Bệnh nhân Đ.V.B, nam, 34 tuổi (quê Vĩnh Phúc) được Bệnh viện đa khoa khu vực (BVĐKKV) Phúc Yên chuyển tới Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai lúc 15h30 ngày 4/9/2016 với chẩn đoán “Hôn mê sau ngừng tuần hoàn”. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh.
Trước đó, khoảng 11h cùng ngày, bệnh nhân đột ngột mất ý thức, được gia đình đưa vào Khoa Cấp cứu, BVĐKKV Phúc Yên trong tình trạng ngừng tuần hoàn: hôn mê sâu (GCS 3 điểm), tím toàn thân, ngừng thở, mạch bẹn mất. Ngay lập tức, BS. Nguyễn Đức Tuấn và nhân viên y tế trong tua trực đã tiến hành cấp cứu: bóp bóng oxy qua mask, ép tim ngoài lồng ngực, và lắp máy theo dõi thấy hình ảnh điện tâm đồ là rung thất. Bệnh nhân được hồi sinh tim phổi liên tục trong vòng 30 phút, được sốc điện 14 lần và sử dụng các thuốc cấp cứu như adrenalin, atropin, lidocain, và dịch natribicarbonate 1,4%... thì mới xóa được rung thất và tái lập lại tuần hoàn.
Sau khi tim đập lại, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, truyền thuốc adrenalin và dobutamin khoảng 10 phút thì có huyết áp (140/70 mmHg), ý thức cải thiện (GCS 6 điểm), đồng tử mắt hai bên còn tốt (kích thước 2 mm, đều hai bên và còn phản xạ với ánh sáng). Bên cạnh đó, hiện nay BS. Nguyễn Đức Tuấn là học viên chuyên khoa I thuộc chuyên ngành Hồi sức cấp cứu (Trường Đại học Y Hà Nội) đang theo học tại Khoa Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), do vậy bác sĩ có biết về kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu đã được áp dụng thành công trong điều trị bệnh nhân hôn mê sau ngừng tuần hoàn. Không do dự, BS. Tuấn đã gọi điện liên hệ với các bác sĩ trực tại Khoa Cấp cứu A9 (BS. Lương Quốc Chính và BS. Vũ Tưởng Lân) để hội chẩn và liên hệ chuyển bệnh nhân lên.
ThS.BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9 cho biết: Đến khoảng 15h30, ngày 4/9/2016 bệnh nhân được chuyển tới Khoa Cấp cứu A9 trong tình trạng: hôn mê (GCS 6 điểm), được bóp bóng Ambu có oxy qua ống nội khí quản, mạch nhanh (140 lần/phút), huyết áp thấp (90/60 mmHg), oxy máu mao mạch tốt (SpO2: 95%), đồng tử hai bên còn tốt (kích thước 2 mm, đều hai bên, phản xạ tốt với ánh sáng), không có liệt thần kinh khu trú, đang được truyền tĩnh mạch hai thuốc trợ tim và co mạch (dobutamin và adrenalin).
Bệnh nhân B. được kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu (33 độ C). Sau 24 giờ, máy sẽ làm ấm bệnh nhân theo chương trình rất chặt chẽ nâng dần nhiệt độ bệnh nhân 0,25 độ/giờ cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường (37 độ C).
Nhận thấy đây là trường hợp hôn mê sau ngừng tuần hoàn vẫn còn khả năng hồi phục nếu được hồi sức tích cực và áp dụng kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu (33 độ C), các bác sĩ trong tua trực tại Khoa Cấp cứu A9 đã gọi điện hội chẩn với hai chuyên gia của khoa về lĩnh vực này (BS. Nguyễn Hữu Quân và BS. Nguyễn Tuấn Đạt). Sau khi hội chẩn và xin ý kiến lãnh đạo khoa, một ê-kip cấp cứu do BS. Nguyễn Tuấn Đạt phụ trách đã được huy động để vào triển khai kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu (33 độ C) cho bệnh nhân này.
Sau 24 giờ được hồi sức tích cực và áp dụng kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu (33 độ C) tại Khoa Cấp cứu A9, ngày hôm qua bệnh nhân đã được làm ấm dần trở lại. Đến sáng hôm nay (7/9/2016), bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, được rút ống nội khí quản và thở oxy qua kính mũi. Bệnh nhân có thể nói chuyện được, ăn uống bằng đường miệng được, và chỉ một đến hai ngày nữa bệnh nhân sẽ được chuyển khám chuyên khoa hoặc chuyển tuyến dưới điều trị tiếp hoặc ra viện.
Ngừng tim 3 phút không cấp cứu kịp thời dễ tử vong
Theo ThS. Chính, ngừng tim (còn gọi là ngừng tuần hoàn) là hậu quả của biến chứng ở rất nhiều bệnh (ngạt và thiếu oxy ở trẻ sơ sinh, chấn thương sọ não đụng giập lan toả, đột quỵ thiếu máu lớn, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, suy hô hấp…). Tình huống xảy ra có thể gặp mọi lúc, mọi nơi như ở người đang làm đồng, đang tập thể dục buổi sáng hoặc đang làm việc, ở sân vận động, trong bệnh viện… Người bình thường đột nhiên hoàn toàn mất ý thức, dẫn đến hôn mê luôn, khi mạch không đập, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân B.
ThS. Chính cho hay, về mặt lý thuyết, việc ngừng tim chỉ 3 phút mà không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Với bệnh nhân bị ngừng tim, dù cấp cứu ngừng tim thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch huyết áp thì tỉ lệ sống sót cũng chỉ dưới 10% (ngay cả những nước có hệ thống y tế hiện đại). Còn ở Việt Nam, tỉ lệ cứu sống bệnh nhân ngừng tim ngoài cộng đồng thấp hơn rất nhiều (cơ hôi cứu sống có thể chỉ từ 1-2%). Nguyên nhân bởi vì trong khi ngừng tim, não không có máu nuôi dưỡng bị tổn thương nặng nề. Các phản ứng có hại do thiếu máu não gây ra tiếp tục gây huỷ hoại tế bào não mặc dù đã phục hồi được máu lên não. Hậu quả là não sẽ bị phù nề, viêm, và hoại tử dẫn tới chết não và tử vong.
Sau khi bị ngừng tim, bệnh nhân đã được cấp cứu thành công, tim đã đập trở lại, có mạch và huyết áp mà bệnh nhân vẫn không tỉnh ra. Người ta sẽ tiến hành các biện pháp làm hạ nhiệt độ cơ thể bệnh nhân. Các biện pháp thông thường như chườm đá, truyền nước lạnh có thể áp dụng tuy nhiên biện pháp này sẽ không kiểm soát được nhiệt độ một cách chính xác nên hiệu quả rất hạn chế. Ví dụ tốc độ làm lạnh và tốc độ làm ấm bệnh nhân là cực kỳ quan trọng mà chúng ta không thể làm bằng phương pháp thông thường phải làm bằng máy để kiểm soát thân nhiệt.
“Tại Khoa Cấp cứu A9 các bác sĩ đã sử dụng một ống thông đưa vào mạch máu của bệnh nhân và từ đó tiến hành kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu (33 độ C). Thông thường quá trình điều trị sẽ đưa nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân xuống 33 độ (ở người bình thường 36,5 - 37 độ). Sau đó máu sẽ duy trì ở nhiệt độ này trong vòng 24 giờ để hỗ trợ tế bào não hồi phục. Sau 24 giờ, máy sẽ làm ấm bệnh nhân theo chương trình rất chặt chẽ nâng dần nhiệt độ bệnh nhân 0,25 độ/giờ cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường. Khi nhiệt độ bệnh nhân hạ xuống, não sẽ bớt phù hơn, bớt viêm và tưới máu não, cung cấp oxy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não từ đó các tế bào não sẽ hồi phục rất ngoạn mục”- ThS. Chính phân tích.