Hà Nội

Buồng trứng đa nang và cách trị

15-10-2016 14:07 | Đời sống
google news

SKĐS - Buồng trứng đa nang (BTĐN) gọi đúng phải là Hội chứng BTĐN bởi tính chất phức tạp của nó. Hơn nữa...

Buồng trứng đa nang (BTĐN) gọi đúng phải là Hội chứng BTĐN bởi tính chất phức tạp của nó. Hơn nữa, cũng chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ nguyên nhân gây nên căn bệnh này. Có khoảng từ 5-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc phải hội chứng BTĐN.

Dấu hiệu nhận biết mắc hội chứng BTĐN?

Biểu hiện của bệnh này rất đa dạng, không thể chỉ “nhìn mặt mà bắt hình dong” mà cần kết hợp thăm khám, siêu âm, xét nghiệm máu. Một số đặc điểm điển hình như sau:

Kinh thưa hay không có kinh (rối loạn phóng noãn). Được gọi là kinh thưa khi số lần hành kinh trong một năm nhỏ hơn 8 lần, hay chu kỳ lớn hơn 35 ngày. Vô kinh tức là không có kinh từ trên 6 tháng và cần phải sử dụng thuốc mới có kinh được. Khoảng gần 80% bệnh nhân BTĐN có biểu hiện này, nghĩa là hơn 20% còn lại hành kinh đều bình thường.

Biểu hiện rối loạn nội tiết tố: rậm lông, mụn mặt, da nhờn, hói đầu giống nam giới (do tăng androgen). Để xác định, bác sĩ sẽ xét nghiệm những nội tiết tố cần thiết để đánh giá.

Béo phì: đặc điểm bệnh nhân dễ tăng cân và béo phì (hay gặp béo vùng bụng). Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân rất mảnh mai. Cho nên thấy ai hơi tròn trịa đừng vội “phán” BTĐN kẻo nỗi buồn thêm chồng chất.

Siêu âm thấy hình ảnh BTĐN: Để chính xác, cần siêu âm đường âm đạo, siêu âm đường bụng dễ sai lầm.

Phẫu thuật buồng trứng đa nang thích hợp với nhóm bệnh nhân trẻ tuổi.

Ảnh hưởng của BTĐN thế nào?

Ảnh hưởng lâu dài bao gồm: tiểu đường, ung thư nội mạc tử cung, bệnh lý tim mạch. Mấy “món” này hoàn toàn có thể tầm soát chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bằng khám sức khoẻ định kỳ. Hơn nữa, mấy bệnh lý này hầu hết đều liên quan đến biết bao yếu tố khác như lối sống, dinh dưỡng, yếu tố gia đình… nên không cần phải mất ăn mất ngủ ngày đêm suy nghĩ xem mình đã ung thư tới nơi hay chưa. Đời mình có hạn, nếu mất ăn mất ngủ vì soái ca nào đó xem ra vui hơn.

Ảnh hưởng quan trọng nhất của hội chứng này đó là vô sinh - hiếm muộn. Vì rối loạn nội tiết làm trục trặc chuyện “nàng trứng đăng quang hoa hậu”, chàng tinh trùng không biết khi nào và tìm nàng nơi đâu. Nếu chờ trên 1 năm mà không có thai, bạn cần đến các cơ sở có điều trị hiếm muộn để được giúp đỡ.

Cách điều trị BTĐN

Điều trị cho hết BTĐN hiện tại chưa làm được, nhưng đã điều trị được những rắc rối do BTĐN gây ra.

Giảm cân: vừa đẹp hơn, vừa dễ có con hơn nếu đang mong con. Giảm cân thật sự có lợi cho bệnh nhân BTĐN thừa cân nên hãy cố gắng để “một mũi tên trúng hai đích”.

Phẫu thuật: đó là phương pháp mổ nội soi để đốt điểm buồng trứng. Phương pháp này thích hợp cho nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, thời gian mong con ngắn. Tuy nhiên, bên cạnh những tai biến phẫu thuật thì đốt điểm buồng trứng còn gây lo ngại giảm dự trữ buồng trứng do huỷ mô lành. Vì vậy, không phải bệnh nhân nào cũng cần mổ và phẫu thuật viên thực hiện phải được đào tạo tốt, tay nghề cao.

Kích thích buồng trứng: có rất nhiều thuốc, có thể uống, có thể tiêm. Việc theo dõi khi kích thích buồng trứng cho nhóm bệnh nhân BTĐN đòi hỏi bác sĩ phải nhiều kinh nghiệm. Đáp ứng với thuốc kích thích buồng trứng của bệnh nhân BTĐN rất đa dạng và hậu quả gần nhất nếu không xử lý tốt là quá kích buồng trứng và “trăm trứng nở trăm con” (tức là có 3-4-5-6 thai được hình thành cùng lúc).

Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm, nuôi trứng non.

Nuôi trứng non vừa an toàn (không lo quá kích buồng trứng), vừa đỡ mất thời gian và công sức hơn thụ tinh trong ống nghiệm bình thường, vừa tiết kiệm nhiều chi phí. Bác sĩ lấy trứng nhỏ trên buồng trứng (mà bạn quá nhiều) đem nuôi lớn rồi kết hợp với tinh trùng thành em phôi. Công cuộc “ép duyên” này diễn ra trong phòng thí nghiệm, sau đó em phôi bé nhỏ được chuyển vào buồng tử cung, 14 ngày sau bạn thành “mẹ bầu”. Điều tuyệt vời hơn nữa là bạn đang sống ở Việt Nam, một đất nước mà kỹ thuật nuôi trứng non thuộc hàng đầu trên thế giới, nơi nhiều chuyên gia nước ngoài đã đến để học tập và trao đổi kinh nghiệm.


BS. Lê Tiểu My
Ý kiến của bạn