Buồn vui nghệ nhân cổ nhạc

15-09-2012 14:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

Vừa qua, tại Trung tâm Văn hoá Việt Pháp đã diễn ra đêm ca trù đàn hát khuôn của NSƯT Phó Thị Kim Ðức – danh ca ca trù cuối cùng của giáo phường Khâm Thiên khi xưa.

(SKDS) - Vừa qua, tại Trung tâm Văn hoá Việt Pháp đã diễn ra đêm ca trù đàn hát khuôn của NSƯT Phó Thị Kim Ðức – danh ca ca trù cuối cùng của giáo phường Khâm Thiên khi xưa. Ở tuổi 82, bằng những cố gắng phi thường, bà đã dành nhiều thời gian nhằm đúc kết khuôn khổ, bài bản của nghệ thuật ca trù để truyền dạy lại cho học trò. Xét về phương diện lưu trữ và truyền dạy vốn cổ, những nghệ nhân cổ nhạc trên khắp cả nước không phải ai cũng làm được như NSƯT Kim Ðức và cũng để cho chúng ta thấy rằng, lực lượng những nghệ nhân cổ nhạc – những “di sản sống” đang mỗi ngày một cao tuổi và đang dần phai bóng.

Người lưu giữ quá khứ

Nhạc cổ truyền của Việt Nam phong phú và đa dạng bởi chức năng sáng tạo ngẫu hứng của những nghệ sĩ và các bài bản của các loại hình nghệ thuật cổ thường được truyền dạy theo lối truyền khẩu, truyền ngón nghề là chính yếu. Trong quá khứ, những yếu tố trên sẽ tự mặc định đẳng cấp của nghệ nhân trong phạm vi toàn quốc, vùng miền hay chỉ giới hạn ở xóm làng... Với nét đặc thù này, các tác phẩm thường trở thành một phần của người nghệ nhân, nằm trong trí nhớ, trí sáng tạo và khả năng biểu đạt, trình diễn của mỗi người. Và có lẽ cũng chính vì vậy mà danh hiệu “nghệ nhân” thường dùng để chỉ những người có tài nghệ cao, có uy tín được người trong giới nghề và cộng đồng công nhận.

 Nghệ nhân đàn nguyệt Kim Sinh mỗi ngày tuổi một cao, sức một yếu.

Mỗi một nghệ nhân sẽ mang trong mình những di sản qúy báu của cổ nhạc với hàng trăm loại hình của đủ 54 dân tộc như: ca trù, hát xoan, quan họ... của người Kinh; hát then của người Thái; múa khèn của người Mông; các dân tộc thiểu số Tây Nguyên... Nếu những nghệ nhân ấy không biểu diễn thì công chúng cũng như giới chuyên môn sẽ khó lòng tiếp cận được với những giá trị đó. Và nếu không có lớp nghệ sĩ trẻ kế cận để nghệ nhân truyền dạy thì những giá trị đó ắt sẽ mai một và sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn theo cái chết của các nghệ nhân già…

Truyền dạy di sản, những nỗi niềm...

Trên thực tế, sau khi được vinh danh là di sản, nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền đã nhận được sự đầu tư ít nhiều của các cơ quan chức năng, song quá trình truyền dạy cổ nhạc hiện vẫn còn chưa thật sự được xem trọng mà chủ yếu là dưới hình thức tự phát. Nhiều học trò theo nghề cốt chỉ để “găm” vài ba bài “tủ” để biểu diễn lấy sang. Nhiều người có tâm nhưng lại không đủ tài lực và các yếu tố năng khiếu. Bên cạnh đó, những khoá truyền dạy do các cơ quan quản lí văn hoá tổ chức thì dễ sa vào truyền dạy đồng loạt, không đủ thời gian để học viên thạo nghề, dẫn đến “tam sao thất bản” hoặc biểu diễn méo mó, lệch chuẩn…

Nghệ nhân đàn tính tẩu Hoàng Thím của tỉnh Điện Biên thì cho rằng, đối với các nghệ nhân dân gian thuộc các dân tộc thiểu số thì việc truyền dạy và lưu giữ lại càng khó hơn bởi chỉ có những người thuộc dân tộc ấy mới có thể lĩnh hội được đầy đủ văn hoá, ngôn ngữ của dân tộc mình để có thể tạo nên các công trình nghiên cứu hoặc học tập và biểu diễn cho chính đồng bào mình xem. Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, có lẽ chính các thế hệ nghệ sĩ người dân tộc thiểu số trẻ cần xác định được rằng, việc gìn giữ vốn cổ là trọng trách mà dân tộc, các thế hệ nghệ nhân già đã đặt lên vai mình.

Nếu chỉ nhìn vào sự tồn tại của các nhà hát, các đoàn nghệ thuật dân gian trên cả nước, người ta dễ có suy nghĩ là mọi thứ đã được lưu trữ và truyền dạy trong các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thì còn lo gì mất mát mà quên mất rằng, cổ nhạc vốn được sinh ra từ dân gian, tồn tại trong dân gian và từ dân gian mà phát triển nên muốn bảo tồn và phát huy các vốn cổ dân tộc thì không thể chỉ trông vào vài ba buổi biểu diễn theo định mức của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Tại các quận huyện, phường xã hiện nay đã xuất hiện nhiều CLB văn nghệ dân gian phát triển khá mạnh và cần được “chuyên nghiệp hoá” hơn nữa. Nếu có thể thì cần có một mức ưu đãi nào đó để các nghệ nhân có tài, có khả năng truyền dạy đến để thị phạm cho những “nghệ sĩ không chuyên” này để hoạt động của họ có chiều sâu, có bài bản và đúng lề lối hơn.

GS. Tô Ngọc Thanh cho biết, mỗi năm một lần, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đều tổ chức xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho các nghệ nhân trên cả nước và đã xuất hiện nhiều nghệ nhân trẻ tài năng, có cống hiến. Dẫu vậy, những nghệ nhân có tài, có tâm như đào nương ca trù - NSƯT Kim Đức, nghệ nhân hát văn Đào Thị Sãi, nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, nghệ nhân đàn nguyệt Kim Sinh, nghệ nhân hát xoan Nguyễn Thị Lịch, nghệ nhân cải lương - NSND Viễn Châu… cùng hàng trăm nghệ nhân cổ nhạc trên cả nước đều đã bước qua tuổi 80, đã ít nhiều chùng hơi đoản tiếng và trí nhớ không còn minh mẫn.
 
Nếu không kịp thời ghi chép lại và tổ chức cho các nghệ nhân truyền dạy thì các cụ sớm muộn cũng khuất núi và mang theo kho âm nhạc quá khứ. Lịch sử đã cho thấy nhiều bài học về sự biến mất hoàn toàn của nhiều thể loại cổ nhạc đã từng vang danh trong quá khứ. Hơn lúc nào hết, việc chăm sóc và tạo điều kiện để các “di sản sống” ấy tiếp tục cống hiến đang là vấn đề cần được lưu tâm và thực hiện sát sao, hiệu quả.   

  Ngân An


Ý kiến của bạn