Hà Nội

BV của Hà Nội phải thực hiện nghiêm phân luồng điều trị sốt xuất huyết

11-08-2017 13:39 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thời tiết hiện nay, nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát.

Tại Hà Nội, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt số mắc tăng cao vào những tuần gần đây, nhất là từ tuần thứ 28 đến tuần thứ 31. Báo SK&ĐS đã phỏng vấn bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở y tế Hà Nội về công tác phân luồng bệnh nhân, tránh quá tải bệnh nhân lên tuyến trên.

Bà Trần Thị Nhị Hà.

Bà Trần Thị Nhị Hà.

PV:Thưa bà, bệnh sốt xuất huyết đang rất căng thẳng ở Thủ đô, số bệnh nhân mắc mới tăng nhanh. Trước tình hình này, với cương vị phụ trách hệ điều trị của thành phố, bà cho biết, các bệnh viện thuộc quản lý của Hà Nội đang chống dịch như thế nào?

Bà Trần Thị Nhị Hà: Cùng với hệ dự phòng, hệ điều trị nói riêng và cả ngành y tế chúng tôi đang căng sức cùng với cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các bệnh viện trên toàn thành phố được yêu cầu tăng giờ khám, tăng bàn khám, mở rộng các khu điều trị, sắp xếp lại các phòng làm việc, các khoa ít bệnh nhân, điều động nhân lực hỗ trợ khoa đông bệnh nhân với tinh thần cao nhất, quyết tâm tốt nhất, điều trị nhanh nhất cho bệnh nhân.

Chúng tôi đã tổ chức tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết cho hơn 100 bác sĩ của các bệnh viện trong, ngoài công lập, trưởng phòng khám đa khoa các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và cán bộ phụ trách chuyên môn các phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế cũng đã yêu cầu các bệnh viện tăng cường thêm giường bệnh, nhân lực, thuốc, đồng thời tổ chức tập huấn lại phác đồ điều trị của Bộ Y tế, từ phân loại bệnh nhân, cách thức điều trị cho người lớn, trẻ em, khi nào truyền dịch, truyền bao nhiêu... Với những bệnh nhân đang nằm điều trị tại các bệnh viện phải yêu cầu họ mắc màn, tránh lây truyền bệnh. Bản thân các bệnh viện cũng phải tổ chức vệ sinh môi trường thường xuyên. Ví dụ như BVĐK Hà Đông tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, tổ chức phong trào bệnh viện xanh - sạch - đẹp. Hàng tuần vào thứ 6, bệnh viện này còn tổ chức vệ sinh toàn bệnh viện.

Các bệnh viện được yêu cầu thành lập đội xung kích vệ sinh môi trường diệt bọ gậy. Đội xung kích này có nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn và cùng cán bộ các khoa phòng xử lý triệt để các dụng cụ chứa nước, đồ vật có khả năng chứa nước, các ổ bọ gậy trong khuôn viên bệnh viện.

PV: Điều lo lắng nhất của người dân đó là bệnh sốt xuất huyết rất dễ nhầm lẫn sang các bệnh do nguyên nhân khác dẫn đến chủ quan trong điều trị hoặc chỉ mới sốt là đến ngay các bệnh viện tuyến Trung ương gây quá tải không cần thiết, bà có lời khuyên nào cho người dân?

Bà Trần Thị Nhị Hà: Người dân không nên chủ quan với sức khỏe của mình. Đối tượng nào cũng có thể bị mắc sốt xuất huyết dù là người già, trẻ nhỏ hay thanh niên. Hiện nay đang lưu hành 4 chủng virut sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước. Cụ thể, virut gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4.

Chúng tôi yêu cầu các bệnh viện phải làm tốt công tác phân loại bệnh nhân ngay từ đầu, thực hiện đúng yêu cầu về phân luồng điều trị; theo dõi chặt chẽ tình trạng người bệnh, phát hiện sớm dấu hiệu tiến triển nặng, vượt quá khả năng chuyên môn của đơn vị phải kịp thời chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, đối với bệnh viện có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám và điều trị phải bố trí khu vực riêng khám bệnh nhân sốt xuất huyết.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà. Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt) trở đi là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước, do vậy nhiều người bệnh cho rằng, đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi, song chính giai đoạn này lại có thể xảy ra những biến chứng nặng. Biến chứng thứ nhất là tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu. Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được điều này mà nó chỉ thể hiện qua các chỉ số xét nghiệm. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ quyết định có phải truyền dịch cho bệnh nhân hay không. Những trường hợp thoát mạch quá nhiều có thể sẽ dẫn tới dấu hiệu cảnh báo trước sốc như: mệt lả, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn... Ở trẻ nhỏ có thể chỉ thấy triệu chứng li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú. Những trường hợp này cần phải đến bệnh viện gần nhất ngay để bù dịch, tránh nguy hiểm tính mạng. Biến chứng thứ hai là xuất huyết do giảm tiểu cầu. Bệnh nhân có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da... Những bệnh nhân này cần đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm đánh giá mức độ giảm tiểu cầu để truyền tiểu cầu nếu cần. Người dân lưu ý, hiện tất cả các cơ sở y tế ở các tuyến đều có khả năng chữa trị được sốt xuất huyết. Vì vậy, bệnh nhân không nhất thiết phải đến tuyến Trung ương gây quá tải, lây nhiễm chéo. Chỉ trong trường hợp bệnh nhân bị sốc, suy tạng, y tế tuyến cơ sở sẽ hồi sức ban đầu và chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến Trung ương bằng xe cứu thương.

Nguyễn Tuệ (thực hiện)
Ý kiến của bạn