Bướu cổ bao giờ thì mổ?

19-08-2017 16:48 | Y học 360
google news

SKĐS - Khi tuyến giáp to ra một phần hay toàn bộ do một nguyên nhân nào đó gây nên, sinh lý hoặc bệnh lý, người ta thường gọi là bướu cổ

Khi tuyến giáp to ra một phần hay toàn bộ do một nguyên nhân nào đó gây nên, sinh lý hoặc bệnh lý, người ta thường gọi là bướu cổ hay bướu giáp. Việc đưa ra phương pháp điều trị tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán từng loại bệnh tuyến giáp.

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể, cân nặng vào khoảng 20 - 30g. Nội tiết tố do tế bào của tuyến giáp tiết ra rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của cơ thể và tiến hóa của nòi giống. Trong tuyến giáp có rất nhiều mạch máu, trung bình mỗi phút có tới 56ml máu chảy qua 100g tổ chức tuyến, đứng hàng thứ ba sau tim, gan và trên cả thận.

Qua thực tế lâm sàng, chúng tôi nhận thấy: bướu lành tuyến giáp gặp nhiều nhất, ung thư tuyến giáp là ít gặp hơn cả.

Phân loại bệnh của tuyến giáp

Trong bệnh lý của tuyến giáp, ngoài sự thay đổi về thể tích ta còn gặp những thay đổi về cấu trúc của tuyến giáp.

Phân loại bướu giáp theo sự thay đổi về chức năng của tuyến giáp:

- Bướu giáp với chức năng tuyến giáp bình thường.

- Bướu giáp với thiểu năng tuyến giáp.

- Bướu giáp với tăng năng tuyến giáp, còn gọi là cường giáp.

Phân loại bướu giáp theo sự cấu trúc giải phẫu bệnh lý:

Đại thể:

- Bướu giáp lan tỏa.

- Bướu giáp thể nhân.

- Bướu giáp hỗn hợp.

Vi thể:

- Bướu giáp nhu mô.

- Bướu giáp thể nang.

- Bướu giáp hỗn hợp nang - nhu mô.

Trong đó, bướu giáp thể nhân là quan trọng nhất, vì nó có nhiều hình thái biến đổi sau đây:

- Có thể là một khối u lành tính của tuyến giáp.

- Có thể là bướu chứa đầy chất keo.

- Hoặc bướu keo có thoái hóa của biểu mô trong nang tuyến còn gọi là bướu giáp thể nang.

- Bướu giáp với sự vôi hóa hoặc xơ hóa trong nang tuyến.

- Bướu giáp chứa đầy máu do xuất huyết trong nang bướu.

- Bướu giáp ung thư hóa.

- Bướu giáp thể nhân cường giáp hóa.

Phân loại theo hoàn cảnh phát sinh:

- Bướu giáp đơn phát.

- Bướu giáp thể dịch.

- Bướu giáp thể dịch địa phương.

Siêu âm tuyến giáp

Khám tuyến giáp và các xét nghiệm cận lâm sàng

Khám tuyến giáp:

Nhìn:

Bướu giáp thể nhân và thể nang:

Thường thấy lộ rõ dưới da trước cổ, phía bên phải hay bên trái một khối u, nhẵn di động theo thanh quản khi bệnh nhân nuốt.

Bướu cổ thể nhu mô lan tỏa:

Nổi u to đều một bên hay hai bên cổ với bề mặt tỏa lan ra xung quanh, chân rộng hay hẹp tùy theo mức độ tham gia của một hoặc cả hai thùy tuyến vào quá trình bệnh lý.

Bướu cổ hỗn hợp hay đa nang, đa nhân:

Nổi lên ở giữa cổ một khối u có nhiều nhân gồ ghề, hình thù và kích thước không đều nhau.

Ở một số bệnh nhân, bướu giáp không lộ rõ ở cổ mà chìm xuống phía sau xương ức. Một số người béo phì, bướu giáp lặn dưới lớp mỡ cổ gây khó khăn cho chẩn đoán.

Những bướu giáp quá lớn có thể làm hạn chế cử động của phần cột sống cổ, đặc biệt là động tác gập cổ xuống phía trước.

Độ

Đặc điểm

0

Không có bướu giáp

IA

Mỗi thùy tuyến giáp to hơn đốt ngón cái của bệnh nhân

IB

Khi ngửa đầu tối đa ra phía sau thấy tuyến giáp to

II

Tuyến giáp to khi nhìn thấy ở tư thế bình thường và ở gần

III

Bướu giáp rất lớn nhìn thấy rõ dù xa

Sờ:

- Khi sờ cần xác định rõ ranh giới, mật độ của bướu, vị trí của khí quản so với đường dọc giữa cổ, sự di động của bướu giáp lên phía trên và xuống phía dưới. Trong khi khám chúng tôi thường nhận thấy:

- Mật độ mềm thường thấy trong bướu giáp nhu mô lan tỏa.

- Mật độ chắc thường thấy trong bướu giáp thể nhân nhu mô.

- Mật độ cứng với bề mặt gồ ghề thường thấy trong ung thư tuyến giáp.

- Mật độ căng như có cảm giác căng mọng nước trong bướu cổ thể nang.

- Mật độ chắc, ấn đau trong bệnh viêm tuyến giáp.

- Mật độ chắc, mặt nhẵn, ấn không đau, trong bệnh viêm tuyến giáp giả bướu Hashimoto và Riedel.

- Bướu lớn có thể gây nên các dấu hiệu chèn ép vào các cơ quan và tổ chức xung quanh:

- Chèn ép khí quản gây khó thở.

- Chèn ép dây thần kinh quặt ngược gây khàn tiến và nuốt sặc.

- Chèn ép bó mạch máu ở cổ gây nhức đầu, mắt kém, rối loạn thần kinh và tâm thần...

Để có thể sờ thấy bướu giáp một cách dễ dàng nên cho bệnh nhân cúi đầu nghiêng sang phải hay sang trái. Ở tư thế đó, các cơ cổ bớt căng và bướu giáp lộ rõ hơn.

Sau khi tiến hành thủ thuật sờ bướu giáp, có thể dùng thước dây đo vòng cổ của bệnh nhân, đo khoảng cách từ cằm tới chuôi xương ức để so sánh kết quả sau mổ.

Gõ:

Gõ không có giá trị trong khám bướu cổ và các bệnh khác của tuyến giáp.

Nghe:

Trong cường giáp ta có thể nghe thấy tiếng thổi tâm thu ở trên bướu do việc tăng lưu lượng tuần hoàn qua bướu.

Khám nghiệm cận lâm sàng:

Đo chuyển hóa cơ bản:

Phương pháp này nhằm đánh giá hiệu lực của hoóc-môn tuyến giáp theo sự tiêu thụ oxy của cơ thể.

Mục đích chính của phương pháp là so sánh mức độ tiêu thụ oxy của bệnh nhân với người bình thường có cùng tuổi, giới, và diện tích cơ thể... Chuyển hóa cơ bản ở người bình thường là 10 - 15%; chuyển hóa cơ bản cao ở bệnh nhân cường giáp và thấp ở bệnh nhân suy giáp. Tuy nhiên do mức độ chính xác của phương pháp phụ thuộc vào nhiều yếu tố (bệnh nhân, máy móc, kỹ thuật đo) nên phương pháp này ngày nay rất ít dùng.

Đo hàm lượng cholesterol trong máu:

Mục đích là đo một trong những tác động ngoại vi của hoóc-môn tuyến giáp; cholesterol cao trong những bệnh nhân suy giáp và thấp ở những bệnh nhân cường giáp với nồng độ trung bình ở người bình thường là từ 180 - 220mg%. Tuy vậy cũng cần chú ý một số trường hợp sau đây khi đánh giá kết quả của xét nghiệm:

Ở người bị phù niêm, nếu cho ăn uống chế độ không thích hợp cũng có thể cho tỉ lệ cholesterol huyết thanh thấp.

Khoảng 80% bệnh nhân bị thiểu năng tuyến giáp thứ phát do thiểu năng tuyến yên cũng có thể cho kết quả cholesterol thấp khi làm xét nghiệm.

Thử nghiệm hấp thu iod đồng vị phóng xạ trong 24 giờ:

Mục đích của phương pháp này là đo khả năng hấp thu iod của tuyến giáp. Tỉ lệ phần trăm của tổng liều iod 131 tích tụ lại ở tuyến giáp trong 24 giờ sau khi cho bệnh nhân uống dung dịch iod trong điều kiện khác nhau, được ghi lại bằng hình ảnh nhấp nháy đồ hay biểu đồ Karavanov.

- Phương pháp này không chỉ cho phép đánh giá được sự hoạt động bình thường của tuyến giáp mà còn cho phép định được vị trí của các u tuyến giáp tăng hoạt động, hoặc một vài loại u tuyến giáp có cường giáp.

Trên kết quả xạ hình tuyến giáp có thể phân biệt hai loại biến đổi hình thái sau đây:

Nhân nóng, nơi tập trung nhiều tế bào tuyến giáp bắt xạ (như trong bệnh Basedow và u độc tuyến giáp).

Nhân lạnh, nơi tế bào tuyến tập trung thưa thớt hay không có tế bào bắt xạ như trong ung thư tuyến giáp, bướu giáp thể nang, abcès tuyến giáp...

Xạ hình tuyến giáp cho phép:

Phát hiện các bất thường về hình dạng và kích thước của tuyến giáp.

Những bất thường về vị trí: tuyến giáp thòng xuống trung thất, tuyến giáp lạc chỗ.

Nghiệm pháp Werner:

Nghiệm pháp này áp dụng để đánh giá tình trạng của tuyến giáp, theo dõi và tiên lượng bệnh nhân cường giáp trong quá trình điều trị.

Nghiệm pháp này được đánh giá theo chỉ số hãm. Chỉ số hãm nếu lớn hơn 50% chứng tỏ nghiệm pháp hãm dương tính, tức là không có cường giáp. Nghiệm pháp hãm < 50% nghiệm pháp âm tính chứng tỏ có cường giáp.

Định luợng T.S.H (Thyroid stimulating hoóc-môn) T3 và T4:

Là phương pháp chính xác nhất cho phép xác định rõ chức năng của tuyến giáp được sử dụng trong giai đoạn hiện nay.

Có hai phương pháp chính để định lượng trực tiếp hàm lượng T.S.H, T3 và T4 trong máu: phương pháp miễn dịch huỳnh quang và phương pháp miễn dịch phóng xạ.

Siêu âm thường và siêu âm Doppler màu tuyến giáp:

Do vị trí gần da, tuyến giáp là cơ quan lý tưởng để khảo sát siêu âm và đã được khảo sát từ những năm 1950.

Siêu âm là một phương pháp thăm dò hình thể, trong một số trường hợp siêu âm Doppler màu tuyến giáp có thể thay thế các phương pháp thăm dò chức năng tuyến giáp. Nó có một số ưu điểm sau:

Là một phương pháp khảo sát nhẹ nhàng, không gây sang chấn, không làm mệt bệnh nhân vì thời gian khảo sát ngắn khoảng 5 phút.

Siêu âm giúp phát hiện các bướu khó khám trên lâm sàng, đặc biệt ở những người già, béo, da cổ nhăn nheo. Siêu âm cho phép đo chính xác thể tích của tuyến giáp. Siêu âm có thể giúp ích cho việc theo dõi và đánh giá kết quả điều trị.

PGS.TS. NGUYỄN HOÀI NAM


Ý kiến của bạn