Sau đó, anh Lê Đức Lợi đưa vợ vào BV Lê Lợi, Bà Rịa – Vũng Tàu khám, nhập viện vào lúc 20 giờ 50 phút ngày 11-7-2017. Tại đây, bác sĩ Hoàng Phước Ba khám và cho bệnh nhân làm các xét nghiệm chẩn đoán thai ngoài tử cung, sau đó cho mổ cấp cứu. Đến ngày 18-7, chị Thương lại bị đau bụng quằn quại nên đã nhập viện và được mổ lần 2 do đứt mạch máu trong bụng. Anh Lợi cho rằng, BV đã chẩn đoán sai, quy trình mổ không đúng quy định và không có giải thích rõ ràng tình trạng của bệnh nhân với người nhà...
Anh Lê Đức Lợi cho rằng, các bác sĩ BV Lê Lợi đã có sai sót, khiến vợ chồng anh mất con nên đã phản ánh sự việc lên mạng xã hội.
Ngay sau khi có dư luận về vụ việc nói trên, BS Trần Văn Bảy, Giám đốc BV Lê Lợi đã có chỉ đạo lập hội đồng xem xét lại toàn bộ quy trình khám, chẩn đoán, phẫu thuật trường hợp bệnh nhân Lê Hồng Thương.
BV Lê Lợi khẳng định đã làm đúng quy trình trong cấp cứu người bệnh. Ảnh chỉ có tính minh hoạ
Bệnh nhân Thương nhập viện trong tình trạng bị đau bụng, trễ kinh 10 ngày. Sau khi làm các xét nghiệm nước tiểu, máu, siêu âm, chọc dò túi cùng cho thấy, bệnh nhân có thai ngoài tử cung đã bị vỡ, gây xuất huyết nội. Bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cấp cứu, hội chẩn mổ nội soi (đây là phương pháp mổ phù hợp với chỉ định theo quy định của Bộ Y tế). Bác sĩ đã giải thích cho chồng bệnh nhân và bệnh nhân về tình trạng của bệnh nhân trước khi làm phẫu thuật; đồng thời giải thích, tư vấn cho hai vợ chồng bệnh nhân để lựa chọn phương pháp mổ nội soi.
Sau khi mổ, bệnh nhân mất máu nhẹ, không bị chảy máu trong. Kết luận sau mổ là thai ngoài tử cung đã vỡ. Về phương pháp phẫu thuật: Bệnh nhân thai ngoài tử cung đã vỡ nên không có chỉ định chờ đợi theo dõi hoặc điều trị nội khoa mà phải phẫu thuật. Ở đây bác sĩ phải phẫu thuật nội soi là hoàn toàn đúng vì bệnh nhân không có chống chỉ định phẫu thuật nội soi (không có dấu hiệu shock mất máu nặng và không có vết mổ cũ vùng hạ vị). Kết quả thu được sau phẫu thuật, bệnh nhân thai ngoài tử cung (T) vỡ, máu mất 300ml. Như vậy, kết quả phẫu thuật hoàn toàn phù hợp với chẩn đoán trước mổ. Chỉ định phẫu thuật nội soi là phù hợp.
Về việc bệnh nhân phải mổ lần 2 sau khi ra viện 1 ngày, bác sĩ Bảy giải thích, trong trường hợp này, bệnh nhân bị biến chứng chảy máu sau phẫu thuật (thường xảy ra trong 7 ngày kể từ ngày phẫu thuật) nên bắt buộc phải mổ lần 2 để cứu bệnh nhân. Xử lý của bác sĩ trong trường hợp này là phù hợp.
Liên quan đến thông tin cho rằng ê kíp phẫu thuật không có bác sĩ gây mê nên mới gây ra biến chứng cho bệnh nhân, bác sĩ Bảy khẳng định, ê kíp phẫu thuật bảo đảm đúng quy định, bệnh nhân được gây mê bằng phương pháp gây mê nội khí quản. Bệnh nhân không bị bất kỳ biến chứng nào liên quan đến việc gây mê trong ca phẫu thuật này. Đối chiếu với các quy định của Bộ Y tế về chẩn đoán và xử lý trường hợp thai ngoài tử cung tại Quyết định số 4068/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế, việc chẩn đoán và xử lý thai ngoài tử cung đã vỡ bằng biện pháp phẫu thuật cấp cứu, hồi sức tích cực tại BV Lê Lợi là đúng với quy định.
Việc giải thích đối với bệnh nhân và gia đình trước mổ, theo BS Trần Văn Bảy, các thầy thuốc đã chỉ định phẫu thuật cấp cứu, đã hội chẩn mổ nội soi (đây là phương pháp mổ phù hợp với chỉ định của BYT). Bác sĩ đã giải thích cho bệnh nhân Lê Hồng Thương và chồng về tình trạng bệnh nhân trước khi làm phẫu thuật; đồng thời giải thích, tư vấn cho 2 vợ chồng bệnh nhân để lựa chọn phương pháp mổ nội soi, thể hiện bằng việc bệnh nhân đồng ý ký cam kết phẫu thuật. Ê kíp phẫu thuật – gây mê đảm bảo đúng quy định, bệnh nhân được gây mê bằng phương pháp gây mê nội khí quản.