Bệnh nhân là chị Nguyễn Thị N (51 tuổi, ở Huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) nhập viện do bướu rất to ở cổ, cử động khó khăn.
Bệnh nhân cho biết, chị phát hiện bướu cách đây đã 20 năm, nhưng không điều trị. Khoảng 3 năm gần đây, bướu ngày càng lớn, sinh hoạt khó khăn và ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nên mới nhập viện.
Bệnh nhân được chẩn đoán bướu lành tuyến giáp độ 4, cần phẫu thuật ngay. Để đảm bảo kết quả tối ưu, các bác sĩ của khoa Ngoại Tổng hợp đã tư vấn, bệnh nhân cần chuyển lên tuyến trên để điều trị. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị N tha thiết điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh.
Bệnh nhân N có bướu to ở cổ, cử động khó khăn.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, chị N được chỉ định phẫu thuật. Các bác sĩ nhận định, đây là ca mổ phức tạp do bướu có kích thước lớn, ở vị trí có nhiều mạch máu lớn, thần kinh quan trọng, đường ăn và đường thở, nguy cơ mất nhiều máu trong quá trình phẫu thuật.
Với sự cố gắng của các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp và khoa Gây mê hồi sức, sau hơn 3 giờ đồng hồ, bướu giáp nặng 1,5 kg đã được cắt bỏ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân N được theo dõi, chăm sóc tích cực, sức khỏe hồi phục tốt và đã được xuất viện.
BS. Phan Thanh Huy- Giám đốc bệnh viện cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân đầu tiên có bướu cổ khổng lồ được phẫu thuật tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Qua đây, một lần nữa chất lượng chuyên môn của Bệnh viện lại được khẳng định, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân tỉnh nhà
Theo PGS.TS.BS Tạ Văn Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bướu tuyến giáp là bệnh phổ biến và ở nữ nhiều hơn ở nam rất nhiều.
Bướu giáp nhân là tổn thương dạng khối nằm trong tuyến giáp, được phân loại thành nhân lành tính và ác tính, trong đó đa số trường hợp là nhân lành tính. Việt Nam mỗi năm có khoảng 115.000 người đi khám và chữa bệnh bướu giáp nhân. Tỷ lệ phát hiện bướu giáp nhân gần đây tăng nhiều do người dân ngày càng có ý thức tầm soát bệnh bằng siêu âm vùng cổ.
Bướu giáp có nguyên nhân sâu xa là rối loạn hệ miễn dịch. Một người có thể bị bệnh này từ khi mới sinh hoặc xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc đời. Lứa tuổi thường gặp nhất là từ 30 đến 55 tuổi. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh thường gặp nhất là chế độ ăn uống thiếu iốt. Về giới tính, do sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể nên phụ nữ thường dễ mắc các bệnh liên quan tới tự miễn hơn nam giới, do đó nữ dễ bị rối loạn tuyến giáp và phát triển thành bướu giáp cao gấp 5 lần.
Các yếu tố nguy cơ khác dẫn đến bệnh bướu giáp như gia đình có người bị bệnh tự miễn, phụ nữ mang thai, mãn kinh. Sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng virus, thuốc tim amiodarone và thuốc lithium tâm thần, phơi nhiễm bức xạ do điều trị phóng xạ vùng cổ, ngực hoặc tiếp xúc với bức xạ trong thử nghiệm hạt nhân, tai nạn… đều làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh này.