Hà Nội

Bướu cổ - Khi nào cần điều trị?

17-04-2019 14:22 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tôi 32 tuổi, thấy cổ to hơn bình thường nên đi khám ở bệnh viện huyện thì được chẩn đoán bướu cổ và không cho điều trị gì cả. Tuy nhiên, tôi lại nghe nói là phải uống thuốc hoặc mổ để trị dứt điểm bệnh, nếu không thì sẽ có những biến chứng gây bệnh tim. Tôi không biết thực hư như thế nào. Xin quý báo cho biết, bệnh của tôi có cần lên BV trung ương khám và điều trị không?

Trần Văn Thêm (Bắc Giang)

Bướu cổ là danh từ chung để chỉ bướu xuất phát từ tuyến giáp, trong y học gọi là bướu giáp, bao gồm nhiều loại như phình giáp lan tỏa hay có hạt, viêm giáp, cường giáp, suy giáp, bướu lành, ung thư... Tất cả được xếp làm 3 nhóm: Bướu cổ lành, ung thư và rối loạn chức năng tuyến giáp. Trong mỗi nhóm lại có nhiều loại.

Bệnh bướu cổ rất phổ biến, nhưng hầu hết bướu cổ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe do bướu cổ thường là loại phình giáp không có rối loạn chức năng tuyến giáp, còn gọi phình giáp đơn thuần. Trong thư, bạn không nói rõ là bác sĩ đã chẩn đoán bướu cổ thể loại gì, nhưng nếu bạn chưa cần điều trị, có thể là bạn bị bướu lành tính.

Trong các bệnh bướu cổ, thì một số ít trường hợp bướu to gây chèn ép; hoặc ung thư xâm lấn xung quanh hay di căn; hoặc có rối loạn chức năng tuyến giáp như suy giáp hoặc cường giáp gây rối loạn chức năng dẫn đến tăng cân hoặc sụt cân, mệt mỏi, hồi hộp ở ngực, run tay, đổ mồ hôi... thì cần thăm khám kỹ và điều trị.

Nói chung, về điều trị bướu cổ thì còn tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có các biện pháp khác nhau. Chẳng hạn khi bị suy giáp (chỉ số xét nghiệm TSH lớn hơn 10 mIU/ml; cường giáp/nhiễm độc giáp lâm sàng (bệnh cường giáp, viêm giáp bán cấp/mạn, phình giáp hạt, u tuyến) thì tùy trường hợp bác sĩ sẽ chodùng thuốc nội tiết tố tuyến giáp, thuốc iốt hoặc kháng giáp, kháng sinh, thuốc corticoid, ức chế thụ thể Beta. Bạn tuyệt đối không nên mua thuốc theo đơn của người khác để uống, vì sẽ rất nguy hiểm.

Điều bạn cần lưu ý là không phải tất cả các loại bệnh bướu cổ đều phải mổ, mà chỉ mổ trong các trường hợp: Bướu lành nhưng gây chèn ép khó thở, khó nuốt, hoặc gây mất thẩm mỹ; ung thư hoặc nghi ngờ ung thư.

Trường hợp của bạn đã đi khám và chẩn bệnh, vậy bạn nên tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn...


BS. Trần Minh
Ý kiến của bạn