Thông tin trên được đưa ra tại cuộc hội chẩn quốc gia điều trị bệnh nhân COVID-19 do Tiểu Ban Điều trị và Tổ hội chẩn điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tổ chức trưa ngày 17/3. Cuộc hội chẩn kết nối từ điểm cầu Trung tâm Trung tâm quản lý điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị COVID-19.
TTND. PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã chủ trì buổi hội chẩn. Điều hành hội chẩn chuyên môn có GS.TS Nguyễn Gia Bình- Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng; GS.TS Nguyễn Văn Kính- Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam; BSCK II Nguyễn Hồng Hà- Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cùng các thành viên Tiểu ban điều trị.
Ba bệnh nhân nặng được hội chẩn là BN1823; BN 2348; BN 1536. Trong đó BN1823 và BN 2348 điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đơi TW Cơ sở 2. BN1536 điều trị tại BV Phổi Đà Nẵng. Ba bệnh nhân này đều đã xét nghiệm âm tính với virus SAR-CoV-2 từ 3-5 lần. Tuy nhiên, do có các bệnh lý nền đi kèm nên các bệnh nhân vẫn được các cơ sở y tế chăm sóc đặc biệt.
Về BN1823 (có tiền sử tăng huyết áp), TS Đồng Phú Khiêm- Phó Trưởng Khoa Điều trị tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 cho biết, hiện bệnh nhân đã điều trị 44 ngày, đã cai ECMO 13 ngày, hiện đang thở máy ngày 36. Hiện tình trạng huyết động của bệnh nhân ổn định, không còn phải dùng thuốc vận mạch, không phù, cân nặng 57kg. Các bác sĩ đang duy trì thuốc an thần, giảm đau cho bệnh nhân.
Hiện bệnh nhân đã xét nghiệm âm tính PCR 4 lần, lần gần nhất là ngày 15/3. Bệnh nhân cũng tiếp tục được duy trì chăm sóc hô hấp, dinh dưỡng, tập vận động phục hồi chức năng và cai dần máy thở.
“Tuy nhiên, BV xin ý kiến hội đồng chuyên môn và đề nghị BV Bạch Mai hỗ trợ chúng tôi trong nội soi đường tiêu hoá cho bệnh nhân”- TS Khiêm nói.
Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia cho rằng cần tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa để để tiếp tục có những đánh giá và điều trị phù hợp. Đồng thời các bác sĩ điều trị theo dõi sát thêm chức năng thở của bệnh nhân để sớm có thể cai dần thở máy cho bệnh nhân này
Trường hợp BN2348, nữ 65 tuổi ở (Chí Linh, Hải Dương) đã có 5 lần xét nghiệm PCR âm tính. Bệnh nhân điều trị 35 ngày (chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới TW điều trị ngày 12/2) trong đó nằm trong phòng hồi sức 33 ngày, tuy nhiên chức năng phổi không cải thiện. Các bác sỹ nghi ngờ bệnh nhân rối loạn miễn dịch, bệnh tự miễn liên quan đến COVID-19.
Với 2 trường hợp bệnh nhân này, GS.TS Nguyễn Gia Bình đề nghị BV Bạch Mai cử cán bộ hỗ trợ bệnh viện làm nội soi tiêu hóa, chẩn đoán hình ảnh đối với BN1823 và chuyên gia về miễn dịch, huyết học để xem xét căn nguyên của BN2348.
Báo cáo từ điểm cầu BV Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ- Phó Giám đốc BV cho biết, BV sẽ trao đổi với bác sĩ điều trị của BV Bệnh Nhiệt đới TW để 2 bên cùng có phương án phối hợp trong điều trị đối với 2 bệnh nhân này.
Đối với BN 1536- đang điều trị tại BV Phổi Đà Nẵng- vốn là bệnh nhân được đánh giá nặng hơn cả BN91- nam phi công người Anh hiện đã có sự phục hồi nhất định. Bệnh nhân này đã liên tục có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ ngày 13/2- 11/3.
Mặc dù vậy bệnh nhân vẫn có tình trạng yếu cơ của bệnh nhân nặng nằm lâu, còn huyết khối. Các chuyên gia đánh giá cao nỗ lực và công tác chăm sóc của BV Phổi Đà Nẵng và BVĐK Đà Nẵng trong việc phối hợp điều trị bệnh nhân nặng này.
Tuy nhiên, do bệnh nhân này có các bệnh lý nền đi kèm vì vậy, dù bệnh nhân đã ngưng ECMO nhiều ngày, nhưng hiện các bác sĩ vẫn theo sát bệnh nhân về chức năng thở, bệnh nhân vẫn đang thở máy ngắt quãng kết hợp tập tự thở khí phòng; các chỉ số chức năng khác của bệnh nhân cũng cần được điều chỉnh từng chút một, đối với dinh dưỡng và phục hồi chức năng. Hiện gia đình bệnh nhân cũng mong muốn bệnh nhân được chuyển về TP Hồ Chí Minh để tiện cho gia đình chăm sóc và điều trị bệnh nền.