Hà Nội

BV Bạch Mai, BV ĐH Y Hà Nội nói gì về thông tin "độc quyền taxi, chặt chém người bệnh"?

27-10-2017 17:40 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chiều 27/10, một số bệnh viện đã trao đổi với báo chí làm rõ ý kiến chỉ đạo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ngày 26/10 về phản ánh “hãng Taxi ký hợp đồng độc quyền với các bệnh viện “Ép khách trả tiền theo giá thỏa thuận” đang được dư luận quan tâm

Bệnh viện Bạch Mai: Không có chuyện hãng taxi phải chi 100 triệu đồng/tháng để độc quyền đỗ xe

Tại buổi trao đổi với báo chí về vấn đề này của Bệnh viện Bạch Mai, goài đại diện ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, các phòng ban liên quan còn có đại diện Phòng cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội, công an phường Phương mai và đại diện hai hãng taxi Mai Linh, Việt Thanh.

Tại buổi trao đổi, ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng hơn 6.000 bệnh nhân ngoại trú, hơn 4.000 bệnh nhân nội trú, kèm theo đó là hàng nghìn người nhà đi kèm, hơn 3.000 cán bộ công nhân viên, 2.000 học sinh, sinh viên đến học tập.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền (đứng)- Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định không có chuyện hãng taxi phải chi trả 100 triệu để được độc quyền đỗ xe tại Bệnh viện này

“Với số lượng hàng vạn người một ngày, điều phối mạng lưới giao thông trong viện đáp ứng được yêu cầu của người bệnh và hoạt động chuyên môn là vấn đề được quan tâm hàng đầu, nhưng cũng là điều khó khăn. Nhiều năm trước đây từng xảy ra tình trạng taxi dù, taxi cỏ, tranh giành khách, lừa đảo khách. Bệnh viện Bạch Mai đã tìm mọi cách để giải quyết vấn đề hạn chế để người dân bị bắt chẹt, lừa đảo… “- ông Hiền thông tin

Trước câu hỏi, vì sao chỉ ký kết với hai hãng taxi là Mai Linh và Việt Thanh, ông Hiền cho biết nếu mở cửa cho các taxi thì sẽ gây nên tình trạng ùn tắc, không thể kiểm soát được. Bệnh viện ký kết với hai hãng taxi là Mai Linh và Việt Thanh vì đây là hai đơn vị vận tải có nhiều năm kinh nghiệm và họ có cam kết bảo đảm chất lượng phục vụ người bệnh, cam kết công khai bảng giá, có điều phối viên thường trực điều xe theo quy định; cam kết phục vụ mọi đối tượng…

“Hai đơn vị này cũng cam kết, nếu có chèn ép, tăng giá, đi lòng vòng, thái độ phục vụ không tốt mà người dân phản ánh đến Ban lãnh đạo Bệnh viện thì sau ba lần bị phạt, sẽ chấm dứt ký hợp đồng vận chuyển. Tuy nhiên, đến giờ chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào của người dân về vấn đề này” – ông Hiền cho hay.

Không chỉ có cam kết, ông Hiền cho biết, Bệnh viện Bạch Mai có hệ thống giám sát. Theo đó, Bệnh viện cho giao đơn vị dịch vụ, bảo vệ thường xuyên giám sát đội ngũ taxi. Đến giờ phút này, hai hãng taxi chưa bị người dân nào phản ánh tới ban giám đốc có bằng chứng.

Trả lời câu hỏi liên quan đến thông tin trên một số phương tiện truyền thông phải ánh, cái “giá” để 1 hãng taxi được đỗ đón khách trong viện là 100 triệu đồng, nếu 2 hãng thì giá còn 40 triệu/hãng, ông Nguyễn Ngọc Hiền khẳng định, đây là thông tin không chính xác.

Theo ký kết, hai hãng taxi sẽ có hai xe đỗ thường trực tại hai cổng Bạch Mai và Phương Mai để đón khách. Mỗii tháng, hai hãng taxi này nộp chi phí là 6 triệu đồng/tháng. Đồng thời, hai hãng cũng hỗ trợ xe điện để phục vụ vận chuyển bệnh nhân trong khuôn viên bệnh viện. TS Dương Đức Hùng – Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết, số tiền 6 triệu đồng/tháng được nộp vào Quỹ hỗ trợ người nghèo chứ bệnh viện không hề hưởng lợi ích gì trong số tiền đóng này của hai hãng taxi. “Mỗi năm, Quỹ hỗ trợ người nghèo hỗ trợ lên tới cả 10 tỷ đồng cho nhiều trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Mục đích của chúng tôi đặt việc phục vụ bệnh nhân lên trên hết chứ không tạo nguồn thu gì từ việc này” – ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, con số 6 triệu/tháng này tính ra bằng đúng con số mà Bộ Tài chính quy định là 100.000 đồng/ngày/xe đỗ trong bệnh viện. Nếu tăng giá đối với hai hãng taxi này, thì giá sẽ lại lấy từ túi người bệnh. Tình trạng taxi nán lại đỗ để đón khách vẫn thường xuyên gây ách tắc giao thông tại hai cổng Bệnh viện Bạch Mai. Tình trạng lái xe taxi phản ứng chém bảo vệ vì bị nhắc nhở cũng đã xảy ra nhiều lần. Bệnh viện Bạch Mai phải nhờ tới sự hỗ trợ của công an giao thông và công an phường Đồng Tâm, Phương Mai để duy trì trật tự an toàn giao thông ở hai điểm nóng này.

Taxi Mai Linh- một trong hai hãng taxi được vận chuyển người bệnh/người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai

Ông Hiền khẳng định thêm: “Chúng tôi không có định hướng ép bệnh nhân sử dụng dịch vụ này. Người sử dụng dịch vụ được quyền chọn taxi khác nhau vì chỗ đỗ của hai hãng taxi và taxi ngoài cổng viện chỉ cách nhau có 5m. Nếu người dân cảm thấy không ưng hãng taxi này, họ có quyền lựa chọn taxi khác. Bệnh viện cấm taxi vào trong khuôn viên nhưng luôn mở cửa cho các phương tiện chở người đi cấp cứu để bảo đảm tính mạng con người là trên hết”

Tại buổi gặp mặt, đại diện hãng taxi Mai Linh cũng khẳng định quan điểm phục vụ bệnh nhân là ý chí của hãng và coi trọng chất lượng phục vụ lên hàng đầu. Trung bình mỗi ngày, hãng taxi Mai Linh vận chuyển khoảng 50-70 chuyến phục vụ người bệnh.

Được biết tới đây, Bệnh viện Bạch Mai sẽ tăng cường đầu tư hơn nữa các phương tiện vận chuyển như xe điện để phục vụ miễn phí các ca bệnh nặng không thể tự di chuyển để bảo đảm cho việc khám, chữa bệnh nhanh nhất

Bệnh viện ĐH Y Hà Nội dùng 40 triệu/tháng của hãng taxi được đỗ xe cho việc gì?

Cũng là một trong 6 bệnh viện "được" Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vấn đề "độc quyền taxi, chặt chém người bệnh", chiều ngày 27/10, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Phạm Đức Huấn- Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, về dịch vụ vận chuyển taxi cho người bệnh, Bệnh viện không đặt ra vấn đề lợi nhuận mà chủ trương chính là đảm bảo phục vụ thuận tiện cho người bệnh, người nhà bệnh nhân. Hiện Bệnh viện đang ký hợp đồng với hãng taxi ABC để thực hiện dịch vụ vận chuyển người bệnh, người nhà bệnh nhân với cam kết không được gây khó khăn, nhũng nhiễu người bệnh, người nhà bệnh nhân. Theo đó, nếu Bệnh viện nhận được phàn nàn của người bệnh, người nhà bệnh nhân về vấn đề vận chuyển taxi thì Bệnh viện sẽ cắt hợp đồng ngay.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến thông tin hãng taxi ABC phải trả 40 triệu để được độc quyền xếp lốt 2 xe tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, PGS.TS Phạm Đức Huấn cho biết, số tiền này bộ phận phụ trách công tác tài chính của Bệnh viện điều tiết để chia sẻ, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, bệnh nhân khó khăn; tổ chức các hoạt động từ thiện của bệnh viện và chi trả cho tổ điều hành 2 chiếc xe điện vận chuyển bệnh nhân miễn phí.

"Chúng tôi không đặt vấn đề lợi nhuận hay vì số tiền này mà cho một hãng taxi độc quyền bởi thực tế khuôn viên của Bệnh viện quá chật không thể để cho nhiều hãng taxi cùng hoạt động, hoặc nếu không cho taxi hoạt động trong khuôn viên Bệnh viện thì người bệnh sẽ thêm phần vất vả vì dễ bị gặp khó khăn do có thể bị các taxi chặt chém, nhũng nhiễu... Chúng tôi ký hợp đồng với hãng taxi ABC và có giám sát"- ông Phạm Đức Huấn nói.

Lãnh đạo Bệnh viện ĐH Y Hà Nội khẳng định bệnh viện này không độc quyền taxi để gây khó khăn cho người bệnh

Ông Huấn cũng khẳng định, tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội không có sự độc quyền taxi để gây khó khăn cho người bệnh/người nhà bệnh nhân thể hiện ở chỗ, ngoài taxi ABC đỗ trong khuôn viên, nếu người bệnh/người nhà bệnh nhân không muốn đi hãng đó, thì có thể gọi hãng khác đến đón và xe của các hãng đó hoàn toàn được vào đón khách.

Cũng theo ông Huấn, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đang tính đến 2 phương án, một là có thể tiếp tục duy trì 1 hãng taxi thực hiện dịch vụ vận chuyển cho bệnh nhân/ người nhà bệnh nhân như hiện nay hoặc là sẽ cho thêm một hãng taxi nữa vào song song hoạt động. Tuy nhiên, dù một hãng hay hai hãng, khuôn viên của Bệnh viện cũng chỉ cho 2 xe taxi dừng đỗ để đón khách và đều phải đảm đảm được những yêu cầu mà Bệnh viện đưa ra mới được hoạt động.


Thái Bình
Ý kiến của bạn