Những ngày vui, nghĩ lại thấy bùi ngùi
Những ngày buồn nghĩ lại thấy vui vui
Hai câu thơ ấy ám ảnh tôi, day dứt rất nhiều mỗi khi tôi thoáng nhớ lại những tai nạn trong nghiệp viết báo của mình. Trước đây, tôi không chú tâm cho việc viết báo. Mà tôi chỉ đam mê chủ yếu cho việc làm thơ và sáng tác văn học.
Bố tôi ngày xưa không thích cho tôi theo nghiệp viết lách. Những người theo nghiệp viết, những nhà văn lớn của đất nước, có người bị tù tội trong vụ Nhân Văn Giai phẩm trước đây làm ông sợ tôi dính líu mà ông thì chỉ có tôi là con trai.
Có lần, gặp gỡ ở đâu đấy, nhà văn Nguyễn Hiếu bảo tôi: Lê Tuấn Lộc viết ký hay! Tôi nói đùa với anh: - Anh là người đầu tiên khen Lộc đấy. Nhưng rồi tôi chợt nhớ ra: Viết báo chính là thông tin nhanh nhất đến bạn đọc, một lợi thế mà tôi quên mất, mà cũng chính là thế mạnh của mình, còn mạnh hơn thơ nhiều.
Bốn mươi năm trước, lần đầu tiên tôi viết báo. Lúc đó tôi mới về Mỏ Crômit Cổ Định Thanh Hóa công tác. Phân xưởng khai thác mỏ mà tôi đến nhận việc có một cái ao cá Bác Hồ. Đó là một moong khai thác mỏ nhỏ được cải tạo thành ao nuôi cá. Một việc làm hay. Tôi viết bản tin gửi ngay báo Thanh Hóa. Anh Giá - Tổng biên tập lúc đó cho đăng ngay mấy dòng tin sốt dẻo quảng bá cho việc hưởng ứng phong trào nuôi cá Bác Hồ ở Thanh Hóa. Tôi không biết bản tin nói gì và cũng không có báo ấy để xem nhưng mấy ngày sau rất nhiều người điện về giám đốc mỏ hỏi mua cá giống. Mọi người ngớ ra không hiểu gì. Trưởng phòng Bảo vệ truy tới cùng thì nguyên cớ tại bài báo của tôi. Nhưng bài báo của tôi không có lỗi mà lỗi là tại người biên tập đưa tin không đúng nên mới ra nông nỗi ấy. Tôi đưa bản lưu viết tay của tôi cho giám đốc xem và ông ấy cười. Lúc ấy làm gì có máy vi tính mà sửa. Chuyện vui rồi cũng qua, nhưng rồi tôi nhủ lòng: Cạch luôn, không viết báo nữa.
Thế nhưng tôi vẫn không bỏ được viết báo. Một lần, tôi về quê Nông Cống. UBND huyện Nông Cống lúc đó đặt ở Núi Mưng, xã Trung Chính, đường qua huyện nếu đi từ Chợ Thượng phải qua cầu gọi là Cầu Huyện. Cầu hỏng đã lâu. Bà con bảo đến hàng mấy tháng chưa thấy sửa. Muốn qua cầu thì đi bộ phải rón rén. Tôi ngứa ngáy lại làm bài thơ Châm chọc đăng báo Thanh Hóa như sau:
Ai về Chợ Thượng Cầu Quan
Có qua Cầu Huyện phải chăng là cầu
Gọi cầu thì chẳng đúng đâu
Ai qua sông phải cùng nhau ta bò
Cơ quan quí huyện biết chưa?
Tất nhiên là báo Thanh Hóa đăng ngay. Tôi quên một việc là ông chú tôi lúc đó - chú Lê Xuân Đạm đang làm lãnh đạo UBND huyện Nông Cống. Ông bố tôi đang công tác ở Hà Nội viết thư nói rất gay gắt chuyện bài thơ châm của tôi. Ông nói câu: Mới ra trường thực tập làm thợ mỏ cho tốt đi. Châm với chọc mà làm gì để mất lòng người khác. Bố đã bảo con không được theo nghiệp viết lách mà. Chú Đạm điện ngay cho tôi: Mày hại chú quá! Chú bị lãnh đạo tỉnh phê bình về chuyện Cầu Huyện. Huyện biết đấy nhưng chưa có tiền. Nhưng rồi chú Đạm cũng nói vui vẻ: Nhưng cũng may có bài thơ châm ấy mà tỉnh cấp tiền sửa cầu ngay. Một chuyện viết báo nữa dần trôi qua theo thời gian.
Sau tôi nghĩ: Nên đặt bút danh khác mới ổn. Dùng tên thật là dại. Những bài báo sau này viết cho Báo Người Hà Nội hay báo Tân Trào ở Tuyên Quang, thậm chí cả báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam hay báo Hà Nội Mới của Thủ đô, tôi lấy bút danh Lê Vũ Hạnh Phúc (Lê họ tôi, Vũ họ vợ tôi và Hạnh Phúc là hai con gái tôi). Lấy bút danh khác có nhiều lợi thế. Sau này tôi làm giám đốc mỏ, viết báo và làm thơ là nhiều ông cấp trên không thích vì họ cho rằng Giám đốc không được bỏ việc đi làm thơ. Nhiều năm trôi qua với bút danh Lê Vũ Hạnh Phúc yên ổn.
Nhưng một chuyện xảy ra ở Tuyên Quang làm cho cái bút danh mới của tôi cũng không giấu được nữa, cái kim trong bọc lâu ngày cũng thò ra. Tôi có một bài thơ viết về Đèo Mon ở huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang đăng báo Tuyên Quang mà tôi không biết là đăng báo lúc nào. Một lần đang Đại hội công nhân viên chức Mỏ Thiếc Bắc Lũng. Lúc đó, tôi mới về Tuyên Quang làm Phó giám đốc mỏ. Anh bạn tôi là Phó Tổng biên tập báo Tuyên Quang về chơi không hẹn trước với tôi và đem tặng đại hội công nhân viên chức Mỏ Thiếc Bắc Lũng Tuyên Quang 100 tờ báo có bài thơ của tôi về Đèo Mon, ký tên Lê Vũ Hạnh Phúc. Chủ tịch Công Đoàn mỏ Mai Văn Huấn vui lắm vì báo có nói về làm ăn khá của mỏ Thiếc Bắc Lũng. Nhưng còn cái tên bút danh Lê Vũ Hạnh Phúc là ai nhỉ. Giám đốc mỏ lúc đó là anh Bùi Nghiệp gọi riêng tôi ra ngoài hành lang hỏi: Lê Vũ Hạnh Phúc là ai Lộc biết không? Tôi phải nói thật: Bút danh của em đấy. Anh Nghiệp cười bảo: Cần gì phải mang bút danh cho rắc rối. Trước đây ở Thanh Hóa, người ta chỉ biết có Lê Tuấn Lộc làm thơ. Sau này bạn đọc báo Thanh Hóa biết thêm: Lê Vũ Hạnh Phúc chính là Lê Tuấn Lộc.
Nhưng một lần tôi có đăng bài trên tạp chí Khoa học công nghệ mỏ về vấn đề quặng thiếc của Tuyên Quang theo quặng tặc chạy sang Thái Nguyên qua đèo Khế. Tất nhiên với tạp chí khoa học tôi phải lấy tên thật là Lê Tuấn Lộc. Lúc bấy giờ, quặng thiếc Tuyên Quang sang Thái Nguyên qua Đèo Khế để vào các lò luyện tư nhân ở Yên Lãng Thái Nguyên và vấn đề quặng thiếc ở Rừng Quốc gia Tam Đảo là vấn đề nhức nhối nhất cho lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang nhưng trách nhiệm lại thuộc quản lý của Công an tỉnh Tuyên Quang. Mà mấy anh em lãnh đạo công an tỉnh lúc đó từ anh Tiếp - Giám đốc đến các anh em là phó giám đốc hay các trưởng phòng Công an tỉnh đều là quen biết và hội nghị tỉnh lần nào chả gặp nhau mà vui vẻ cả. Tạp chí Mỏ đến tay Giám đốc Sở Công nghiệp Đàm Chíu. Tôi với Đàm Chíu cũng thân thiện đâu lạ lùng gì. Ông ta bảo với anh em: Bố Lộc phản mình. (Quản lý khoáng sản lúc đó cũng là trách nhiệm của Sở Công nghiệp). Tôi đang đi công tác ở Bắc Kinh Trung Quốc. Tổng Giám đốc Lê Xuân Trường điện cho tôi nói gay gắt chuyện bài báo trên tạp chí Mỏ làm khó cho quan hệ của cơ quan với địa phương tỉnh. Tôi nói cứng rắn qua điện thoại: Cần phải nói sự thật để địa phương biết mà xử lý tốt hơn, nếu không, họ cứ tưởng yên bình. Anh Trường còn đe dọa tôi: Cậu cứ còn viết lách nữa, tôi cách chức. Nhưng cái nghề viết lách! Cái nghiệp nó ám vào tôi rồi. Bỏ làm sao được. Tôi lại nhớ câu Kiều:
Rằng quen mất nết đi rồi
Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao
Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, xin tản mạn đôi dòng về nghiệp viết báo của tôi. Lại nhớ câu các cụ xưa nói: Bút sa gà chết! Nghề viết báo vừa có thế mạnh vừa có rủi ro. Tránh làm sao được.
Hà Nội tháng 6 năm 2018