Buồn vui tranh lụa

07-10-2020 20:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Bức Cung đàn bạc mệnh của họa sĩ Ngọc Mai vẽ nàng Kiều, được chọn in tem và triển lãm Truyện Kiều và các bản dịch tại Paris tại Pháp nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du. Dù vậy, tranh lụa Việt còn đó những nốt trầm...

Vươn cao, bay xa

Bức tranh có tên Cung đàn bạc mệnh do nữ họa sĩ vẽ từ cảm hứng câu thơ “Ngọn đèn khi tỏ khi mờ/Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn lòng” và xuất hiện trên loại tem Lettre verte - sử dụng cho các loại thư phát hành tại Pháp.

Ban tổ chức đánh giá tác phẩm này đậm chất Việt Nam - từ trang phục, bối cảnh, hình ảnh nhân vật đến chất liệu lụa truyền thống, nét vẽ mềm mại, hài hòa. Tranh vẽ lúc Kiều đánh đàn cũng là hình ảnh lặp đi lặp lại nhiều lần trong Truyện Kiều, đánh dấu những bước ngoặt của số phận. Tiếng đàn nhiều cung bậc trong các lần gặp gỡ, giao duyên như diễn tả hết tâm trạng của cuộc đời Kiều sau này cũng như tình duyên đứt đoạn của nàng với Kim Trọng. Nguyễn Du lấy thơ để tả nhạc và họa, còn họa sĩ Ngọc Mai lấy họa để chuyển tải thơ và nhạc: cuộc hội ngộ của nhân vật, giữa nhân vật và tác giả, giữa tác giả với tác giả thật thú vị.

Cung đàn bạc mệnh - tranh lụa của họa sĩ Ngọc Mai vừa được in tem tại Pháp.

Cung đàn bạc mệnh - tranh lụa của họa sĩ Ngọc Mai vừa được in tem tại Pháp.

Tranh lụa Việt đã nhiều lần tạo được sức hút và lan tỏa mạnh mẽ đối với bạn bè quốc tế. Tại TP. Oakland, bang California (Mỹ) từng diễn ra triển lãm “Tranh lụa và sản phẩm lụa Việt Nam”, giới thiệu tới công chúng quốc tế 40 tác phẩm tranh lụa khắc họa thiên nhiên, cuộc sống con người vùng cao, nông thôn và miền núi với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, trong trẻo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam... của 29 họa sĩ vẽ lụa tiêu biểu ở nước ta. Trong khi đó, rất nhiều tranh lụa của các họa sĩ tên tuổi của Việt Nam được bán với giá “khủng” trên sàn đấu giá quốc tế.

Có thể kể đến bức tranh lụa Người bán ốc, Em bé cho chim ăn của danh họa Nguyễn Phan Chánh lần lượt được bán với mức giá gần 600.000USD và 853.000USD tại nhà đấu giá Christie’s Hong Kong (Hồng Kông, Trung Quốc). Trong khi đó, bức tranh lụa Tắm của họa sĩ Lê Phổ được bán với giá gần 300.000USD, Thôn nữ Bắc Kỳ của cố họa sĩ Nam Sơn được đấu giá thành công với mức 205.000 euro, bức mực nho và màu trên lụa Thiếu nữ bên hoa hồng của họa sĩ Lê Phổ được bán với giá 160.000 euro tại phiên đấu giá Aguttes diễn ra ở Paris (Pháp). Những tác phẩm này đã đưa tranh lụa Việt nói riêng, hội họa nước nhà nói chung tạo được tiếng vang và khẳng định vị thế với làng mỹ thuật thế giới. Qua đó bắc nhịp để thị trường tranh Việt phát triển hơn, vươn xa hơn.

Nốt trầm tranh lụa

Xét về yếu tố thời gian thì tranh lụa Việt Nam còn non trẻ so với các quốc gia trong châu lục như Nhật Bản, Trung Quốc... Nhưng bù lại, tranh lụa nước ta có bản sắc rất riêng từ kỹ thuật vẽ cũng như tạo hình, sử dụng màu sắc khác biệt. Nét nổi bật nhất của nghệ thuật tranh lụa Việt là đã tìm được một mảng màu riêng cho lụa, thật kiệm màu mà vẫn tạo nên sự phong phú của sắc, các sợi tơ óng mịn được nhuộm màu nhuần nhị như có hương, có sắc, ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người Việt.

Tuy nhiên, trước sự biến đổi của đời sống xã hội, tranh lụa có sự phôi pha. Dòng tranh này giờ trở thành chất liệu sản xuất tranh souvenir (tranh vải) rẻ tiền được bày bán ở các điểm du lịch. Nhiều người trong nghề cho rằng, lớp họa sĩ trẻ sau này không tìm ra chủ đề mới cho tranh lụa và chỉ quanh quẩn với phong cảnh, tĩnh vật, thiếu nữ áo dài, thiếu nữ miền núi, sinh hoạt miền núi, làng chài… Bên cạnh đó, tranh lụa được bồi giấy, sau vài năm, chất hồ bị hủy làm cho cả phần giấy và phần lụa cũng bị vỡ theo, từ đó bức tranh thành những mảng rời rạc, tác phẩm cũng theo đó mất đi nhiều phần giá trị nghệ thuật.

Không kể những tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi như: Nguyễn Phan Chánh, Mộng Bích, Lê Kim Bạch, Nguyễn Thụ,Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Lê Anh Vân, Trần Huy Oánh, Nguyễn Thị Kim Thái, Kim Bạch, Đào Minh Tri, Thành Chương, Lê Thanh Sơn, Lê Quảng Hà, Lê Thiết Cương... thì những năm gần đây, công chúng yêu tranh lụa ngày càng ít thấy những tác phẩm mới có giá trị và được các nhà sưu tập được săn lùng. Đa số tranh lụa của họa sĩ trẻ ngày nay được đánh giá khá mờ nhạt, thiếu sự đầu tư cho chất lượng, giá trị nghệ thuật tác phẩm.


Sơn Tùng
Ý kiến của bạn