Ngày 24/3, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn số 276/KCB-QLCL yêu cầu BV Bạch Mai báo cáo vụ việc bệnh nhân tự tử tại BV này vào ngày 23/3/2015.
Bộ Y tế yêu cầu BV Bạch Mai khẩn trương xác minh thông tin phản ánh; xem xét tìm hiểu nguyên nhân của vụ việc và gửi báo cáo nhanh chi tiết vụ việc về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh ngay trong ngày hôm nay 24/3/2015.
Trước thông tin phản ánh vụ việc một bệnh nhân đang điều trị tại BV Bạch Mai nhảy từ tầng 5 tự tử và đã tử vong lúc 15h30 phút ngày 23/3/2015, TS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của BV cho biết:
Bệnh nhân là nam, 40 tuổi, bị suy thận, suy gan giai đoạn cuối, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bệnh nhân nhập viện trước đó một ngày, điều trị tại khoa Thận tiết niệu của BV. Trước đây, bệnh nhân đã điều trị lâu dài, định kỳ nhiều lần.
Ngay sau sự việc, các bác sĩ đã nhanh chóng đưa BN vào khoa Cấp cứu, tiến hành đánh giá tình trạng bệnh nhân nhưng bệnh nhân đã không còn cơ hội sống. Theo các bác sĩ của khoa Thận tiết niệu, trước thời điểm vụ việc xảy ra, bệnh nhân không hề có dấu hiệu gì bất thường của tâm thần, loạn thần hay động kinh.
Hiện trường vụ việc. Ảnh Dân trí.
TS. Hùng cho biết thêm: “Có không ít trường hợp bệnh nhân điều trị bệnh mạn tính, điều trị tốn kém lâu dài, bản thân họ cũng chịu sự đau đớn của bệnh tật nên đã tự tìm đến cái chết kết liễu cuộc đời mình và họ coi đó là “lối thoát” cho bản thân. Ở một số ít quốc gia, người ta đã ban hành một bộ luật gọi nôm na là Luật “tự chết” nếu gia đình bệnh nhân có đề nghị chấm dứt sự đau đớn cho người bệnh”.
Một số ý kiến cho rằng, với đối tượng bệnh nhân mạn tính cần có quy hoạch bố trí khoa phòng điều trị tầm thấp và nên chăng có đội ngũ bác sĩ tư vấn tâm lý để điều trị cho người bệnh?
D.Hải