Cháu tôi sinh ra đã có một vết màu đỏ bằng đầu ngón tay cái ở vùng lưng, trông như vết bớt. Vết màu đỏ đó hơi nổi trên da. Càng ngày vết đỏ đó càng to lên và nổi hơn. Xin hỏi, vết màu đỏ đó là gì? Có nên đưa cháu đi khám không vì cháu vẫn ăn ngủ bình thường?
Nguyễn Văn Trường (Thái Bình)
Theo như mô tả, thì vết màu đỏ của cháu rất có khả năng là bướu máu, một dạng bướu thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi. Bướu máu được tạo thành từ các tế bào lót trong các mạch máu, còn gọi là tế bào nội mô. Do các tế bào này sinh sản nhanh chóng một cách bất thường nên tạo ra bướu máu. Bướu máu thường nằm ở vùng đầu, mặt, cổ là nhiều nhất. Hầu hết các trường hợp bướu máu chỉ ở ngoài da hoặc mô mỡ dưới da. Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp bướu máu nằm ở nội tạng như: gan, phổi, ruột..., thậm chí cả ở não. Bướu máu không phải là bệnh di truyền, nó không liên quan gì đến bệnh tật, thuốc men hay thức ăn của bà mẹ trong lúc mang thai. Đến nay vẫn chưa xác định rõ ràng được nguyên nhân xuất hiện bướu máu. Thường bướu máu lớn dần sau khi xuất hiện và thời điểm trẻ từ trên 2 tháng tuổi đến 9 tháng bướu lớn rất nhanh, đây là giai đoạn tăng trưởng của bướu. Sau đó, bướu phát triển chậm dần và bắt đầu đi vào thời kỳ thoái hóa, diễn ra rất chậm, bướu sẽ chuyển dần thành bướu sợi, mỡ hoặc hòa lẫn vào mô mỡ bình thường. Sự thoái hóa được 50% khi trẻ khoảng 5 tuổi, 70% khi trẻ 7 tuổi, kết thúc khi trẻ 10-12 tuổi. Đa số bướu máu là lành tính nên không nguy hiểm, vì thế gia đình không nên lo lắng quá. Cần đưa trẻ đi khám. Tùy theo vị trí, diễn tiến của bướu máu mà bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị thích hợp.
ThS. Thanh Lâm