Ngày 16/6. PGS.TS Cao Minh Thành, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết : Bệnh viện vừa tiến hành phẫu thuật cấy điện cực ốc tai cho hai bệnh nhi bị điếc bẩm sinh, nhằm giúp các em có thể nghe, nói được.
Hai bệnh nhi được phẫu thuật gồm bé nam, Đỗ Viết Xuân Trường, 18 tháng tuổi ở Tĩnh Gia- Thanh Hóa và bé trai 31 tháng tuổi ở Nam Cường, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai… Cả hai đều bị điếc bẩm sinh, đeo máy trợ thính vẫn không hiệu quả và không biết nói.
Chị Nguyễn Thị Thủy,mẹ bé Xuân Trường cho biết: Chồng chị mất sớm, 2 chị của bé Xuân Trường cũng bị điếc bẩm sinh nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không đủ tiền để phẫu thuật. Biết tin Bệnh viện Đại học Y tổ chức khám sàng lọc miễn phí chị đưa con đến khám. Các bác sĩ cho biết bé cũng bị điếc bẩm sinh. Nhưng rất may bé được phẫu phuật miễn phí hoàn toàn khiến cho chị vui mừng. Chị xúc động cảm ơn các bác sĩ đã tận tình giúp con chị từ trẻ bị tàn tật hòa nhập nghe nói như bao nhiêu trẻ khác. Còn anh Nguyễn Tuấn Nam, bố của Nam Cường cho biết anh tình cờ đọc được thông tin Bệnh viện Đại học Y khám miễn phí cho trẻ điếc bẩm sinh, vợ chồng anh cho cả 2 con xuống khám. Các bác sĩ kết luận cả 2 bé bị điếc bẩm sinh và phải cấy ốc tai điện tử mới có khả năng nghe nói. Rất may, 1 bé được phẫu thuật miễn phí chứ không biết đến bao giờ mới có đủ tiền chữa cho con.
PGS. TS Cao Minh Thành cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điếc bẩm sinh trong đó có nguyên nhân di truyền hoặc trong quá trình mang thai người mẹ bị mắc một số bệnh lý nhiễm virut đặc biệt là rubella có thể khiến trẻ bị đa dị tật…Thời gian vàng để cấy ốc tai điện tử giúp trẻ phục hồi sức nghe và nói được là 12 tháng tuổi, khả năng phục hồi hoàn toàn 100%, và muộn nhất là đến 6 tuổi nhưng hiệu quả sẽ không cao do giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ đã qua đi.
Bé Nam Cường được các bác sĩ khám trước khi phẫu thuật
Ảnh: KM
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân nghe kém sẽ không giao tiếp được, không học được từ những âm thanh xung quanh, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ em, trẻ sẽ chậm phát triển ngôn ngữ, trí tuệ và gặp khó khăn trong cuộc sống và trẻ sẽ trở thành tàn tật vĩnh viễn, trở thành gánh nặng cho xã hội. Do đó, việc phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ mang lại cho bệnh nhân cơ hội lớn trong việc phục hồi khả năng nghe, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, hòa nhập cộng đồng và giảm gánh nặng cho bản thân trẻ, gia đình và xã hội.
Các bác sĩ bệnh viện Đại Học Y Hà Nội đang phẫu thuật cho bệnh nhi Xuân Trường
Ảnh: KM
Được biết, trước đó, BV Đại học Y Hà Nội đã thực hiện gần 100 ca mổ cấy ghép ốc tai điện tử với tỉ lệ thành công 100%. Những trẻ được cấy ghép từ đầu năm 2010 nay đã đi học lớp 1-2 và hòa nhập cuộc sống bình thường. Giải thích về rất ít trường hợp được cấy ghép ốc tai điện tử tại bệnh viện và trên cả nước, PGS.TS. Thành cho biết có nhiều lý do trong đó chi phí quá cao (350 - 700 triệu/ca) nhưng lại chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ là trở ngại chính khiến hàng nghìn trẻ điếc sinh ra mỗi năm không được tiếp cận với kỹ thuật mới này.