Búp bê Sao Mai: Nơi “giữ hồn” 54 dân tộc

05-04-2014 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Những con búp bê xinh xắn trong những bộ trang phục truyền thống tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam không chỉ là thành quả mà còn là ý chí, khát khao sống của những người khuyết tật ở Trung tâm Búp bê dân tộc Sao Mai

Những con búp bê xinh xắn trong những bộ trang phục truyền thống tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam không chỉ là thành quả mà còn là ý chí, khát khao sống của những người khuyết tật ở Trung tâm Búp bê dân tộc Sao Mai (Long Biên - Hà Nội).

 

Những mẫu sản phẩm búp bê dân tộc của trung tâm. Ảnh : Việt Cường

Những mẫu sản phẩm búp bê dân tộc của trung tâm. Ảnh : Việt Cường

Những “đôi tay nghệ thuật” không lành lặn

“Chắc chắn nhà báo sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những con búp bê dân tộc vô cùng đẹp và đầy tính nghệ thuật”, tôi đã được nghe giới thiệu như vậy về trung tâm. Và chỉ khi được trực tiếp đến trung tâm, gặp Giám đốc Khánh Ngọc, bắt gặp hình ảnh gần 20 người khuyết tật đang ngồi làm việc quây quần trong một cái xưởng nhỏ rộng chừng hơn chục mét vuông, tôi mới hiểu có cái gì đó nhiều hơn một sản phẩm mỹ nghệ.

Có thể nói, chưa bao giờ chúng tôi được nhìn thấy một cách đầy đủ nhất trang phục truyền thống của cả 54 dân tộc được mô phỏng trên những con búp bê sinh động, độc đáo và đầy tinh tế như thế này tại Trung tâm búp bê dân tộc Sao Mai. Độc đáo, tinh tế, bắt mắt là vậy nhưng có lẽ điều khiến những con búp bê này trở nên đặc biệt nhất chính bởi nó được tạo nên từ bàn tay của những em khuyết tật. Mỗi con búp bê được làm ra, gửi gắm trong đó là bao ước mơ của các em về cuộc sống.

Chúng tôi đến thăm trung tâm vào ngày làm việc. Bởi vậy, trong căn phòng nhỏ được gọi là xưởng may vá của trung tâm, các em đều đang chăm chú vào công việc mình được giao làm: em thì khâu áo, em khâu giày, em thì vẽ mặt cho búp bê... Trong các em, có người thì liệt cả hai chân, người thì bị thiểu năng trí tuệ, người thì do nhiễm chất độc da cam, cơ thể phát triển không giống người bình thường, người bị câm, người bị điếc... Thế nhưng, không khí lao động, mức độ hăng say trong công việc và niềm vui rất hồn nhiên mỗi khi hoàn thiện được một con búp bê khiến những ai chứng kiến cũng vô cùng xúc động.

 

Cô Ngọc dần cũng quen và đọc được những cử chỉ của các em khuyết tật tại Trung tâm. Ảnh : Việt Cường

Cô Ngọc dần cũng quen và đọc được những cử chỉ của các em khuyết tật tại Trung tâm. Ảnh : Việt Cường

Cô Ngọc tiếp lời khi thấy chúng tôi cứ chăm chú nhìn các em khâu vá từng bộ phận của con búp bê: “Chúng nó hay và hồn nhiên lắm. Làm ra được con búp bê nào thấy đẹp là cứ thích làm suốt không nghỉ, còn con nào làm ra chưa ưng í là nản ngay, thể hiện ngay sự giận dỗi, bực tức như một đứa trẻ con vậy. Bởi vậy, nhiều khi cũng phải chiều theo những sự nũng nịu đó”. Và cũng vì là các em khuyết tật bẩm sinh nên sức khỏe các em cũng không được ổn định. Có những lúc trung tâm đông đến 20 - 30 em, nhưng có thời gian các em nghỉ ốm, cũng chỉ còn được khoảng chục em.

Rồi cô Ngọc giới thiệu tiếp với chúng tôi các thành viên trong trung tâm. Em Lê Thi Huyền (32 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) bị liệt cả hai chân, không đi lại được. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến năng suất lao động của em. Huyền đã làm ở trung tâm được 5 năm và được đánh giá là một người có đôi bàn tay rất khéo léo, làm rất tốt, rất chịu khó mà lại rất ngoan nữa. Rồi em Cầm Tú (18 tuổi) cũng đến từ Hà Tĩnh, bị câm; em Thơm (26 tuổi) cũng bị câm điếc...

Bởi vậy, nhiều khi trung tâm có đến gần 20 em ngồi làm việc nhưng tất cả đều rất yên lặng, ít khi có những tiếng cười nói bởi các em đa phần giao tiếp với nhau bằng cử chỉ, ra hiệu. Và để giúp các em nhận biết dễ dàng nhất, không bị nhầm lẫn đến gần trăm mẫu búp bê dân tộc, cô Ngọc đã tận dụng những chiếc thùng đựng mỳ tôm và ghi rất to, rõ ràng trên đó tên của từng dân tộc. Thùng đựng nguyên liệu của búp bê to thì ghi chữ in hoa, còn thùng đựng nguyên liệu của búp bê bé thì ghi chữ thường. Tất cả mọi thứ đều được đơn giản hóa để các em dễ nhận biết và phân biệt.

Những con búp bê của Trung tâm Sao Mai dường như đều mang trong đó cái hồn riêng của từng dân tộc. Nhờ sự khổ luyện của các em và sự kiên trì của cô Ngọc, hiện nay, các em đều nhận biết để vẽ được những hình thái riêng của từng dân tộc; Có dân tộc mắt to, có dân tộc mắt bé; Có khi hai mẹ con đi với nhau thì phải vẽ nét mặt vui vẻ, trò chuyện; Mắt lim dim khi mẹ ru con... Tất cả những chi tiết đó, cô Ngọc đều dạy cho các em hết. “Và làm nhiều, giờ đây, các em đều rất thạo, cô dường như chỉ nghiệm thu thôi chứ không phải làm công đoạn nào nữa”, cô Ngọc vui vẻ cho biết.

Để tổ chức được một “xưởng sản xuất” thu nhỏ mà tại đó công nhân đều là những người không được bình thường như thế này, cô Khánh Ngọc - Giám đốc Trung tâm, một người phụ nữ tuổi đã ngoài lục tuần nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn. Đặc biệt, có một điều khi ai tiếp xúc với cô cũng nhận ra - đó là sự tâm huyết của người phụ nữ này với những người khuyết tật, với những con búp bê dân tộc đầy tính nhân văn này.

 

Các em đang trang trí cho búp bê dân tộc.  Ảnh: Việt Cường

Các em đang trang trí cho búp bê dân tộc. Ảnh: Việt Cường

Hơn chục năm chèo lái con thuyền được coi như là ngôi nhà thứ hai của gần 20 người khuyết tật, nếu không tâm huyết với văn hóa dân tộc, không tâm huyết với những mảnh đời bất hạnh thì có lẽ người phụ nữ này đã không thể trải qua những giai đoạn khó khăn, vất vả nhất. Cô Ngọc chia sẻ với chúng tôi: “Thời gian đầu vất vả lắm cháu ạ. Cô bận tối mặt với công việc thiết kế, nhưng vẫn phải chỉ bảo cho từng em khi vào trung tâm từ cách ăn ở, sinh hoạt đến những công đoạn thô sơ nhất của việc làm những con búp bê”.

Khi nhận các em vào đây, cô Ngọc chỉ cần bàn tay và đôi mắt của các em còn lành lặn, còn tất cả những khuyết tật khác trên cơ thể các em đều không quan trọng. Bởi vậy mà có những em bị liệt cả hai chân, không tự đi lại được nhưng cô Ngọc vẫn nhận. “Các em vẫn còn tay và mắt để làm thì hãy để các em được làm việc kiếm sống, tự nuôi bản thân. Mình không có quyền tước đi quyền được làm việc của các em. Khi nhận vào trung tâm, tùy vào mức độ nặng nhẹ của các em mà phân việc”, cô Ngọc tâm sự.

Chắp cánh ước mơ

Nói về Trung tâm Sao Mai, đây là niềm tự hào, là ngôi nhà thứ hai của cô Ngọc và hơn 20 em khuyết tật. Những sản phẩm búp bê dân tộc của trung tâm không chỉ được người Việt biết đến mà nó đã trở thành một món quà không thể thiếu với mỗi du khách nước ngoài thích văn hóa truyền thống khi sang Việt Nam du lịch.

Ngoài những khách sạn 5 sao lớn ở Hà Nội như: Metropole; Horizon... và các cửa hàng trong phố cổ chuyên bán đồ lưu niệm cho khách nước ngoài sử dụng những sản phẩm của trung tâm, Trung tâm Sao Mai còn được bạn bè quốc tế biết đến khi phóng sự về trung tâm một vài năm trước đã được đài truyền hình uy tín của Mỹ CNN phát trên toàn thế giới. Bởi vậy, những hợp đồng làm thêm của trung tâm do nước ngoài đặt, cụ thể là hợp đồng làm búp bê dân tộc của Đan Mạch mà trung tâm nhận được đã phần nào đem lại thu nhập cũng như công ăn việc làm một cách đều đặn cho các em khuyết tật trong trung tâm. Mỗi hợp đồng nhận làm này, trung tâm phải làm kéo dài trong 6 tháng.

Nói về những dự định sắp tới của trung tâm, cô Ngọc cho biết: “Tôi muốn làm càng nhiều càng tốt về các giá trị văn hóa khác của Việt Nam như: Nhã nhạc cung đình Huế; ca trù; quan họ Bắc Ninh; cồng chiêng Tây Nguyên; các nhạc cụ dân tộc..., các nhân vật lịch sử của dân tộc bởi những con búp bê của trung tâm làm ra không đủ để cung cấp. Điều đó chứng tỏ các giá trị văn hóa của mình vẫn rất được ưa chuộng nhưng mình phải làm thật, làm bằng cái tâm”.

Với mục tiêu của trung tâm là vừa bảo tồn văn hóa vừa tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, cô Ngọc đã làm được hơn thế rất nhiều. Nhờ cô và những đôi bàn tay nghệ thuật của những em khuyết tật trong trung tâm, giờ đây, trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt đã được bạn bè quốc tế biết đến. Và quan trọng hơn thế nữa - đó là các em khuyết tật của trung tâm đã có thể tự lao động để nuôi sống bản thân, vừa giúp giảm nhẹ gánh nặng cho xã hội vừa giúp các em khuyết tật tự tin hơn khi đối diện với cuộc sống. 

Dạ Miêu


Ý kiến của bạn