BV Nhi TW làm chủ kỹ thuật mới- Nội soi thoát vị bẹn

13-07-2017 14:58 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Với kỹ thuật mới nội soi thoát vị bẹn, bệnh nhi sẽ được ra viện ngay ngày hôm sau và vết sẹo phẫu thuật nội soi có tính thảm mỹ cao với chỉ đường rạch 2mm, sau mổ hầu như không nhìn thấy sẹo và đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ…

Ngày 13/7, các bác sĩ của Trung tâm phẫu thuật nội soi- BV Nhi TƯ đã lần đầu tiên triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi mới trong phẫu thuật bệnh lý thoát vị bẹn cho 5 bệnh nhân. Điều đáng nói là với kỹ thuật mới này, bệnh nhi sẽ được ra viện ngay ngày hôm sau và vết sẹo phẫu thuật nội soi có tính thảm mỹ cao với chỉ đường rạch 2mm, sau mổ hầu như không nhìn thấy sẹo và đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ…

Mỗi năm có khoảng 1.500- 2.000 trẻ được phẫu thuật bệnh lý thoát vị bẹn

Bệnh nhân Phạm Phương A. 5 tuổi (bị thoát vị bẹn trái trên nền bệnh nhân đã mổ thoát vị bẹn phải) và bệnh nhân Nguyễn Thanh Tr. 7 tuổi ở Hà Nội (bị thoát vị cả hai bên) là 2 bệnh nhân đầu tiên bị bệnh lý thoát vị bẹn đã được các chuyên gia người Nhật và TS Phạm Duy Hiền cùng các cộng sự của BV Nhi TW tiến hành phẫu thuật  bằng nội soi thoát vị bẹn thay cho phương pháp mổ mở lâu nay. Đón con gái từ phòng mổ, chị Đồ Hồng Nhung- mẹ cháu Tr. cho biết, thứ hai vừa rồi chị đưa con đi khám, các bác sĩ qua thăm khám đã kết luận cháu bị thoát vì bẹn và khuyên nên mổ sớm, đồng thời tư vấn cho chị về kỹ thuật mổ mới này. Qua tìm hiểu tài liệu và thông tin từ bác sĩ về ưu điểm của kỹ thuật mới này, gia đình chị đã đăng ký cho con gái mổ sớm.

TS Phạm Duy Hiền- Trưởng Khoa Ngoại- BV Nhi TW cho biết, bệnh lý thoát vị bẹn là một bệnh lý bẩm sinh hay gặp ở trẻ em. Khi không được điều trị, sẽ có nguy cơ các cơ quan trong ổ bụng thoát vị xuống vùng bẹn gây nghẹt, tổn thương cơ quan này.  Hiện phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh lý này.

TS Phạm Duy Hiền cùng cộng sự của BV Nhi TW và chuyên gia người Nhật tiến hành ca phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn cho bệnh nhân Tr.

“Trung bình mỗi tuần, các thầy thuốc của BV Nhi TW phẫu thuật khoảng 20-40 trường hợp trẻ bị bệnh lý thoát vị bẹn. Như vậy con số bệnh nhân nhi mắc bệnh lý này hàng năm được phẫu thuật tại BV dao động khoảng từ 1500-2000 trẻ. Phương pháp phẫu thuật lâu nay vẫn thực hiện đối với bệnh lý này là mổ mở ở vùng bẹn, tìm và phẫu tính thắt ống phúc tinh mạc. Tuy nhiên trong y văn nhiều tài liệu đề cập tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật mổ mở thoát vị bẹn từ 0,8-3,8% và tỉ lệ còn bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện từ 5,6 -30% nếu chỉ dựa vào siêu âm đơn thuần”- TS Hiền cho hay.

Cũng theo thông tin của TS Phạm Duy Hiền, trong sự phát triển của phẫu thuật nội soi, nhiều tác giả trên thế giới đã đề xuất các phương pháp phẫu thuật nội soi để điều trị thoát vị bẹn nhằm khắc phục những mặt hạn chế của phẫu thuật mở truyền thống. Trong đó, tác giả Maso Endo (người Nhật) đã sáng chế ra kim Endo- Needle phục vụ cho phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn. Nguyên tắc cơ bản của phương pháp là dưới camera nội soi, sẽ quan sát được toàn bộ lỗ bẹn sâu 2 bên, dùng dụng cụ kích thước nhỏ ( 2mm ) phẫu tích tách ống dẫn tinh khổi phúc mạc thành bụng. Sau khi tách, sẽ dùng kim chuyên dụng đi từ ngoài thành bụng vào trong ổ bụng đi hết chu vi 1 nửa dưới của lỗ bẹn sâu. Nửa chu vi còn lại sẽ dùng Endo-needle đi vào từ ngoài thành bụng, dưới dụng cụ chuyên dụng như cái thòng lọng sẽ bắt chỉ vào từ trong ổ bụng đưa ra khỏi ổ bụng theo đường hầm vừa tạo ra. Nơ chỉ buộc sẽ hoàn toàn ngoài ổ bụng.

Hình ảnh thoát vị bẹn trước phẫu thuật

Đã biết đến phương pháp này, xong cách đây hơn 2 tháng, trong chuyến đi công tác và học tập về chuyên môn ở Nhật, TS Hiền cùng các cộng sự mới được gặp trực tiếp GS Maso Endo và tiếp cận phương pháp này trực tiếp từ các chuyên gia của Nhật. Với mong muốn nâng cao chất lượng phẫu thuật bệnh lý thoát vị bẹnh cho trẻ, các thầy thuốc của BV Nhi TW đã quyết tâm học hỏi để mang phương pháp này về Việt Nam. Trong 5 ca phẫu thuật thoát vị bẹn ngày 13/7, GS Maso Endo chỉ thực hiện thị phạm ca đầu tiên, còn lại 4 ca sau TS Hiền cùng các cộng sự đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật mới này.

Phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn có những lợi ích gì?

Trả lời phỏng vấn với báo chí ngay tại phòng mổ của BV Nhi TW, GS Maso Endo- tác giả sáng chế ra kim Endo- Needle phục vụ cho phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn nhấn mạnh phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn là một phương pháp mới, hiện đại hiện đã được áp dựng tại nhiều cơ sở y tế trên thế giới bới những ưu điểm  như giúp phẫu thuật viên đơn giản khi thực hiện với hời gian mổ nội soi trung bình mỗi bên thoát vị bẹn là tầm 10-15 phút với mức độ an toàn cao dưới quan sát phóng đại của camera nội soi

Và hình ảnh thoát vị bẹn sau phẫu thuật bằng phương pháp nội soi

Ngoài ra, phương pháp này còn giúp cho quá trình phẫu thuật không bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện bởi với phẫu thuật mổ mở dựa phần nhiều vào siêu âm như hiện nay, một số trường hợp trẻ không có triệu chứng khi đến khám và siêu âm không phát hiện ra thì phẫu thuật mổ mở dễ bỏ sót tổn thương bên đối diện.

“Với phẫu thuật nội soi sẽ loại bỏ hoàn toàn điều này nhờ quan sát dễ dàng với camera nội soi trong ổ bụng. Khi phát hiện có thoát vị bẹn bên đối diện sẽ tiến hành phẫu thuật ngay trong cùng một lần mổ:- GS Maso Endo nói.

GS Maso Endo tác giả sáng chế ra chiếc kim dùng trong phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn

Bổ sung thêm thông tin, TS Phạm Duy Hiền cho hay, nhiều nghiên cứu chỉ ra tỉ lệ tái phát của phẫu thuật nội soi chữa thoát vị bẹn ở trẻ em chỉ khoảng từ 0,1-0,2 % ( thấp hơn đáng kể so với mổ mở 0,8- 3,8 % ). Đồng thời so với đường rạch dài tầm 2cm của phẫu thuật mổ mở, phẫu thuật nội soi có tính thảm mỹ cao với chỉ đường rạch 2mm, sau mổ hầu như không nhìn thấy sẹo của bệnh nhân. Camera đặt qua rốn nên sau mổ sẽ không quan sát thấy sẹo trên thành bụng

Thêm một ưu điểm đáng kể nhất của phương pháp phẫu thuật mới này là rất an toàn, ít sang chấn tới mạch máu và ống dẫn tinh (ở trẻ nam) bởi mổ mở thường phải bóc tách phẫu tích nhiều vào ống bẹn dễ gây tổn thương các thành phần này do đó sẽ ít ảnh hưởng hơn tới chức năng sinh sản sau này của trẻ.


Thái Bình
Ý kiến của bạn
Tags: