Hà Nội

BV Phổi Trung ương: Sẵn sàng "trình làng" chương trình ghép phổi vào năm 2019

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương

10-11-2018 09:05 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, bệnh viện đang xúc tiến một chương trình ghép phổi tầm quốc gia, ca ghép phổi đầu tiên của bệnh viện sẽ tiến hành vào năm 2019.

Sau một thời gian dài chuẩn bị về cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị và đặc biệt xây dựng một đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia phẫu thuật  trong lĩnh vực ghép phổi, BV Phổi Trung ương đang  dần đi tới  “đích” cuối cùng cho kế hoạch đưa ghép phổi trở thành một phẫu thuật sẽ được tiến hành thường xuyên tại bệnh viện. Phóng viên báo Sức khỏe &Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung ương về vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung ương

Phóng viên: Thưa ông, ghép phổi được coi là một trong những thách thức cao nhất của ghép tạng mà y tế của Việt Nam đang từng bước chinh phục. Xin ông có thể cho biết bức tranh tổng thể về nhu cầu ghép phổi ở Việt Nam , đặc biệt là tại BV Phổi Trung ương – một bệnh viện tuyến cuối về phổi?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Hiện nay trên thế giới, ghép phổi đã phát triển rất mạnh, số ca ghép phổi liên tục tăng qua các năm. Tại Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nếu ở giai đoạn cuối người bệnh sẽ có chỉ định ghép phổi. Ngoài ra có một số bệnh cũng được chỉ định ghép phổi như bệnh nhân bị  xơ phổi, xơ nang phổi giai đoạn cuối ... Với các bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thể nặng ,  nhiều trường hợp ghép phổi là cách duy nhất cứu sống người bệnh.

Ghép phổi là lĩnh vực rất khó của ghép tạng, nếu không muốn nói là khó nhất trong ghép tạng bởi phổi không giống các cơ quan khác, phổi là một tạng rất mỏng manh, rất dễ bị tổn thương đồng thời là một cơ quan miễn dịch nên rất dễ bị thải ghép. Tuy nhiên với tiến bộ hiện nay, ghép phổi trên thế giới cũng đã đạt những thành tựu rất quan trọng.

Phóng viên: Thưa ông, lên kế hoạch từ rất lâu, đến thời điểm này, BV Phổi Trung ương đã chuẩn bị đến đâu cho ghép phổi?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Là một bệnh viện tuyến cuối của cả nước về phổi, chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong bảo vệ sức khỏe người dân, việc  đưa ghép phổi vào bệnh viện là một nhiệm vụ phải làm vì 2 muc tiêu, đó là mang lại cơ hội sống cho những người được ghép và để ghép được phổi thì hàng loạt các kỹ thuật tiên tiến sẽ được áp dụng, những kỹ thuật này sẽ phục vu nhiều người hơn, người bệnh không phải ra nước ngoài để chữa bệnh. Bệnh viện Phổi Trung ương đã chuẩn bị suốt 2 năm nay về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực ghép phổi.  Chúng tôi đã và đang xây dựng một chương trình ghép phổi cùng với Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, khi đã đưa vào thực hiện sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nhiều người bệnh.

Năm 2019, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ đưa vào sử dụng 12 phòng mổ mới, trong đó có hai phòng mổ hiện đại – không thua kém các trung tâm ghép phổi trên thế giới-  để phục vụ cho ghép phổi.  Làm sao để ghép phổi bằng đúng thực lực của các bác sĩ Việt Nam là điều tôi trăn trở. Chúng tôi đã gửi đi một đội ngũ các bác sĩ tới Trung tâm ghép tim phổi thuộc Trường Đại học California, San Francisco – là một trong 7 trung tâm hàng đầu thế giới về ghép phổi hiện nay để đào tạo. Tuy nhiên học ghép phổi không dễ vì mỗi năm ở các trung tâm lớn cũng chỉ ghép trên 50 ca ghép phổi.  Điều rất may mắn cho đội ngũ của chúng tôi, sau 4 tuần làm việc, các bác sĩ Việt Nam đã được cùng các chuyên gia nước ngoài học tập các quy trình trên 9 ca ghép phổi, kết quả cho thấy rất khả quan.  Hiện nay, tại Bệnh viện chúng tôi đã có khoảng hơn 20 người bệnh trong danh sách  chờ được ghép phổi.

Phóng viên: Vậy thách thức lớn nhất để hiện thực hóa ghép phổi mà ông và các cộng sự của mình phải vượt qua là gì?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Thách thức lớn nhất là làm sao để có được nguồn tạng để ghép. Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia đã có nhiều nỗ lực vận động nhưng vẫn còn rất hạn chế. Thực tế là nhu cầu ghép phổi rất nhiều, nhưng cũng như các ca ghép tạng khác, trăn trở của chúng tôi là làm sao để có nguồn tạng hiến để ghép cho người bệnh. Thứ hai là phải đào tạo được đội ngũ bác sĩ đủ năng lực, với các trang thiết bị hiện đại và tổ chức quy trình chuyên nghiệp.

Một trở ngại lớn nhất trong ghép phổi là kinh phí thực hiện. Tại Mỹ mỗi ca ghép phổi người bệnh phải mất khoảng 2 triệu USD. Nếu đưa vào Việt Nam thì là một con số quá lớn. Chúng tôi có một quyết tâm cao để người Việt Nam có thể được ghép phổi với giá thành hợp lý hơn.

Với định hướng là đầu tư đa nguồn cho việc triển khai các ca ghép phổi, có nguồn từ Chính phủ, có nguồn từ bệnh viện, nguồn xã hội hóa, nguồn từ người bệnh. Tôi  hy vọng sẽ làm được chương trình thật tốt, đưa bệnh viện trở thành địa chỉ ghép phổi thường quy. Theo kế hoạch đầu năm 2019 ,  Bệnh viện sẽ tiến hành ghép phổi khi hội tụ đủ điều kiện để chạy một chương trình,  đảm bảo an toàn cho người bệnh, với chủ trương không vội vàng nhưng cũng không để chậm trễ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.


Hải Yến
Ý kiến của bạn