(SKDS) - Con tôi có một đám đỏ sần sùi ở vùng cổ, đi khám bác sĩ nói bị bướu máu. Xin hỏi, bệnh này có nguy hiểm không? Cách điều trị như thế nào?
Hoàng Thị Duyên(Thái Bình)
Bướu máu thường thấy sau 7 - 10 ngày khi trẻ ra đời, là một loại bướu lành, được tạo nên bởi các tế bào lót trong mạch máu (gọi là tế bào nội mô): các tế bào này sinh sản nhanh chóng một cách bất thường tạo nên bướu máu. Bướu máu thường gặp nhất ở trẻ dưới 1 tuổi. Bé gái có bướu máu nhiều gấp 3 - 5 lần bé trai. Trẻ sinh non thường có bướu máu nhiều hơn.
Phần lớn bướu máu (60%) xuất hiện ở vùng đầu - mặt - cổ, 25% ở thân mình, 15% ở tay, chân của trẻ. Đa số trường hợp (80%) bướu máu chỉ xuất hiện ở 1 điểm, 20% có ở nhiều nơi. Tuyệt đại đa số các trường hợp bướu máu chỉ ở ngoài da hoặc mô mỡ dưới da, nhưng cũng vài trường hợp trong năm ghi nhận có bướu máu ở nội tạng như gan, phổi, ruột… thậm chí cả ở não.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Thường thì bướu máu to nhanh từ khi trẻ được 2,5 tháng tuổi cho đến 9 tháng tuổi. Sau đó phát triển chậm dần và bắt đầu đi vào thời kỳ thoái hóa, chuyển dần thành bướu sợi - mỡ hoặc hòa lẫn vào mô mỡ bình thường. Sự thoái hóa được 50% khi trẻ khoảng 5 tuổi, 70% khi trẻ 7 tuổi, kết thúc khi trẻ 10 - 12 tuổi.
Do đây là bướu lành và sẽ suy thoái khi trẻ lớn nên hầu như không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Việc điều trị bướu máu cũng chỉ áp dụng khi vị trí của bướu máu gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của trẻ hoặc bướu quá to. Tốt nhất, bạn hãy đưa con đi khám chuyên khoa nhi để được tư vấn và điều trị sớm.
ThS. Thanh Lâm