Khi được chẩn đoán bướu cổ nhiều bệnh nhân lo lắng quá, đôi khi chưa được tham vấn kỹ đã vội vàng quyết định mổ, dẫn đến những hệ luỵ không thể thay đổi. Vậy mắc bướu cổ hay còn gọi là bướu giáp khi nào cần phẫu thuật?
Theo Ths.Bs Phạm Vũ Hiệp bác sĩ chuyên điều trị về bệnh lý tuyến giáp, thành viên Hội nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, bướu cổ được hay còn được gọi là bướu tuyến giáp, xếp làm 3 nhóm: dạng lành tính, ác tính và gây rối loạn chức năng tuyến giáp (thường là tăng sản xuất hormon giáp trạng).
- Bướu giáp lành tính nếu có kích thước to sẽ gây nuốt vướng hoặc khó nuốt, khó thở hoặc lồi ra phía trước cổ gây mất thẩm mỹ.
- Bướu giáp ác tính là ung thư tuyến giáp, có thể gây xâm lấn các cơ quan xung quanh hoặc khi bướu di căn sẽ gây tổn thương tại các cơ quan khác, trong đó phổ biến nhất là phổi, xương, não…
- Bướu tuyến giáp có rối loạn chức năng nội tiết thường gặp nhất là gây cường giáp sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như: Gây kiệt sức, sụt cân bất thường, hồi hộp ở ngực, mất ngủ, rụng tóc, run tay, đổ mồ hôi. Tuy nhiên, nhiều bệnh khác cũng gây ra các bất thường này, cần thăm khám bác sĩ để xác định chính xác tính trạng bệnh lý.
Các trường hợp bướu cổ lành tính hầu như không phải can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên khi bướu quá lớn gây nuốt vướng, nuốt khó, khó thở và lồi ra phía trước gây mất thẩm mỹ hay bướu cổ nghi ngờ ung thư… gây ảnh hưởng nặng nề thì sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bướu.
Bướu cổ lành tính có nên phẫu thuật không?
Cũng theo BS Hiệp, các trường hợp bướu lành cần phải phẫu thuật gồm:
- Bướu lành gây các triệu chứng, bao gồm: khó thở, khó nuốt hoặc gây mất thẩm mỹ;
- Bướu độc (gây cường giáp)
Không cần phẫu thuật trong trường hợp bướu lành kích thước nhỏ và không bắt buộc phẫu thuật khi bướu lành to nhưng không gây khó thở, khó nuốt. Khi bướu lành, nhỏ, không gây khó chịu, thường không cần điều trị gì và theo dõi bằng cách tái khám định kỳ mỗi năm một lần. Cần đi khám ngay nếu có thay đổi vùng cổ hoặc bất thường trong cơ thể.
Các phương pháp chữa bướu cổ
Có rất nhiều phương pháp điều trị bướu cổ, tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định một trong ba phương pháp sau:
- Điều trị nội khoa:
Nếu bệnh nhân suy giáp, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc thay thế hormone tuyến giáp. Các loại thuốc này sẽ làm chậm việc giải phóng hormone kích thích tuyến giáp từ tuyến yên nên giúp bướu nhỏ lại. Nếu nguyên nhân là do viêm tuyến giáp, bác sĩ sẽ chỉ định uống aspirin hoặc thuốc corticosteroid để điều trị.
Lưu ý các loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau ngực, đổ mồ hôi, nhức đầu, tim đập nhanh…
- Phóng xạ iốt:
Bệnh nhân sẽ uống iốt phóng xạ, sau đó iốt sẽ theo máu đến tuyến giáp để phá hủy tế bào. Phương pháp này có hiệu quả cho khoảng 90% trường hợp điều trị, trong đó 50 – 60% người bệnh giảm kích thước bướu sau 12 – 18 tháng.
- Phẫu thuật:
Nếu bướu có kích thước lớn, gây khó chịu, khó thở hoặc khó nuốt hoặc điều trị nội khoa không đỡ thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Bác sĩ sẽ lựa chọn một trong các các phương pháp cắt thùy, cắt giáp gần trọn, cắt giáp toàn phần, cắt eo giáp.
Biểu hiện bướu cổ
Khi bướu nhỏ hầu như người bệnh không cảm nhận được, còn khi bướu lớn gây chèn ép các thành phần gần tuyến giáp như khí quản, thực quản thì có thể có các biểu hiện sau:
• Vướng, đau cổ họng.
• Nuốt khó, nuốt đau.
• Khó thở, nói khàn.
• Hay ho và nghẹn.
• Thở dốc.
Về cơ thể, người mắc bệnh bướu cổ có thể cảm thấy:
• Mệt mỏi, căng thẳng, giảm trí nhớ, khô da, thường xuyên bị lạnh
• Cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, hay đổ mồ hôi, gầy sút cân
• Lồi mắt
Trường hợp bướu to nằm ở sau xương ức có thể chèn ép trung thất trên gây phù ở mặt, chóng mặt, ngất.