Tuyến giáp là tuyến nội tiết có hình giống con bướm nằm ở cổ, phía dưới yết hầu. Bệnh bướu cổ sẽ làm tuyến giáp tăng kích thước và tuyến giáp có thể phát triển lớn hơn hoặc tạo ra những cục nhỏ (nhân giáp).
1. Nguyên nhân gây bướu cổ
Bướu giáp đơn thuần là nguyên nhân gây ra phần lớn trường hợp bướu cổ. Nguyên nhân gây ra tình trạng bướu cổ thường gặp là:
- Sự thay đổi trong sản xuất hormone tại tuyến giáp.
- Người ăn các thực phẩm có chứa nhiều chất ức chế tổng hợp.
- Người sử dụng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp.
- Chế độ ăn thiếu i-ốt, tuy nhiên nguyên nhân này hiện tại rất ít gặp.
2. Dấu hiệu bướu cổ
Đa phần các trường hợp bướu cổ thường không có biểu hiện gì ngoài sưng ở cổ. Một số trường hợp bướu cổ nhỏ được phát hiện thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc thực hiện chụp chiếu một bệnh lý khác. Phần lớn các trường hợp bướu cổ đều không đau nhưng nếu người bệnh có tuyến giáp bị viêm thì có thể gây đau.
Các dấu hiệu của bướu cổ phải phụ thuộc vào chức năng của tuyến giáp có thay đổi hay không. Một số dấu hiệu thường gặp là:
- Có khối u ở phía trước cổ.
- Cảm giác căng, tức ở vùng cổ họng.
- Sưng/nổi tĩnh mạch cổ.
- Cảm thấy chóng mặt nếu giơ tay lên trên đầu.
- Khàn giọng.
Bên cạnh đó có thể xuất hiện một số dấu hiệu ít gặp hơn như:
- Thở gấp hoặc khó thở.
- Thở khò khè trong trường hợp khí quản bị chèn ép.
- Ho.
- Nuốt khó khi thực quản bị chèn ép.
Trong một số trường hợp người bị bướu cổ có thể bị cả cường giáp và sẽ có những triệu chứng như:
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Nhịp tim nhanh.
- Tiêu chảy.
- Dễ đổ mồ hôi mà không phải do hoạt động thể chất hay thời tiết nóng.
- Dễ bị bồn chồn, kích động.
Hoặc một số trường hợp bướu cổ bị suy giáp sẽ có những biểu hiện như:
- Táo bón.
- Da khô.
- Cảm thấy mệt mỏi hoặc người mệt mỏi.
- Tăng cân không rõ nguyên nhân.
- Rối loạn kinh nguyệt.
3. Bướu cổ có lây không?
Bướu cổ không phải là bệnh lây nhiễm nhưng có yếu tố di truyền.
4. Phòng bệnh bướu cổ
Để giảm nguy cơ mắc bướu cổ, mọi người có thể duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học với những phương pháp sau:
- Có chế độ dinh dưỡng khoa học: Bổ sung nhiều rau xanh đặc biệt là rau họ cải và các thực phẩm giàu chất oxy hóa như các loại quả có múi, quả mọng… Hạn chế ăn đồ ăn nhiều chất béo, đồ ăn dầu mỡ hoặc đồ ăn chứa nhiều phụ gia, đồ ăn chế biến sẵn.
- Không hút thuốc lá và hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, chất gây nghiện.
- Duy trì tập luyện thể dục thể thao đều đặn.
- Có lối sống khoa học bằng cách hạn chế căng thẳng, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc.
- Theo dõi nồng độ hormone trong suốt thai kỳ và sau sinh khoảng 6 tháng.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những bất thường sớm nếu có.
5. Cách điều trị bướu cổ
Đa phần các trường hợp bướu cổ đều lành tính. Khi được chẩn đoán là bướu cổ các bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh để điều trị:
- Trong trường hợp bướu cổ nhỏ và không có triệu chứng gì các bác sĩ có thể thăm khám và quyết định không cần điều trị. Tuy nhiên người bệnh cần theo dõi cũng như thăm khám định kỳ theo lịch hẹn để phát hiện sớm những thay đổi nếu có.
- Điều trị nội khoa: Một số trường hợp sẽ được dùng thuốc có công dụng giúp hormone tuyến giáp trở về trạng thái bình thường.
- I-ốt phóng xạ: Được chỉ định trong trường hợp tuyến giáp hoạt động quá mức.
- Thuốc: Sử dụng thuốc để đưa hormone tuyến giáp trở về trạng thái hoạt động bình thường. Đây cũng là phương pháp được lựa chọn đầu tay để đưa giúp người bệnh giảm các triệu chứng khó chịu khi lượng hormone tăng lên.
- Phẫu thuật: Một số trường hợp sẽ được chỉ định cắt một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp nếu bướu quá lớn khiến người bệnh khó nuốt, khó thở hoặc trong trường hợp có nhân giáp.
Bướu cổ khi đã được chỉ định điều trị cần thời gian và kiên trì, người bệnh tuyệt đối cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.