Bướu giáp có nên mổ không?

07-04-2020 15:03 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Trong thăm khám hàng ngày đây là câu hỏi rất hay gặp và nhiều bệnh nhân đôi khi chưa được tham vấn kỹ đã vội vàng quyết định xin mổ bướu giáp. Trong thực tế nhiều bệnh nhân không nhất thiết phải mổ, vì vậy những thông tin sau đây giúp bệnh nhân có thể tự đưa ra quyết định là có nên mổ hay không.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ  khuyến cáo bệnh nhân nếu có bướu cổ hay còn gọi là bướu giáp thì nên được thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Nội Tiết, vì chỉ có bác sĩ chuyên khoa nội tiết mới có thể tham vấn cho bệnh nhân một cách tối ưu nhất.

Nội dung trong bài này đề cập đến  bướu bình giáp (xét nghiệm chức năng tuyến giáp TSH, FT4 bình thường) có nhân hay không có nhân trên siêu âm chẩn đoán. Còn bướu giáp có chức năng thay đổi còn gọi là cường giáp hay suy giáp (có sự tăng hay giảm TSH, FT4) và bướu giáp chìm ( bướu giáp thòng ) sẽ trình bày trong những bài viết khác.

Bướu bình giáp được chia làm 2 loại:

Bướu giáp nhân: siêu âm có một (bướu giáp đơn nhân) hay nhiều nhân (bướu giáp đa nhân) với kích thước khác nhau, kích thước của nhân giáp được xác định bằng siêu âm. Một số trường hợp kích thước bướu giáp không to ra, chỉ có thay đổi mô giáp bên trong, nên chỉ có thể xác định nhân giáp trên siêu âm.

Bướu giáp không nhân: không có nhân trên siêu âm chỉ có thể tích tuyến giáp to ra, kích thước to này có thể nhìn thấy bằng mắt thường hay siêu âm.

Tại sao phải phân ra là bướu nhân hay không nhân, vì xử trí là có khác nhau.

Khi nào có chỉ định mổ bướu giáp?

Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ có chỉ định cụ thể, thông thường những bệnh nhân sau sẽ được chỉ định mổ bướu giáp:

Bướu giáp nhân, mà nhân này chẩn đoán xác định là nhân ác tính (ung thư). Chẩn đoán nhân ác tính bằng sinh thiết.

Bướu giáp nhân, mà kết quả sinh thiết không ác tính nhưng nghi ngờ ác tính (tế bào học hay trên siêu âm).

Bướu giáp nhân mà tiền sử gia đình trực hệ có người bị ung thư (K) giáp.

Bướu giáp đủ lớn gây chèn ép, gây triệu chứng cho bệnh nhân: Triệu chứng gây ra do bướu giáp chứ không phải bệnh nhân bị viêm họng,  đau cột sống cổ, bị trào ngược,  vv,... rồi vô tình đi khám có bướu cổ rồi qui kết triệu chứng đó là do bướu cổ và nghĩ là phải mổ

Vấn đề thẩm mỹ (mong muốn của bệnh nhân).

Như vậy, nếu như bệnh nhân không rơi vào những chỉ định trên thì việc bệnh nhân quyết định mổ là thật sự không nên. Riêng chỉ định mổ phục vụ cho vấn đề thẩm mỹ đứng về góc độ chuyên môn chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân nên cân nhắc.

Các biến chứng có thể xảy ra khi mổ bướu giáp

Chảy máu vùng cổ, có thể gây bướu máu

Nhiễm trùng

Thay đổi giọng nói (khàn tiếng) do tổn thương thần kinh quặt ngược thanh quản, tổn thương này có thể do viêm, do mô giáp chèn, do thiếu máu nuôi, có thể phục hồi trong vòng 6 tháng. Nếu trên 6 tháng vẫn chưa phục hồi rất có thể tổn thương vĩnh viễn.

Suy tuyến cận giáp gây ra các triệu chứng của hạ canxi máu (tê mặt, miệng, tứ chi, co cơ,...). Hạ canxi máu này do tổn thương 4 tuyến cận giáp (chức năng điều hòa canxi máu) có thể tạm thời do thiếu máu nuôi hay vĩnh viễn do cắt mất 4 tuyến cận giáp. Khi hạ canxi máu có triệu chứng, bệnh nhân nên được đưa đến bệnh viện ngay để bác sĩ xử trí kịp thời.

Suy giáp: Là biến chứng hay gặp nhất, nếu bị cắt hoàn toàn hay gần hoàn toàn tuyến giáp thì việc bị suy giáp vĩnh viễn là điều khó tránh khỏi (vì đã mất hết mô giáp). Với biến chứng này, bệnh nhân có thể sẽ dùng thuốc hormon giáp đến suốt đời.

Như đã phân tích trên, việc mổ hay không mổ đã có chỉ định cụ thể và rõ ràng. Từ đó, bệnh nhân có thể tự đưa ra được quyết định của mình.


BS. CK1. Trương Đức An
Ý kiến của bạn