Cam kết này nhằm mục tiêu giáo dục điều dưỡng viên tự rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức của nghề điều dưỡng, đưa ra các quyết định phù hợp với chuẩn đạo đức nghề nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chuẩn đạo đức gồm 8 tiêu chuẩn, 30 tiêu chí về những chuẩn mực đạo đức và ứng xử nghề nghiệp được coi là giá trị cốt lõi, là thước đo phẩm chất đạo đức, trách nhiệm và nghĩa vụ nghề nghiệp của mỗi điều dưỡng viên trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư hiện là cơ sở y tế đầu tiên triển khai thực hiện bộ tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp áp dụng cho hơn 300 điều dưỡng viên đang công tác tại Viện. Đây là hoạt động thực hiện theo Quyết định số 20/QĐ-HĐD do Hội Điều dưỡng Việt Nam ban hành ngày 10/9/2012 về việc thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên.
Lãnh đạo và điều dưỡng viên Viện HH&TM T.Ư ký cam kết thực hiện chuẩn đạo đức điều dưỡng viên. Ảnh: L.Mộc. |
Biểu dương tinh thần đi tiên phong trong thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên của Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, ThS. Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam nhấn mạnh: "Hiện, cả nước có 22 cơ sở đào tạo điều dưỡng, trong đó có 2 cơ sở đào tạo điều dưỡng trình độ Thạc sĩ. Trong tương lai không xa, điều dưỡng sẽ phát triển thành một nghề chuyên nghiệp. Điều dưỡng là một nghề dịch vụ nên điều dưỡng viên cần phát huy "nụ cười". Mỗi điều dưỡng viên cần tự đánh giá mình sau 3 tháng với 4 mức "Tốt, khá, trung bình và yếu". Các lãnh đạo cũng cần phải tự đánh giá mình và phản ánh lại. Trên cơ sở để người điều dưỡng viên thay đổi, tạo niềm tin cho người bệnh...".
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư cho biết: “Viện đánh giá cao việc triển khai chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên của Hội Điều dưỡng Việt Nam. Việc thực hiện nghiêm túc, thực chất và hiệu quả chương trình này sẽ là cơ sở quan trọng để mỗi cán bộ, nhân viên y tế; đặc biệt là các điều dưỡng viên nói chung và các điều dưỡng viên của Viện ngày càng tự nâng cao hơn nữa đạo đức nghề nghiệp trong công tác chăm sóc, phục vụ người bệnh, rút ngắn dần khoảng cách giữa nhân viên y tế với người bệnh và người nhà bệnh nhân”.
Việc công khai thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên sẽ tạo ra một môi trường chăm sóc thân thiện và chuyên nghiệp. Người dân, người bệnh khi tham gia vào hoạt động khám, chữa bệnh tại các bệnh viện sẽ cảm nhận được sự ân cần, tận tình và thỏa lòng hơn với dịch vụ y tế ngày càng hoàn thiện về chất lượng và đậm tính nhân văn.