BV. Nhi Đồng 2: Tách dính ca song sinh đặc biệt, dính phần lưng - tủy - cùng cụt!

07-09-2017 16:52 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Ngày 29/8, theo GS. Trần Đông A, cố vấn chuyên môn của BV. Nhi Đồng 2, đây là ca mổ tách dính song sinh dính nhau dạng đặc biệt. Đây là ca đầu tiên ở Việt Nam từ năm 1975 đến nay, và là ca thứ 29 theo ghi nhận của y văn thế giới.

Hai bé Bảo Hân và Bảo Ân (sinh ngày 24/7/2016, Bình Phước) dính nhau ở vùng thắt lưng cùng cụt, thoát vị tủy màng của tủy vùng cùng cụt, Dính tủy ở vùng cùng cụt, rò hậu môn tiền đình. Riêng bé Bảo Ân bị bất sản 5 xương sườn phải, trật khớp háng phải, cứng khớp gối và cổ chân phải; còn bé Bảo Hân không bị các dị tật khác.

Khi mang thai, do điều kiện kinh tế và là người dân tộc, nên mẹ của hai bé đã không đi khám thai thường xuyên, cho đến khi chuyển dạ sinh non lúc tuổi thai 33 tuần tuổi buộc phải mổ vì là ca khó, các bác sĩ mới phát hiện đây là một cặp song sinh dính rất đặc biệt. BV. Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận hai bé vào ngày 26/7/2017. Trong suốt thời gian này, các bé đã được bệnh viện chăm sóc, và tiến hành 3 lần phẫu thuật đặt túi giãn da để lấy da cho lần đại phẫu tách dính nhưng không thành công. Cho đến ngày phẫu thuật, 23/8/2017, hai bé được 13 tháng và nặng 12kg.

Khó từ gây mê

“Chúng tôi đã chuẩn bị rất cụ thể, chi tiết, kỹ lưỡng từ khâu chống nhiễm khuẩn phòng phẫu thuật, hậu phẫu; cho đến ê kíp gây mê, phẫu thuật, êkíp dụng cụ, hậu phẫu, hậu cần,… để tránh tối đa các “bất ngờ trong phẫu thuật”. Chúng tôi có khoảng 40 người, gồm nhóm gây mê - hồi sức, dụng cụ viên, phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật ngoại thần kinh, phẫu thuật tổng quát…” ThS.BS. Nguyễn Thanh Trúc - Phó trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp, BV. Nhi Đồng 2, cho biết.

BV. Nhi Đồng 2: Tách dính ca song sinh đặc biệt, dính phần lưng - tủy - cùng cụt!Ca phẫu thuật tách hai bé

Ca song sinh này có thế nằm đặc biệt, nên rất khó trong việc gây mê hồi sức. ThS.BS Phan Thị Minh Tâm (Nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức, BV. Nhi Đồng 2) cho biết: “Các êkíp mổ đòi hỏi êkíp gây mê phải làm sao để có thể xoay trở được các bé trong cuộc mổ. Vì, phải phẫu thuật lấy được vùng da ghép phía trước, rồi lại tách phía sau, sau đó tách rời các dây thần kinh, tạo hình tủy sống, tạo hình ống tủy, tránh bị rò xì, tạo hậu môn… Điều đó là một thách thức rất lớn, trên người của mỗi bé có 11 - 12 các loại dây nhợ, ống theo dõi, nếu làm không khéo, khi xoay chuyển các bé, các loại dây này bị lung lay, rớt ra, các bé có thể bị sốc, rối loạn tim mạch, huyết động học… Vết thương không được cố định tốt, nhiễm trùng dễ xảy ra vì đây là vùng tập trung hậu môn, nên dễ bị nhiễm trùng vết mổ”.

Từ “cái khó, ló cái khôn”, các nhân viên y tế trong êkíp đã sáng tạo dùng một bọc ni lon vô trùng vốn là bao trùm trên các thiết bị vi phẫu trong phòng mổ bó từng bé lại, cố định bé và xoay chuyển bé. Từ lúc gây mê đến khi chấm dứt ca mổ, chuyển ra hồi sức kéo dài từ 7g sáng đến 7 tối. Chỉ tính riêng thời gian phẫu thuật là 8 tiếng rưỡi đồng hồ.

BV. Nhi Đồng 2: Tách dính ca song sinh đặc biệt, dính phần lưng - tủy - cùng cụt!Ca song sinh đặc biệt, Điểu Thị Bảo Hân (trái) - Điểu Thị Bảo Ân

Khó qua tách dây thần kinh và tạo hình ống tủy

Cái khó thứ hai trong ca mổ này, theo BS. Đặng Đỗ Thanh Cần - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh Nhi (BV. Nhi đồng 2) chia sẻ: “Do đây là ca dính tủy sống đặc biệt, các rễ thần kinh vùng dưới này gọi là chùm rễ thần kinh đuôi ngựa, dính và đan xen vào nhau. Các cấu trúc thần kinh đi rất lộn xộn và vô cùng bé ở một trẻ nhỏ. Các dây thần kinh này phải được tách bằng cách nào đó để đảm bảo các bé về sau có thể sử dụng được chân là một vấn đề không dễ. Trong quá trình phẫu thuật bóc tách, chúng tôi phải dùng kính hiển vi vi phẫu với độ phóng đại lớn, dao mổ siêu âm Cusa để tách rời từng sợi rễ thần kinh một cách an toàn. Chúng tôi phải vừa tách rời vừa xem xét dây thần kinh nào chi phối chân của bé nào bằng máy kích thích thần kinh để dò chức năng thần kinh của từng bé để xác định chính xác dây nào của cháu nào. Hai tủy của hai bé có hình chữ Y nên chúng tôi còn phải tiến hành tách đôi tủy một cách an toàn nhất và đảm bảo chức năng thần kinh tốt nhất cho cả hai cháu”.

Sau khi tách rời, các bác sĩ ngoại thần kinh đã kết hợp với bác sĩ tạo hình đóng từng lớp một từ màng cứng, từ cân cơ, đến lớp dưới da, và lớp da bằng các mảnh ghép, ưu tiên các mảnh ghép tự thân của hai cháu bé và gia cố bằng các vật liệu sinh học để đảm bảo kín hoàn toàn, đặc biệt là tránh xì rò não tủy, với tỉ lệ sự cố này là 30% theo y văn. Đây là một khâu quan trọng nhằm tránh nhiễm trùng vì chỗ dính của hai bé này là vùng cùng cụt đến sát hậu môn và âm đạo, nhiễm trùng lên đến não, bệnh nhân cũng khó sống.

BV. Nhi Đồng 2: Tách dính ca song sinh đặc biệt, dính phần lưng - tủy - cùng cụt!Mỗi bé được sống cuộc đời riêng của mình

Cho đến nay, hai bé đã được cai máy thở, gần một tuần sau khi tách, trước mắt hai bé sống khỏe mạnh, bú sữa tốt. Riêng về phần cơ vòng, hậu môn - trực tràng, tiết niệu sinh dục của bé Bảo Hân tiến triển khá tốt. Còn phần bé Bảo Ân, hai chi dưới của bé hoạt động kém hơn, do một phần có những biến dạng xương khớp, khớp háng, khớp gối. Cơ vòng của bé Bảo Ân cũng khó được đánh giá trong giai đoạn sớm này và cần nhiều năm sau nữa để đánh giá tiên lượng về sự phát triển thần kinh dù rằng trong quá trình bóc tách, các bác sĩ vẫn quyết tâm bảo tồn về mặt giải phẫu dây thần kinh và tủy sống cho Bảo Ân.


AN QUÝ
Ý kiến của bạn