Theo Ths.BS Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, BV Phổi Trung ương , tại Khoa Bệnh phổi mạn tính, BV Phổi Trung ương, số lượt bệnh nhân phải điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) tăng dần theo từng năm. Nếu 5 năm trước, chỉ có khoảng 1400 lượt bệnh nhân mắc COPD và hen phế quản đến điều trị, năm 2018 tăng tới 2200 lượt. Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 1300 lượt bệnh nhân COPD và hen phế quản tới điều trị bệnh.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc BV Phổi Trung ương thăm hỏi, động viên bệnh nhân trong quá trình điều trị
30 năm hút thuốc lá, thuốc lào, bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh nhân Phạm Xuân Đ. , Hải Dương, 78 tuổi, cho biết, ông bắt đầu phát hiện mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhóm D từ năm 2013 đến nay. Dù được điều trị thường xuyên bằng thuốc và tái khám định kỳ, nhưng bệnh nhân vẫn xuất hiện những cơn ho, khó thở khi đi lại, lên cầu thang, ngủ không sâu giấc vì nặng ngực, khó thở. Mỗi năm có 1-2 đợt cấp phải nhập viện điều trị.
Bệnh nhân Đ cho biết, trước đây có một khoảng thời gian ông công tác trong môi trường lò cao độc hại tại một khu luyện gang thép, cộng thêm việc hút thuốc lá, thuốc lào gần 30 năm, mỗi ngày ít nhất ông hút 1 bao thuốc. Chỉ đến khi ho nhiều, bệnh nhân mới tự nguyện bỏ thuốc. Đến năm 2013, ông Đ. phát hiện mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Ths.BS Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, BV Phổi Trung ương khám cho bệnh nhân điều trị bệnh COPD bằng tế bào gốc.
Đến sáng 20/6, bệnh nhân Đ. được các bác sĩ tiến hành truyền tế tào gốc để điều trị COPD. Được lựa chọn là bệnh nhân đầu tiên điều trị COPD bằng phương pháp tế bào gốc, ông Đ. xúc động cho biết: “Tôi rất biết ơn bệnh viện và các bác sĩ đã điều trị bằng phương pháp mới này cho tôi.” Chỉ sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân Đ cho biết ông cảm thấy ăn tốt, ngủ sâu giấc hơn, trước đây thỉnh thoảng ông bị ho, nhưng vài ngày trở lại đây, các cơn ho giảm đi nhiều và hầu như không còn nữa. Đến hôm nay, ngày 24/6, bệnh nhân Đ đã được ra viện.
Ứng dụng tế bào gốc – hy vọng mới cho bệnh nhân COPD
Bệnh viện Phổi Trung ương, Học viện Quân Y - Bệnh viện 103 và Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh (Hồ Chí Minh) đã phối hợp trong đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước mang tên ''Ứng dụng tế bào gốc trung mô đồng loài trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính'' . Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, BV Phổi Trung ương chia sẻ, trước đây đã có những nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh COPD có nguồn tế bào gốc từ mô mỡ hoặc từ tủy xương. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân COPD rất gầy, không có mỡ để lấy đủ lượng tế bào gốc cần thiết, hay trường hợp lấy tế bào gốc từ tủy xương người bệnh, cần xâm nhập vào tủy xương gây đau đớn cho bệnh nhân.
Ở đề tài nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị COPD này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng tế bào gốc từ dây rốn của trẻ sơ sinh bởi màng dây rốn là vùng rất giàu tế bào gốc, có thể biệt hóa thành nhiều dòng. Ưu điểm của việc chiết tách tế bào gốc từ dây rốn là nguồn tế bào gốc dồi dào, lấy dễ dàng, bởi đây là bộ phận thường bị bỏ đi sau khi đứa trẻ được sinh ra.
Ths.BS Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, BV Phổi Trung ương
Theo các chuyên gia, COPD là bệnh mạn tính, các phương pháp trên thế giới hiện nay chưa chữa khỏi được hoàn toàn nhưng người bệnh COPD hoàn toàn có một cuộc sống gần như người bình thường nếu tuân thủ tốt điều trị.
Ths.BS Vũ Văn Thành cho rằng, các biện pháp điều trị COPD hiện nay tập trung vào việc làm chậm sự tiến triển của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, giảm các đợt cấp tính của bệnh. Ứng dụng tế bào gốc được áp dụng trong điều trị các bệnh khớp, tim mạch, vấn đề thần kinh… rất có hiệu quả. Đối với bệnh COPD, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tế bào gốc khi truyền vào tĩnh mạch sẽ được giữ lại tại phổi, ở đó tế bào có thể biệt hóa, phát triển , giúp ức chế quá trình viêm, trẻ hóa – tái tạo tế bào, giúp ngăn chặn tiến triển của quá trình viêm, từ đó giúp chức năng hoạt động của phổi sẽ được cải thiện.
Theo Ths Thành, cho đến nay, việc điều trị COPD chủ yếu chỉ dựa vào điều trị chuẩn bằng thuốc và các biện pháp không dùng thuốc. Bên cạnh đó, người bệnh COPD thường đến viện muộn nên việc điều trị ít khi đem lại hiệu quả cao. Việc ứng dụng tế bào gốc không thể thay thế các phương pháp điều trị chuẩn hiện tại. Đến nay, nghiên cứu mới chỉ dừng ở việc ứng dụng tế bào gốc giúp cải thiện tốt hơn tình trạng bệnh trên bệnh nhân COPD, nhưng được xem là một phương pháp đầy triển vọng giúp giảm triệu chứng, ngăn chặn tiến triển của bệnh, đẩy lùi những tổn thương ở phổi do COPD.
-Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, thuốc lào, người làm việc trong môi trường khói bụi, ô nhiễm … khi xuất hiện những dấu hiệu như bị ho, nhanh bị mệt khi vận động, đi lại phải gắng sức cần đi khám chuyên khoa hô hấp.
-Bỏ thuốc lá, thuốc lào bất cứ lúc nào.
-Cải thiện môi trường sống và làm việc.
-Những bệnh nhân đã mắc COPD thường có tâm lý đây là căn bệnh không thể chữa khỏi nên ngại chữa bệnh, điều này hoàn toàn sai lầm, có thể khiến bệnh nặng thêm hoặc bỏ lỡ điều trị.
-Tuân thủ điều trị thuốc. Người bệnh cần phải tuân thủ điều trị để không bị những đợt cấp tính, giữ chức năng phổi hoạt động tốt, kéo dài hơn.
-Tuân thủ điều trị không dùng thuốc như tập thở, tập phuc hồi chức năng hô hấp, làm chức năng phổi tốt lên.
- Tăng cường chế độ dinh dưỡng giúp phục hồi tốt.