,8-1mm và một êkíp phẫu thuật có chuyên môn cao về phẫu thuật vi phẫu .

Tại bệnh viện trung ương cơ sở 2, được sự quan tâm đầu tư của Bộ Y tế, và hỗ trợ chuyên môn trực tiếp từ cơ sở 1về kỹ thuật trong phẫu thuật vi phẫu cũng như trang bị hệ thống kính hiển vi của Bộ Y tế mà những người dân địa phương huyện Phong Điền nói riêng dù nằm ở xa trung tâm thành phố Huế nhưng vẫn nhận được những điều kiện chăm sóc về y tế tốt nhất.

Được biết, trong thời gian gần đây, lãnh đạo Bộ Y tế đã quan tâm đầu tư về trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất cho Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, nên người dân huyện Phong Điền (phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế) nói riêng, khu vực Bắc Trung Bộ đã có cơ sở y tế hiện đại, khang trang, đội ngũ thầy thuốc chuyên môn cao sẵn sàng cứu chữa người bệnh, trong đó có kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt lìa.


Tin, ảnh: Nguyễn Thanh
Ý kiến của bạn